Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thi hành án hành chính

(PLVN) - Thi hành án hành chính (THAHC) có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, quản lý hành chính nói riêng. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác THAHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Thời gian qua, thể chế về công tác THAHC được không ngừng xây dựng và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước nói chung và THAHC nói riêng. Cụ thể bao gồm: Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tưởng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành pháp luật về THAHC và tổ chức THAHC, các cơ quan THADS vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, vướng mắc do THAHC hiện nay là cơ chế “tự thi hành”, do đó, kết quả thi hành án phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức, ý thức trách nhiệm tự nguyện thi hành của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án. Trong khi đó, quy định về chế tài xử lý trách nhiệm đối với hành vi không chấp hành án hành chính theo pháp luật hiện hành vẫn chưa được bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, khi người phải thi hành án cố tình “chây ì” không chấp hành án thì việc thi hành án hành chính trở nên khó khăn và kéo dài.

Mặt khác, sự phối hợp, trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác THAHC là một yếu tố quan trọng để thực có hiệu quả công tác này. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về THAHC; hoàn thiện thể chế và tổ chức triển khai công tác THAHC; xem xét, hướng dẫn giải quyết các vụ việc THAHC… Tuy nhiên, quá trình phối hợp đôi khi còn chưa kịp thời trong việc hướng dẫn thi hành các bản án, quyết định có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự; hướng dẫn về thời gian tự nguyện thi hành án…

Ở địa phương, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và tòa án nhân dân các cấp trong việc đánh giá tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của UBND, Chủ tịch UBND và trong việc thống kê tình hình giải quyết các vụ án hành chính còn chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa cơ quan THADS và Viện kiểm sát nhân dân chưa kịp thời phối hợp để cung cấp, trao đổi thông tin làm cơ sở cho hai hệ thống cơ quan thực hiện hiệu quả chức năng theo dõi và kiểm sát việc THAHC đối với UBND, Chủ tịch UBND các cấp.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, THAHC; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. 

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác này theo hướng coi trọng nghiên cứu cơ sở lý luận về công tác THAHC, tăng cường sự tham gia của người dân, đối tượng chịu tác động hoặc bị điều chỉnh và phản biện của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế. Về lâu dài, các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật THAHC.

Cùng với đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong công tác THAHC. Trong đó, Bộ Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và quản lý nhà nước về THAHC; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC… 

Đọc thêm