Nạn “treo đầu dê, bán thịt chó” trong kinh doanh online

(PLVN) - Đã rất nhiều “cú lừa” diễn ra từ những cuộc mua bán trên mạng, thế nhưng cư dân mạng vẫn cứ tiếp tục bị lừa và dường như những kẻ lừa đảo cũng vẫn “bình chân như vại”.
Hình minh họa.

Mới đây, một cô gái tên C.H. đã lên mạng tố một chủ shop bán quần áo online lừa đảo. Khi lướt mạng, C.H. vô tình nhìn thấy một shop bán quần áo ngủ với hình chụp rất đẹp và giá cả phải chăng, cô gái này đã đặt mua vài bộ đồ với giá 850 ngàn đồng, được chủ shop thuyết phục chuyển khoản 100% trước để được miễn phí tiền vận chuyển.

Sau khi phía chủ shop báo đã nhận được và chuẩn bị chuyển hàng, thì C.H. ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị chặn, không cách nào liên lạc với chủ shop nói trên nữa.

Thực ra, những chiêu lừa đảo này là không hiếm gặp trong hoạt động kinh doanh online. Cách đây không lâu, K.L., một nữ sinh viên cũng bị lừa hơn 1 triệu đồng từ một shop kinh doanh quần áo.

Sau khi mua hàng và chuyển khoản đầy đủ số tiền 800 ngàn, K.L. được chủ shop báo là mẫu váy cô đặt mua đã cháy hàng, nhưng có mẫu khác đẹp hơn nhiều, nếu muốn đổi mẫu thì phải bù thêm 250 ngàn đồng. Vì xem hình mẫu mới quá vừa ý, K.L. đã chuyển thêm tiền để đổi mẫu. Tiếp theo đó thì chủ shop kia đã “lặn mất tăm”, không cách nào liên lạc được nữa.

Những cách thức lừa đảo tương tự xảy ra rất nhiều. Như người mua bỏ số tiền không nhỏ để mua món hàng chất lượng, nhưng đến khi nhận là là sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng... Phản hồi thì người bán quanh co, bảo là “giống y chang, nhưng do chụp lên hình có đèn nên màu sắc khác”.

Có một chiêu lừa mà hiện nay nhiều đối tượng thường dùng trên mạng xã hội, đó là lập ra những trang Fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượng like, comment, đánh giá tốt cho rầm rộ tạo sự tin cậy cho người mua. Các sản phẩm được đăng bán đều có hình ảnh rất đẹp, giá tốt.

Thực tế những hình ảnh này được lấy trên mạng từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi giao dịch xong, chuyển tiền đầy đủ, người mua sẽ nhận được những món đồ có chất lượng rất kém, phản hồi thì không được trả lời, lên bình luận trên trang thì phát hiện đã bị chặn.

Một cửa hàng bán váy nhập khẩu tại Hà Nội đã được người mua phát hiện có hàng loạt trang “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế, hễ trang này bị phản ứng nhiều từ người mua, họ lập tức ngưng kinh doanh và chuyển sang một trang khác, với tên thương hiệu khác hẳn.

Khó có thể thống kê hết lượng người tiêu dùng bị những cú lừa từ người bán hàng online. Tuy nhiên, lý do để những người bán online này vẫn tiếp tục lộng hành, lừa đảo mà hầu như không phải chịu một hậu quả nào là do việc kinh doanh buôn bán trên mạng hầu như chỉ bằng niềm tin, không có ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Số tiền lừa đảo từ nhiều người, với mỗi người, số tiền không đủ lớn để phải tố cáo đến cơ quan công an mà bất quá cũng chỉ “tố” lên mạng xã hội. Cạnh đó, những kẻ lừa đảo cũng ẩn thân rất kĩ, dùng nick giả, tạo ra nhiều tương tác lẫn mối quan hệ ảo để tạo độ tin cậy để thuyết phục người dùng.

Môi trường kinh doanh online tràn lan, thiếu sự quản lý chính là mảnh đất vàng của những kẻ lừa đảo. Đây cũng là một câu chuyện khó giải quyết, khi mà mạng xã hội thì ảo và mênh mông, còn người tiêu dùng, không thể bỏ thói quen mua bán qua mạng, một xu thế kinh doanh trao đổi tiện lợi, hợp thời./.

Đọc thêm