Nâng niu hồn dân tộc qua từng mẫu thiết kế

(PLO) - Trong một buổi chiều xuân se lạnh, tại showroom thời trang đầu con phố Hai Bà Trưng, nhà thiết kế Xuân Thu hồ hởi giới thiệu du khách nước ngoài về trang phục truyền thống người Việt. Những bộ thiết kế thời trang đậm hồn Việt ấy hòa quyện không gian 36 phố phường Hà thành đã đốn tim những du khách tới thưởng lãm.  
Nâng niu hồn dân tộc  qua từng mẫu thiết kế

Đột phá tại làng thời trang Việt

Với mái tóc ngắn cá tính, đôi mắt biết cười, nhà thiết kế Xuân Thu hào hứng kể về lịch sử thời trang Việt với du khách và những người mộ điệu. Sinh năm Kỷ Dậu 1969, tại Hà Nội, từ bé, chị Xuân Thu đã thích ngắm những bộ thời trang trên phố, nhất là những dịp lễ hội. Lúc đó, trong đầu cô bé 7 tuổi luôn tò mò đặt ra câu hỏi: “Tại sao có chiếc áo dài”, “Áo tứ thân bắt nguồn từ đâu?”, “Áo bông Việt khác với áo bông Trung Quốc điểm nào?”, “tại sao lại thêu văn trên trang phục”. Những câu hỏi ấy thôi thúc cô bé tìm lời giải đáp qua những cuốn sách nói về lịch sử, văn hóa, lối sống, thời trang của người Việt. Những kiến thức ấy được bồi đắp qua năm tháng để rồi khi trưởng thành, Xuân Thu có thể nói “vanh vách” nguồn gốc, xuất xứ bộ trang phục qua từng thời kỳ. Chị thích mặc những bộ quần áo đẹp, tự cắt may và thích thú với công việc của một nhà trang trí trên quần áo. Tình yêu thời trang, vốn văn hóa dân tộc nhiều đến nỗi chị “cất” bằng cử nhân Trường Kinh tế sang một bên để học Trường Đại học Mỹ thuật, biến ước mơ thiết kế trang phục đậm nét dân tộc thành hiện thực.

Là người được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang ở Trường Đại học Mỹ thuật, năm 2001, chị Xuân Thu tham gia cuộc thi Thiết kế thời trang Việt Nam và đã đoạt giải 3. Từ đây thiết kế, thời trang đã gắn liền với cuộc đời của nhà thiết kế Xuân Thu cùng nhãn hiệu  Xthu-Nguyen galli. Chị như thổi luồng gió mới vào thời trang Việt khi để lại nhiều dấu ấn đậm nét, tươi mới nhưng đầy truyền thống qua các bộ thiết kế “Hoa quả miền nhiệt đời”, “Áo dài Rồng và Mây”, “Áo bông-  Góc xưa, Du xuân và Con đường tơ lụa”…

Cách đây hơn chục năm, kỹ thuật in 3D- một kỹ thuật còn khá mới mẻ kết hợp với vẽ tay dựa trên những họa tiết hoa văn được chị dày công nghiên cứu đã được công chúng mộ điệu tán tưởng. Chưa dừng lại ở đó, để tạo sự khác biệt với các nhà thiết kế khác và sự đột phá trong làng thời trang. Năm 2015, chị đã mạnh dạn đưa họa tiết gốm hoa nâu thế kỷ 11-15 vào trang phục áo dài truyền thống. Show diễn được trình diễn trên nền nhạc chầu văn và piano với sự thể hiện điêu luyện của các  nghệ sĩ như: Phó An My, nghệ sĩ hát chèo Thanh Hoài, nhóm sáo trúc và hát Chầu văn Dương Thanh An. Chương trình để lại dấu ấn đậm nét về văn hoá Việt bởi sự đặc biệt này. 

Nhà thiết kế Xuân Thu muốn tất cả những người phụ nữ Việt Nam khi đi ra thế giới, mặc những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt và coi đó là một niềm tự hào.
Nhà thiết kế Xuân Thu muốn tất cả những người phụ nữ Việt Nam khi đi ra thế giới, mặc những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt và coi đó là một niềm tự hào.

Luôn “giữ lửa” đam mê

Sức sáng tạo của chị không ngừng nghỉ, đầu tháng 3/2017, chị sẽ tiếp tục “trình làng” bộ sưu tập mới mang tên “Lửa”. Nói về bộ sưu tập mang tên “Lửa”, nhà thiết kế Xuân Thu cho biết: “Từ thời tiền sử, việc phát minh ra lửa được coi là một bước tiến quan trọng trong văn minh của loài người. Lửa được coi là sự hồi sinh, tái sinh của sự sống, thắp lên tình yêu, thắp lên niềm tin, sự lạc quan và mạnh mẽ vào tương lai. Truyền thống tinh thần Việt Nam coi trọng ngôi nhà, coi trọng cái bếp để đánh giá về vai trò của người phụ nữ. Trong đó, vai trò “giữ lửa” của người phụ nữ trong gia đình như một vai trò quan trọng nhất”.

Đã từng ra nước ngoài, chị Xuân Thu nhận ra, những hàng hiệu đơn thuần là công nghiệp chứ không tỉ mẩn thêu, may vá bằng tay như những mẫu thời trang dân tộc Việt. Tỉ mẩn ấy luôn được chị chú trọng. Dường như tuổi gà cần cù, chăm chỉ vận vào chị. Chị không chạy đua theo số lượng, may đồ hàng loạt mà lặng lẽ thiết kế, thêu và may tay mất hàng tuần mới có một sản phẩm chất lượng. Có người bảo, chị quá dại, “cổ hủ” quá khi không chạy theo đơn đặt hàng hàng loạt với những mẫu thiết kế ná ná, sao chép nhau rồi kiếm bộn tiền như một số nhà thiết kế khác. Nghe vậy, chị chỉ cười nhẹ nhàng khi nói sẽ kiên trì theo lối đi “lượng ít, chất nhiều”. Với những sản phẩm thời trang của mình, “mẹ đẻ” của “Duyên”, “Lửa” muốn tất cả những người phụ nữ Việt Nam khi đi ra thế giới, mặc những sản phẩm thương hiệu Việt, mang đậm nét văn hóa Việt và coi đó là một niềm tự hào.

Có lẽ cách làm việc “cổ hủ” ấy mà dù định vị thương hiệu Xuân Thu 15 năm trong làng thời trang Việt, nhưng có lẽ chị “nghèo” nhất các nhà thiết kế. Ít ai ngờ rằng, chị Xuân Thu vẫn được chồng “nuôi”. Bao nhiêu tiền công may, thêu, thiết kế chị “đổ” vào hết những tấm vải chất lượng và showroom để mọi người thưởng lãm và thỏa mãn nhu cầu mộ điệu. Thậm chí, tiền tích cóp của chồng cũng bị chị “nướng” vào cuộc chơi thời trang đầy sang trọng đó là show diễn “Duyên”. Chồng chị dường như hiểu và thương vợ vất vả, tâm huyết với thời trang dân tộc đã “tặng” chị vô điều kiện về kinh tế, công sức và lời động viên vợ trên bước đường sự nghiệp.

Đam mê thời trang, chị không quên thú chơi, thưởng lãm hương vị ngày Tết. Thời tiết vào xuân, cũng như những người phụ nữ gia đình, chị Xuân Thu rất thích không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán. Nhất là khi năm nay lại là năm tuổi chị. Cứ vào ngày 22, 23 Tết, cả gia đình chị lại đi ngắm đào, quất tại Tây Hồ, vào thăm các vườn đào để cùng con tìm hiểu cách chăm sóc đào, quất  cũng như văn hóa chơi cây, hoa cảnh. Thú chơi đào của chị khá cầu kỳ. Chị thích cây đào bé tí xíu- chỉ đủ để trên bàn nhưng lại có nhiều hoa cánh dày. Cây đào tí hon này không dễ kiếm nên chị phải “lùng sục” các vườn đào để đặt mua. Có con mắt thẩm mỹ của một họa sĩ, chị tự tay trang trí nhà cửa với đầy đủ đào quất, hoa, trên tường treo tranh giấy dó con vật theo đúng năm đó. Đặc biệt năm nay, chính cô con gái 9 tuổi vẽ tặng mẹ tranh con gà…

Nhà thiết kế Xuân Thu giữ trong mình tâm niệm, dù làm nghề gì, dù có là nhà thiết kế giỏi đến đâu thì không bao giờ được phép quên mình là người “giữ lửa” gia đình, chăm lo tổ ấm gia đình ngày một vẹn tròn. Và những điều ngọt ngào, đầm ấm gia đình mang lại cũng chính là nguồn động lực, giúp chị có sức sáng tạo cho những mẫu thiết kế độc đáo chứa đựng hồn dân tộc, mang tầm quốc tế. 

Đọc thêm