Nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong trên thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được biết đến là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, cam Cao Phong ngày càng được khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường...
Sản phẩm cam Cao Phong thơm ngon đặc trưng được bày bán tại Lễ hội Cam Cao Phong 2022 (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Sản phẩm cam Cao Phong thơm ngon đặc trưng được bày bán tại Lễ hội Cam Cao Phong 2022 (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Quả cam Cao Phong có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Giống cam này đã giúp cho mảnh đất Cao Phong từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông trở thành một điển hình thành công trong việc phát triển cây trồng có múi của cả nước.

Dấu ấn mới

Nông trường Cao Phong cũng được biết đến là vựa cam lớn nhất không chỉ của tỉnh Hòa Bình mà còn cả khu vực Tây Bắc, với diện tích trồng cam chiếm 45% diện tích toàn tỉnh.

Thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, toàn huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha. Với chất lượng tốt, cam Cao Phong đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, và cũng là nông sản đặc trưng, tiêu biểu tạo thế mạnh tiền đề để huyện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Không chỉ đạt được lượng tiêu thụ ấn tượng trong nước, sản phẩm cam Cao Phong cũng đã và đang nâng cao chất lượng, mẫu mã để đủ điều kiện để xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp. Vào đầu năm 2023, cam Cao Phong chính thức xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang Vương quốc Anh với tổng khối lượng khoảng 7 tấn. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt, góp phần quảng bá mạnh mẽ thương hiệu "Cam Cao Phong" và động viên tinh thần cho những người trồng cam trên toàn huyện.

Vườn cam Cao Phong đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình tại Hòa Bình (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình)

Vườn cam Cao Phong đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình tại Hòa Bình (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình)

Lộ trình giữ vững chất lượng thương hiệu và mở rộng thị trường cam Cao Phong

Để đảm bảo giữ vững chất lượng thương hiệu, chính quyền và người dân huyện Cao Phong đã hoạch định lộ trình và giải pháp đồng bộ cụ thể, như triển khai phát triển sản xuất vùng trồng cam an toàn tập trung; thực hiện hỗ trợ các địa phương trong việc chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, cung cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích trồng cây có múi trong chu kỳ kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; đồng thời tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, nhằm đảm bảo các yêu cầu về Vệ sinh An toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt, là trung tâm kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Về việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm cam Cao phong, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Cao Phong nói riêng cũng đã tiến hành triển khai nhiều kế hoạch hết sức bài bản trong những năm qua.

Ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: “Hiện nay, cam trên địa bàn huyện Cao Phong được sản xuất chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGap. Tháng 11/2022, huyện cũng đã tiến hành tổ chức lại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 sau 2 năm phải tạm dừng vì dịch COVID-19, nhằm quảng bá, xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm, kết nối nông sản cam Cao Phong đối với thị trường trong nước.

Sản phẩm cam Cao Phong đặc trưng được bày bán tại Lễ hội Cam Cao Phong (Ảnh: Báo Hòa Bình)Sản phẩm cam Cao Phong đặc trưng được bày bán tại Lễ hội Cam Cao Phong (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Năm nào huyện tổ chức Lễ hội cam, các chủ trang trại, nhà vườn ở địa phương cũng đều tham gia tích cực vì đây là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với đông đảo du khách. Rất nhiều du khách khi đến trải nghiệm lễ hội tại huyện Cao Phong cũng đã có các trải nghiệm khó quên.

Anh Hà (đến từ quận Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích đến những lễ hội du lịch và quảng bá sản phẩm nông sản địa phương như thế này. Ngoài việc được trải nghiệm văn hóa và không khí nơi đây, tôi muốn được mua nông sản tươi ngon chất lượng tại nguồn sản xuất.”

Không chỉ được tìm đến vào những ngày diễn ra lễ hội, nhiều năm nay, mùa cam chín đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện Cao Phong vào dịp cuối năm.

Nắm bắt được nhu cầu này, địa phương đã kết hợp với nhiều nhà vườn để phát triển du lịch. Du khách đã có được những trải nghiệm tuyệt vời khi lạc bước vào vườn cam, tận mắt ngắm những chùm quả chín mọng, sai trĩu cành. Du khách cũng được cắt cam rồi thưởng thức ngay tại vườn hương vị ngọt thanh, thơm mát không thể trộn lẫn với loại cam nào khác của cam Cao Phong. Tất cả đều là những trải nghiệm khó quên khiến du khách tìm về mỗi khi Cao Phong vào mùa cam chín.

Với chất lượng đã được khẳng định trong nhiều năm, cam Cao Phong ngày càng có sức hút đối với người tiêu dùng trên thị trường. Huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khai thác tối ưu các giá trị của cây cam hơn nữa, nhằm biến cây nông sản đặc trưng này trở thành một thương hiệu có nhiều sức hút, để ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến với cam Cao Phong hơn nữa.

Đọc thêm