Ngành giáo dục chờ “lột xác” sau đề án cải cách

(PLO) - Những câu chuyện không mới, lại một lần nữa được đưa lên Nghị trường, đó là câu chuyện về sinh viên ra trường thiếu việc làm, chuyện thành lập ồ ạt các trường ĐH, chuyện bệnh thành tích trong giáo dục… Theo tinh thần của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT trong phần trả lời chất vấn, tất cả đang dần được khắc phục và sẽ triệt để khi giáo dục được đổi mới một cách căn bản.
ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Vấn đề cung và cầu trong thị trường nhân lực
Ngay đầu phiên chất vấn, ĐB Thân Đức Nam đã chất vấn Bộ trưởng  về một vấn đề rất bức xúc hiện nay, đó là tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm. Theo ĐB nguyên nhân là do cả một thời gian dài, GD ĐH chú trọng về quy mô, số lượng, chưa chú ý đến chất lượng. Bên cạnh đó, nội dung, chương trình xuất phát từ khả năng hiện có, chứ không bắt nguồn từ nhu cầu xã hội. 
Nhận trách nhiệm đối với những yếu kém trong khâu đào tạo ĐH dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm, Bộ trưởng Bộ GD cũng thừa nhận một phần lỗi là do quy trình mở trường, cấp phép còn chưa chặt chẽ, chưa chú trọng nhu cầu thực tế của địa phương. Các chương trình giáo dục chưa chú trọng đến kỹ năng mềm, ngoại ngữ, trình độ thông tin… Những yếu kém đó dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp tăng, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được đòi hỏi.
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận nói: “Bộ GD có trách nhiệm chính trong các yếu kém trên. Trong thời gian vừa qua, Bộ đã có giải pháp cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập trường ĐH, CĐ, cải tiến thay đổi quy trình cấp phép, thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường được thành lập, chưa có thầy cô giáo, nhưng đã có chỉ tiêu tuyển sinh...”
Một giải pháp nữa Bộ trưởng đưa ra là những ngành đã có quy mô đào tạo lớn rồi thì không cho mở thêm trường nữa, như Kinh tế, Ngân hàng, Sư phạm… 
“Thị trường lao động cũng giống như thị trường hàng hóa… chúng tôi đã cùng Bộ LĐTB&XH thống nhất các việc cần làm để cung ứng nguồn nhân lực phù hợp thị trường.” Bộ trưởng khẳng định.
Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không còn cơ chế xin cho
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Thủy  về việc điểm sàn thi ĐH, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi không bỏ điểm sàn. Mà chỉ là thay đổi, phân ra 2,3 mức sàn. Có mức cao, có mức thấp. Nhưng mức sàn đó không hạ thấp tiêu chuẩn,
Có nhiều mức như vậy là để triển khai  giáo dục ĐH, tổ chức việc phân tầng ở các mức chất lượng khác nhau giữa các ngành học, các trường học . “Chúng tôi sẽ thành lập một hội đồng tư vấn điểm sàn, để tư vấn cho Bộ trưởng mức điểm sàn tối thiểu và mức điểm sàn cao hơn trên cơ sở chất lượng của kỳ thi tuyển sinh.” – Bộ trưởng nói.
 ĐB QH trong phiên chất vấn Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT
Bộ trưởng cũng cho biết, việc ban hành chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường đã thay đổi. Không còn cơ chế xin cho. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định vào số lượng giảng viên cơ  hữu thực có, trong đó ưu tiên trường có nhiều giảng viên trình độ cao thì được đào tạo nhiều hơn. Chỉ tiêu thứ 2 để căn cứ số lượng tuyển sinh là diện tích, cơ sở vật chất mà nhà trường có để phục vụ cho việc đào tạo của nhà trường.
Không đánh giá giáo viên bằng chất lượng học sinh
Một bức xúc các ĐB đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là bệnh thành tích trong trường học. “ Tôi không phủ nhận. Bệnh thành tính đang tồn tại. Nó có liên quan đến quy định đánh giá thầy cô giáo, cơ sở giáo dục đào tạo. Chúng tôi đã rà soát lại và bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở phụ thuộc vào chất lượng học sinh. Việt thay đổi này sẽ làm giảm bệnh thành tích.” – Bộ trưởng thẳng thắn nói
Một điều quan trọng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định trước QH:  Chúng tôi không khuyến khích  tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi, chỉ quan trọng là giúp cho các cháu tiến bộ qua từng ngày học, khóa học. Toàn ngành tiếp tục khắc phục vấn đề này. 
Liên quan đến sự thay đổi này, Bộ trưởng cho biết với giáo dục tiểu học, hiện đã triển khai chương trình giáo dục tiếng việt mới. Với chương trình mới này, Bộ trưởng đảm bảo với ĐBQH là các cháu học hết lớp 1 có thể viết được chính tả, học hết lớp 2 là viết được đúng câu, và đảm bảo không bị tái mù chữ. “Chúng ta đang  chuyển hoàn toàn việc truyền thụ kiến thức  sang giáo dục khả năng thực hành, vận dụng kiến thức. Các thầy cô thay vì nói: Tôi dạy 1 lớp 40 cháu, sẽ nói là tôi dạy 40 cháu trong 1 lớp.” Bộ trưởng nói. 
Xin lỗi Nhân dân về câu chuyện “34 nghìn tỷ”
Trả lời cho câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm về giải pháp then chốt trong giáo dục đào tạo, Bộ trưởng nói: Sẽ triển khai từng lĩnh vực, từng giai đoạn sẽ có những ưu tiên  riêng của nó. Trước mắt, cần những chuyên gia giỏi trong nước, tận dụng sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài để chúng ta có một chương trình mới, bộ sách giáo khoa mới hoàn toàn mà chúng ta chưa có. Có thể, sau khi Bộ xây dựng khung chương trình hoàn chỉnh, sẽ cân nhắc để công bố rộng rãi, huy động lực lượng xã hội tham gia vào việc viết bộ sách giáo khoa mới. 
Liên quan đến câu chuyện “34 nghìn tỷ cho dự án đổi mới sách giáo khoa” gây xôn xao dư luận thời gian qua, Bộ trưởng xin lỗi cử tri, và lý giải đây chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Ở giai đoạn này chưa phải là giai đoạn tính đến chi phí để có thể đưa ra một con số nào. 
“Tôi với tư cách Bộ trưởng, nhận trách nhiệm về sai sót đó, để dư luận nghĩ rằng mấy anh này chỉ vẽ ra việc cải cách để tiêu tiền của Nhân dân.” Bộ trưởng thẳng thắn nhận lỗi trước QH và cử tri cả nước.
Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây là một phần trả lời chất vấn  thể nói là rất thẳng thắn. 
 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Bộ trưởng đã tự nhận trách nhiệm đối với những công việc còn yếu kém của ngành GĐ&ĐT, đưa ra những định  hướng, giải pháp một cách rõ khàng, đầy đủ.  
Nói về đề án đổi mới của ngành Giáo dục, Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Dù là đổi mới, ta phải căn cứ vào truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc ta. Đổi mới, không có nghĩa là bỏ hết, mà phải phát huy những ưu điểm, thành quả đã có.” 
Chủ tịch QH cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục tiếp thu hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình cải cách giáo dục, đổi mới SGK để trình QH vào kỳ họp cuối năm nay. 

Đọc thêm