Nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như uy tín của quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam

(PLVN) -Ngày 29/8, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Thuỵ Điển tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực triển khai chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam cho giai đoạn 05 năm: 2023 – 2027. Quyết định số 843 của Thủ tướng Chính phủ đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia thứu 32 trên thế giới, quốc gia thứ 7 ở châu Á ban hành Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (NAP).

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, việc ban hành Chương trình hành động quốc gia theo Quyết định số 843 sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như uy tín của quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam; góp phần giảm thiểu chi phí và rủi ro, trong đó có rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; tạo sự nhất quán trong nhận thức, hành động và áp dụng biện pháp khắc phục của cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp để hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước, của doanh nghiệp ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề kinh doanh có trách nhiệm là vấn đề tiên quyết đối với quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo kinh doanh có trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến quyền lợi con người, bảo vệ môi trường… Đồng thời khẳng định, UNDP sẽ đồng hành, hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Ola Karlman, Trưởng bộ phận Thương mại, Kinh tế và chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam cũng khẳng định, với việc ban hành Chương trình hành động quốc gia này, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ có vị trí tốt hơn trong thị trường toàn cầu có yêu cầu ngày càng cao hiện nay.

Ông Ola Karlman, Trưởng bộ phận Thương mại, Kinh tế và chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Ola Karlman, Trưởng bộ phận Thương mại, Kinh tế và chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thuỵ Điển tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã giới thiệu Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027; bà Harpreet Kaur, chuyên gia KDCTN của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã trình bày tầm quan trọng của NAP trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và một số khuyến nghị cho việc thực hiện NAP.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Các đại biểu, chuyên gia cũng trao đổi thẳng thắn các thuận lợi, khó khăn, đề xuất các khuyến nghị thiết thực, khả thi để Bộ Tư pháp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả, chất lượng Chương trình này.

Đọc thêm