Nga hạ thủy trạm điện nguyên tử nổi đầu tiên trên thế giới

(PLO) - Tập đoàn “Rosenergoatom” của Nga vừa cho biết đã khởi động thành công lò phản ứng của trạm điện nguyên tử nổi đầu tiên trên thế giới.
Trạm điện nổi của Nga.

Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời đại diện của Rosatom cho biết, việc khởi động vật lý với lò phản ứng mạn phải của trạm điện hạt nhân nổi mang tên “Viện sĩ Lomonosov” đã diễn ra ngày 2/11 (giờ địa phương).

Lò phản ứng đã hoạt động lúc 17h58 (theo giờ Moscow) và sau đó đã đạt đến mức công suất kiểm soát tối thiểu.

Toàn bộ quá trình hạ thủy trạm điện trên sẽ kéo dài đến đầu năm 2019. Trong quá trình này, tổ máy sẽ được chạy thử ở tất cả các chế độ, bao gồm chế độ bất thường, để xác nhận thông số thiết kế cũng như tuổi thọ 40 năm của mình.

Trạm điện hạt nhân nổi “Viện sĩ Lomonosov” thuộc Đề án 20870 là dự án thí điểm trong kế hoạch xây dựng một loạt các trạm năng lượng cơ động công suất nhỏ của Nga. Tổ máy được xây dựng tại nhà máy Baltic ở Saint-Peterburg.

Thông tin do phía Nga cung cấp trước đó cho biết, trạm điện “Viện sĩ Lomonosov” có công suất lên đến 70 MW, đủ để cung cấp điện cho một thành phố với dân số hơn 200 nghìn người, cho một cảng biển hoặc cho các giàn khoan dầu khí ở ngoài khơi.

Các lò phản ứng của trạm điện cũng có thể được sử dụng để biến nước mặn thành ngọt, hàng ngày sản xuất 240 nghìn mét khối nước cho ăn uống sinh hoạt và các nhu cầu kinh tế.

Thời hạn sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi là khoảng 40 năm, các lò phản ứng phải được thay thế bằng nhiên liệu mới mỗi 2,5-3 năm.

Đặc điểm của trạm điện này là nó có thể "di chuyển", có thể đến sát gần người tiêu dùng. Tính năng này là đặc biệt hữu ích trong các vùng xa xôi như vùng Viễn Đông và các khu vực ven biển của miền Bắc nước Nga.