Ngành Tư pháp tổng rà soát đội ngũ

 Từ tháng 6/2011 (đến quý I năm 2012), Bộ Tư pháp sẽ tiến hành tổng rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp theo Quyết định 862/QĐ-BTP (ngày 31/5/2011) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.

Từ tháng 6/2011 (đến quý I năm 2012), sẽ tiến hành tổng rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp theo Quyết định 862/QĐ-BTP (ngày 31/5/2011) của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án Tổng rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp.

Các đối tượng thuộc diện rà soát cán bộ, công chức, viên chức ở Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp, các Cục THADS cấp tỉnh, Phòng Tư pháp và Chi cục THADS cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã.

Việc tổng rà soát nhằm đánh giá về thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Từ đó đưa ra những định hướng dài hạn cho việc kiện toàn tổ chức cán bộ, xác định mô hình nhân sự phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị trong ngành, chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện kiện toàn tổ chức cán bộ các cơ quan Tư pháp đáp ứng với yêu cầu kiện toàn tổ chức Chính phủ khóa XIII và triển khai thực hiện các quy định về đổi mới công tác cán bộ và quản lý công tác cán bộ của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cũng trong 2 quí cuối năm 2011, Bộ Tư pháp sẽ triển khai Quyết định số 767/QĐ-TTg (ngày 23/05/2011) của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước (BTNN) và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế, với các nhóm công việc chủ yếu: xây dựng Cục BTNN, ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện chức năng bồi thường nhà nước, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án nhằm xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, từng bước đưa việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cũng như góp phần bảo đảm tính khả thi của cơ chế trách nhiệm BTNN...

Qua đó, kịp thời thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho người dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức.

H.Giang

Đọc thêm