Ngược lại, các ông chồng đừng nên bắt ép, coi vợ về quê là một nghĩa vụ mà hãy nhẹ nhàng “mời” vợ đi về miền quê dân dã. Ở đó cây đa, bến nước, sân đình, đậm không khí tân xuân. Hơn ai hết, người chồng phải là người cùng chia sẻ việc gia đình với vợ để vợ có thời gian nghỉ ngơi, thăm thú họ hàng và khám phá những văn hóa truyền thống đẹp đẽ và bình dị sau lũy tre làng.
Người thì bơ phờ, mệt mỏi như đi đánh trận
Gần tới Tết, lòng Vũ Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) nặng trĩu như đeo tảng đá lớn. Lấy chồng 8 năm, cũng từng ấy năm Hà phải đón Tết ở quê chồng. Hà là con gái Hà Nội. Chồng Hà- Hưng là đồng nghiệp cùng cơ quan. Cảm mến và yêu nhau, cả hai quyết định về chung một nhà khi bước sang tuổi 27.
Vì Hưng quê xa nghèo, mới lập nghiệp, lương lại thấp nên không có điều kiện mua nhà, vợ chồng thuê. Tích cóp cũng đủ để nuôi 2 đứa con. Vất vả kiếm tiền, Hà không sợ bằng việc mỗi năm về quê ăn Tết. Trước khi lấy chồng, Hà đã chuẩn bị tâm lý làm dâu ở quê vất vả nhưng không nghĩ lại vất vả đến thế.
Cơ quan vợ chồng Hà rất bận, việc ngập đầu. Vậy mà đầu tháng chạp, bố mẹ chồng đã gọi điện thúc giục về quê ăn Tết trước ngày 23. Vợ chồng giải thích, cơ quan không cho nghỉ sớm thì bố mẹ quay sang hờn dỗi: “Tết ông Công, ông Táo quan trọng, làm cả năm, có vài ngày Tết mà trốn tránh”.
Gần đến ngày Tết, hai vợ chồng gửi con nhà ông bà ngoại, làm dồn việc tới đêm khuya để xin cơ quan về sớm 1-2 ngày. Trước khi về quê, vợ chồng tất bật sắm tết cúng nhà thuê, sắm Tết biếu bố mẹ, những phần quà biếu anh chị, họ hàng, làng xóm. Số tiền tích cóp cả năm, bay vèo như gió vào nhà trống. Biết các con lo lắng chi tiêu khi vài ngày Tết quê nhà, bố mẹ Hà đã ngầm đưa con gái vài triệu thêm thắt lo toan.
Suốt từ 27 tới mùng 4 tết, chưa lúc nào Hà biết ngơi tay. Ngoài lo toan chăm sóc 2 đứa con, Hà “bơi” trong núi việc. Gói bánh chưng, làm thịt đông, làm mứt, dọn dẹp nhà cửa… Ngỡ chuẩn bị hết lương thực, thực phẩm, vài ngày Tết, Hà được ngơi tay nhưng không, đó chỉ là bắt đầu. Ngày Tết là ngày được nghỉ ngơi, sum họp nhưng dường như điều này quá xa xỉ với Hà. Tờ mờ sáng, Hà phải dậy lo chuyện cỗ bàn.
Ở quê chồng có lệ, cứ khách tới là ngả mâm ra mà không cần biết khách có muốn xơi hay không, không “định dạng” giờ giấc. Nếu khách từ chối có nghĩa là coi thường chủ nhà. Quê lắm họ hàng, bạn bè, hàng xóm chúc Tết. Và Hà cứ xoay như chong chóng điệp khúc: vào bếp nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, chăm sóc 2 đứa con nhỏ… suốt từ sáng tới tối. Hà sợ nhất là những năm rét căm căm.
Rửa bát suốt ngày với nước múc giếng lạnh khiến Hà thấy rùng mình. Vợ làm việc vất vả, nhưng chồng nghĩ đó là bổn phận. Hưng tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi, vui chơi. Anh không đỡ đần vợ việc gì. Khi bố mẹ ở nhà tiếp khách thì chồng lại “giao lưu” ăn uống triền miên ở nhà họ hàng, làng xóm, bạn bè. Hôm nào cũng 11 giờ về, người say mềm, hôi hám, bỏ bê không quan tâm đến vợ, con.
Suốt ngày cắm mặt vào bếp núc, Hà chẳng có thời gian đi chúc Tết họ hàng. Quần áo, váy vóc, son phấn Hà không có cơ hội mặc. Có năm, Hà diện váy nhung với quần tất, trang điểm son phấn, tóc xoăn buông dài. Mẹ chồng nhìn từ đầu đến chân phán: “Con ở nhà quanh quẩn với cái bếp, mặc làm gì đồ đấy cho vướng víu. Trang điểm thì có ai nhìn đâu, chỉ tốn son phấn”. Từ đó đến nay, Hà “trung thành” với bộ đồ ở nhà với khuôn mặt nhợt nhạt, tóc búi ngược ra sau.
Nhưng khiếp nhất không phải chuyện cắm đầu vào bếp nước mà chuyện mừng tuổi. Gia đình chồng là trưởng tộc, nhà nhiều anh em, cháu chắt, họ hàng. Mỗi lì xì vài ba chục nghìn nhân lên gần trăm cái, chưa kể tới việc mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Nhưng họ hàng, làng xóm mừng tuổi lại con vợ chồng chị Hà chỉ vài nghìn… lấy phước.
Họ mặc nhiên, người Hà Nội giàu nên “chơi đẹp” là chuyện đương nhiên. Vì vậy, từng ấy đi tong của vợ chồng Hà vài triệu như chơi. Trong khi chồng vừa trải qua chuỗi ngày hưởng thụ, ăn uống, hàn huyên họ hàng, “chém gió” bạn bè thì Hà bơ phờ, mệt mỏi như đi đánh trận. Lên Hà Nội, trong túi của vợ chồng Hà hầu như trống rỗng.
Người thì háo hức khám phá văn hóa quê xa
Nỗi niềm của Hà cũng giống một số dâu thành phố về quê đón Tết nhưng không phải là tất cả. Có người rất háo hức về quê chồng ăn Tết.
Chị Minh Trang (Gia Lâm, Hà Nội) làm dâu hơn 10 năm. Lần nào về quê, chị cũng khám phá vẻ đẹp văn hóa truyền thống của quê hương chồng. Chị vốn mê văn hóa, ẩm thực, du lịch. Mỗi năm về quê đón Tết, chị và chồng lại lên kế hoạch khám phá. Cũng may, bố mẹ chồng tâm lý, tạo điều kiện cho vợ chồng chị.
Năm đầu, chị Trang về quê học cách gói, nấu bánh chưng, năm sau chị học cách làm mứt Tết, cách nấu cỗ đúng hương vị quê nhà. Trong lúc nấu, chị được mẹ chồng kể vì sao món ăn đó hương vị độc đáo hơn các vùng khác.
Ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết, cả nhà quây quần sum họp, thưởng thức những món ăn ngày Tết. Chồng chị luôn chia sẻ việc nhà. Nếu chị cùng mẹ nấu nướng, anh dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Anh rất có ý thức, không ăn uống say sưa, thường đưa vợ, con đi chúc Tết.
Sau khi học khám phá ẩm thực, chị chuyển sang tìm hiểu văn hóa, kiến trúc, lịch sử các đình, đền, chùa, miếu ở làng và các vùng lân cận. Việc này thường diễn ra sau ngày mùng 2 Tết. Anh chị đưa các con đi lễ kết hợp tham quan, khám phá.
Tính đến nay, vợ chồng và các con hiểu biết kha khá về các di tích, ẩm thực, lễ hội truyền thống vùng đồng bằng. Chị bảo, làm cả năm, ít có thời gian cả nhà đi thăm thú nên những ngày Tết, chị cùng gia đình tranh thủ đi hưởng không khí Tết, hưởng nét đẹp làng quê.
Vì vậy, chị Trang thấy thoải mái, hứng khởi mỗi khi Tết đến, xuân về. Chị Trang hào hứng: “Về quê được nếm dư vị ngày Tết với tiết trời se lạnh nhưng vẫn cảm thấy ấm áp khi thăm bà con, viếng mộ tổ tiên, tham gia các lễ hội đình làng. Bọn trẻ được biết nhiều trò chơi dân gian mà tạm quên đi những trò chơi điện tử, được xuýt xoa bên nồi bánh chưng, cảm giác đó thật tuyệt vời. Nếu đón Tết trên thành phố, ít có cơ hội trải nghiệm như vậy…