'Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm'

(PLVN) - Đó là nhận định của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng về sự việc hàng trăm người nước ngoài vào Hải Phòng cư trú, hoạt động tội phạm trong một thời gian dài mà chúng ta không biết.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thường trực Ban Bí thư cho rằng tình trạng cuộc vận động chưa đi vào đời sống có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở vì tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở.

Nhận định này không chỉ đúng với tình trạng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa phát huy hiệu quả như mong muốn mà ở các lĩnh vực quản lý khác cũng vậy. Chẳng hạn, chính quyền quản lý như thế nào mà để xuất hiện một con phố được đặt tên, cắm biển, định danh trên bản đồ Internet mà chính quyền không hề biết, lúc phát hiện thì cũng không tìm ra ai đã làm chuyện đó.

Đó chỉ là chuyện nhỏ so với các sự việc tày đình khác. Các địa điểm kinh doanh thác loạn, hoạt động hầu như công khai nhiều năm ở ngay trung tâm thành phố thế mà không ai động tới. Những công ty địa ốc ngang nhiên rao hàng, bán đất không phải của mình, lừa dối khách hàng mà chính quyền không hề can thiệp hoặc xử lý. Bán hàng đa cấp cũng vậy, gây hệ lụy cho không biết bao nhiêu người, thế mà vẫn phát triển mạnh mẽ, xuống đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dứt khoát phải có sự tiếp tay của cán bộ địa phương.

Có những việc không thể tin được những là sự thật, ví dụ như xây cả một cái thủy điện nghìn tỷ đã đưa vào vận hành, khai thác mà chưa hề có giấy phép. Có đơn vị 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng mà nợ lương, bảo hiểm của người lao động đến 30 tỷ khiến họ phải tập trung, căng biểu ngữ phản đối.

Có cơ quan Công an cấp tỉnh trong 5 năm tiêu hết gần 50 tỷ, trong đó có gần 40 tỷ chi quà cáp và tiếp khách, giờ còn nợ hơn 5 tỷ không biết kiếm đâu ra. Tình trạng phá rừng, giang hồ lộng hành, “tín dụng đen”, rồi các bãi giữ xe không phép, khai thác khoáng sản lậu, chiếm dụng đất đai, tranh giành lãnh địa, tự xử không cần pháp luật... xảy ra ở nhiều địa phương đến nỗi dư luận bàng hoàng đặt câu hỏi: “Chính quyền địa phương ở đâu?”.

Sự yếu kém của một số địa phương cùng các ngành quản lý đã phơi bày rất rõ trong công tác quản lý của mình và đã để xảy ra nhiều vụ việc gây bất ổn xã hội và đời sống nhân dân. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục thì quả là nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống bình yên của nhân dân và trật tự, trị an xã hội. 

Đọc thêm