Nặng gánh nợ nần khiến bà lão phải bán đất khi tuổi xế chiều

(PLO) - Sau đám tang của chồng, bà Mai mong có ngày được thắp nén nhang trước bàn thờ để nói với chồng rằng “tôi đã trả hết nợ rồi mình ơi”. Thế nhưng, mọi nỗ lực của bà cũng chẳng thể nào kham nổi gánh nặng nợ nần, đành lòng phải bán đi mảnh đất bao năm qua vợ chồng cùng chắt chiu, gắn bó khi tuổi đã bước qua chiều tà, bóng xế.   
Bán đất trả nợ, “ở đợ” cũng không xong
Bà Mai (ở huyện Châu Thành, An Giang) vốn có ba người con gái. Cách đây 8 năm, chồng bà bạc phước mất đi để lại cho bà sự cô đơn lẫn gánh nặng nợ nần trong những năm chữa bệnh cho ông. Con cái lớn lên đều lấy chồng ở xa, hoàn cảnh cũng túng quẫn nên chẳng giúp gì được cho mẹ.
Trước đây khi chồng còn sống, ông bà thống nhất 10 công ruộng (hơn 1ha) và 200m2 đất thổ cư mà ông bà tạo dựng được từ ngày lấy nhau sẽ dùng để dưỡng già, sau này sẽ lập di chúc chia đều cho các con. 
Tính là vậy, nhưng đột nhiên chồng bà đổ bệnh. Ban đầu chỉ là những cơn đau bụng, thuốc thang cũng chỉ uống vài ba gói là khỏi. Lâu dần, các cơn đau ngày một dày hơn, bà đưa ông đến các bệnh viện tuyến trên khám. Sau hàng loạt xét nghiệm, bác sỹ kết luận ông bị ung thư, khiến mọi người trong gia đình bàng hoàng, lo lắng. Thương ông, bà đem toàn bộ “Sổ đỏ” đất đai, nhà cửa đi thế chấp vay tiền Ngân hàng Agribank để thuốc thang, bồi dưỡng cho ông trong các đợt xạ trị. Được hơn một năm, số tiền vay mượn cũng hết, bà lại đem hơn 10 công ruộng đi cầm cố tiếp cho ông Tác lấy 100 triệu đồng với hy vọng mong manh “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, mọi nỗ lực, cố gắng của ông bà cũng không vượt qua nổi “lưới hái tử thần”, ông ra đi trong sự tiếc thương của vợ con, họ hàng, chòm xóm thân quen.
Hai năm sau khi chồng mất, bà Mai vẫn chưa thể trả cho ngân hàng được đồng nào, số lãi quá hạn lâu ngày cứ vậy tăng lên. Trước nguy cơ bị phát mãi tài sản, đành lòng bà bán luôn số đất cho ông Tác để lấy tiền trả ngân hàng. Ông Tác cũng đánh liều mua giúp bà Mai khi “Sổ đỏ” vẫn còn nằm trong ngân hàng, vì thế hai bên chỉ làm giấy viết tay mua bán với nhau, không thông qua chính quyền địa phương. 
Sau khi bà Mai trả hết nợ cho ngân hàng và lấy giấy tờ ra giao cho ông Tác, lúc này ông Hấu (đại lý phân bón, thuốc trừ sâu) đến đòi bà Mai trả khoản nợ 80 triệu đồng trước đây mua thiếu phân bón, thuốc trừ sâu. Lực bất tòng tâm, bà đành xin ông Hấu khất nợ, nhưng ông Hấu không cho. Bí đường, bà đành xin “ở đợ” cho nhà ông 3 năm để trừ nợ, nhưng vì sợ mang tiếng ở đời nên ông Hấu không chấp nhận lời đề nghị của bà Mai. Chưa chịu thua, ông Hấu xoay qua đòi bà Mai phải giao cho mình 2 công đất đã bán cho ông Tác trong 3 năm sẽ trừ hết nợ, nhưng chẳng bên nào chấp nhận. 
Bà Mai cho rằng mình đã bán đứt nên không còn quyền, ông Tác bảo không dính dáng, còn ông Hấu thì cương quyết đến vụ đông xuân sẽ đến lấy 2 công đất để làm trong 3 năm rồi trả lại như đã từng tuyên bố. Sự việc rối bời, tổ hòa giải của ấp cũng đành bó tay. 
Vấn đề của bà Mai, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: Phải thừa nhận bà Mai là người rất trọng nghĩa, trọng tình nên đã chăm lo chữa trị cho chồng trong những ngày bạo bệnh. Không những thế, bà còn là người biết giữ uy tín như: bán hết đất trả nợ cho ngân hàng và còn xin ông Hấu đi “ở đợ” trong 3 năm để trừ nợ. Vì vậy, ông Hấu  cũng nên rộng lượng một chút với bà Mai như khoanh nợ không tính lãi để cho bà cơ hội trả dần trong nhiều năm.
Khi bán đất, bà Mai, ông Tác, ông Hấu cũng không bàn bạc, thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ gì cho nhau, vậy nên ông Tác không phải chịu trách nhiệm gì về khoản nợ của bà Mai với ông Hấu. Mặt khác, khi bà Mai mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu, hai bên cũng không thỏa thuận thế chấp 2 công ruộng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, vì thế ông Hấu không thể lấy ruộng của bà Mai đã bán cho ông Tác để trừ nợ được. Nếu ông Hấu vẫn quyết tâm thực hiện theo ý của mình thì rất có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất (không được chủ sử dụng đất cho phép sử dụng) theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 
Ông Hấu có quyền khởi kiện bà Mai ra Tòa để đòi nợ. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Mai vẫn không có tài sản thì ông Hấu cũng phải chờ đến khi bà Mai có khả năng thi hành.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm