Hội nghị nhằm mục đích triển khai thực hiện Công văn số 3671/MTTW – BTT của Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam về việc phối hợp tuyên tuyền tác hại của buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu. Đồng thời hướng tới mục tiêu từng bước đẩy lùi vấn nạn thuốc lá nhập lậu đang hoành hành tại một số tỉnh biên giới Tây Nam, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân tại các địa phương về những nguy hại của buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người dân. Đây là hội nghị hết sức ý nghĩa trong bối cảnh vấn nạn thuốc lá nhập lậu vẫn tiếp tục tái diễn, gây ra nhiều hệ lụy và mất trật tự an toàn xã hội.
Đã gần 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về Tăng cường công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay.
Nguyên nhân buôn lậu là vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận 350%, trốn tất cả các loại thuế. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy. Theo thống kê, thuốc lá lậu hiện đang chiếm gần 20% thị phần, gây thất thu thuế nặng cho ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng cho mỗi năm gần đây.
Đồng thời, kết quả từ phía Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá công bố từ ngày 2/6/2015 cũng đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá Jet và Hero nhập lậu (là hai sản phẩm thuốc lá lậu chủ yếu, hiện chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) đều vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế do có hàm lượng tar và nicotin cao hơn nhiều so với quy định hiện hành; thậm chí trong thành phần có chất rất độc hại như coumarin (có trong thuốc diệt chuột) ảnh hướng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, Chính phủ cùng các bộ ngành rất quyết liệt trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Cụ thể là Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 ban hành ngày 11/7 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP. Theo đó, thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đều bị tịch thu để tiêu hủy, đối với trường hợp đặc biệt sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam phát biểu |
Ngày 20/6, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ Luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên. Việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu.
Với tinh thần đó, trong hội nghị lần này, UBMTTQ tỉnh Long An và các đơn vị chức năng tham gia đã tập trung chính vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như hệ lụy của buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu đến cư dân biên giới, qua đó giúp cư dân nhận thức được những tác hại của vấn nạn này, từ đó không tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.
Để ngăn ngừa tình trạng buôn lậu thuốc lá, thời gian tới vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên trong mặt trận là vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân hiểu và không tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, trong đó có thuốc lá nhập lậu, qua đó nêu cao tinh thần và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.