Nét văn hóa đẹp của người Việt qua những mâm cúng Tết Đoan ngọ

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Với mỗi người Việt Nam, Tết Đoan ngọ không chỉ là dịp để mong cầu về sức khỏe, bình an mà còn là một nét văn hóa tâm linh đẹp của dân tộc, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu với ông bà, tổ tiên.

Nét văn hóa đẹp của người Việt qua những mâm cúng Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ là ngày lễ truyền thống của người Việt. Đây được xem là một trong những ngày lễ tết quan trọng trong năm của người Việt, là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên; cũng là dịp để các bà nội chợ thể hiện tài khéo léo, đảm đang của mình qua mâm cỗ cúng 5/5.

Cũng giống như các dịp lễ Tết truyền thống khác, đối với gia đình chị Biên Thùy (quê Ninh Bình), mỗi dịp Tết Đoan ngọ, dù có bận mấy cũng đều sắp xếp thời gian để chuẩn bị mâm cúng thật đủ đầy, trang trọng để dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên.

"Trước là giữ gìn nét đẹp truyền thống của Việt Nam, sau là giữ nếp nhà và để các con hiểu được những nét đẹp truyền thống. Mỗi khi chuẩn bị mâm lễ thì lòng tôi luôn muốn mâm lễ dâng lên dù giản dị nhưng vẫn chỉn chu, đẹp đẽ và đầy thành ý", chị Thùy chia sẻ.

Dù đã sinh sống xa quê đã lâu nhưng chị Biên Thùy vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương Ninh Bình với những vật phẩm quen thuộc, gần gũi như: hương hoa, vàng mã, trầu cau, rượu nếp, trái cây, bánh gio, chè, xôi, trầu cau và các loại hoa thơm. Theo kinh nghiệm của chị Thùy, hoa dâng lên mâm cúng thường được bày theo đĩa và là những loại hoa có hương thơm như hoa sen, sắc màu rực rỡ hoa mẫu đơn. Các vật phẩm khác thì luôn phải lựa chọn đồ tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Và dù cúng bằng đồ lễ nào thì điều quan trọng nhất vẫn là đặt tâm ý vào đó.

Mâm cúng gia tiên của gia đình chị Biên Thùy gồm lễ vật truyền thống với màu sắc bắt mắt. Ảnh: NVCC

Mâm cúng gia tiên của gia đình chị Biên Thùy gồm lễ vật truyền thống với màu sắc bắt mắt. Ảnh: NVCC

Trên một diễn đàn mạng xã hội những ngày gần đây, các chị em đang thi nhau khoe mâm cúng Tết Đoan ngọ do chính tay mình chuẩn bị với những nét văn hóa riêng biệt của từng vùng miền kèm những câu chuyện tuổi thơ đáng nhớ.

Hào hứng khoe mâm cúng ngày 5/5 đặc trưng của quê hương, tài khoản facebook Nhi Trương cho biết, vịt là món không thể thiếu của người Huế vào dịp Tết Đoan ngọ. Vịt không chỉ được chế biến thành món đơn giản là luộc chấm mắm gừng, mà cầu kỳ hơn còn có món vịt quay, vịt hon sả, vịt sốt me hay tiết canh vịt.

Bên cạnh thịt vịt thì chè kê cũng là món ăn dành cho ngày 5/5. Chè kê được nấu từ hạt kê nếp và đậu xanh, ăn kèm với bánh tráng nướng. Vị ngọt, dẻo của chè kê hòa quyện với vị giòn giòn, mặn mặn của bánh tráng tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn.

Cũng theo chị Nhi Trương, ở Huế, ngày 5/5 còn được gọi là Tết sui gia. Vào dịp này, những gia đình đã làm lễ ăn hỏi nhưng chưa cưới thì nhà trai sẽ mang sang biếu nhà gái cặp vịt và trà, rượu.

Mâm cúng của chị Nhi Trương với những lễ vật mang đậm phong tục của người Huế.

Mâm cúng của chị Nhi Trương với những lễ vật mang đậm phong tục của người Huế.

Nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, 'cư dân mạng' Cao Thanh Thủy kể lại: Ngày nhỏ ở quê vào mỗi dịp Tết đoan ngọ, sau khi ngủ dậy sẽ được tráng miệng bằng hoa quả, thường là quả vải vặt luôn trên cây trong vườn nhà. Mẹ thường nói rằng ăn như thế để giết sâu bọ, khi đó vẫn chưa hiểu ý nghĩa của phong tục này.

"Lớn lên khi đi học và làm việc xa nhà mới hiểu ý nghĩa của Tết Đoan ngọ và biết thêm về phong tục của nhiều nơi, có thêm những món ăn đặc trưng khác trong ngày này như cơm rượu, bánh gio, bánh xu xuê,... Từ khi có tổ ấm riêng, năm nào cũng chuẩn bị 1 mẹt lễ để thắp hương tổ tiên vào ngày Tết 5/5", chị Thủy viết.

Mâm cúng Tết Đoan ngọ của chị Cao Thanh Thủy.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ của chị Cao Thanh Thủy.

Theo chị Nguyễn Hồng Thúy, Tết 5/5 không chỉ là một ngày lễ truyền thống mà còn là dịp để gia đình sum vầy, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon và chia sẻ những giây phút hạnh phúc bên nhau. Vào ngày này, gia đình chị Thúy vẫn duy trì các nghi thức truyền thống như: Ăn rượu nếp và trái cây để giúp tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể; Tắm lá thảo dược và xông nhà với hy vọng xua đuổi được tà ma, bệnh tật và mang lại sức khỏe dồi dào...

"Hồi nhỏ hay được gọi dậy sớm vào ngày 5/5 âm rồi tắm rửa sạch sẽ, sau đó dùng bàn tay chỉ lên mái nhà với mục đích tránh xước măng rô. Tới giờ vẫn nhớ những hình ảnh đẹp của tuổi thơ về ngày giết sâu bọ", chị Thúy chia sẻ.

Có thể thấy, tùy theo từng vùng miền, địa phương, sẽ có những nghi thức, cách bày biện mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ khác nhau. Tuy nhiên ý nghĩa chung của ngày Tết truyền thống này đều là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mong muốn diệt trừ sâu bọ gây hại, xua đuổi bệnh tật, cầu mong sức khỏe an lành và cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Trải qua bao thế hệ, những phong tục, tập quán trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay, trở thành một biểu tượng văn hóa đầy ý nghĩa của người Việt, thể hiện những giá trị tốt đẹp về tình cảm gia đình và lòng hiếu thảo với tổ tiên.

Một số mâm cúng Tết Đoan ngọ mà PLVN tổng hợp:

Thịt vịt và chè kê là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ ở Cố đô Huế nói riêng và miền Trung nói chung. (Ảnh: Vân Đỗ)

Thịt vịt và chè kê là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ ở Cố đô Huế nói riêng và miền Trung nói chung. (Ảnh: Vân Đỗ)

Mâm cúng Tết Đoan ngọ của chị Đỗ Mỵ Châu (Hà Nội) với những lễ vật quen thuộc như rượu nếp cẩm, bánh gio, hoa quả... và không thể thiếu đặc sản của Hà Nội là bánh xu xê cốm và xôi cốm.

Mâm cúng Tết Đoan ngọ của chị Đỗ Mỵ Châu (Hà Nội) với những lễ vật quen thuộc như rượu nếp cẩm, bánh gio, hoa quả... và không thể thiếu đặc sản của Hà Nội là bánh xu xê cốm và xôi cốm.

Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy

Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy

Ảnh Kimthanh Le

Ảnh Kimthanh Le

Ảnh: Kim Cuong

Ảnh: Kim Cuong

Ảnh: Lee Hoa

Ảnh: Lee Hoa

Ảnh: Đỗ Ngọc Thu

Ảnh: Đỗ Ngọc Thu

Ảnh: Thanh Thúy

Ảnh: Thanh Thúy