Nghệ An: Dấu hiệu nhập nhằng việc thu, chi đào tạo chứng chỉ nổ mìn

(PLO) - Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nổ mìn cho học viên theo Nghị định 39/2009/NĐ-CP và Quyết định 65 của UBND tỉnh Nghệ An nhưng tiền học viên đóng lại không hạch toán thu, chi rõ ràng? Cán bộ Sở nhận tiền “công” dù đã được trả lương? Những lùm xùm xảy ra tại Sở Công Thương Nghệ An đang khiến dư luận băn khoăn.
Sở Công Thương Nghệ An, nơi xảy ra vụ lình xình quanh chuyện đào tạo chứng chỉ nổ mìn và bảng kê nhận tiền trong một khóa đào tạo thợ mìn tháng 6/2010 có rất nhiều cán bộ Sở ký nhận tiền
Sở Công Thương Nghệ An, nơi xảy ra vụ lình xình quanh chuyện đào tạo chứng chỉ nổ mìn và bảng kê nhận tiền trong một khóa đào tạo thợ mìn tháng 6/2010 có rất nhiều cán bộ Sở ký nhận tiền

Bất minh trong thu, chi?

Trước thông tin về việc có dấu hiệu bất minh trong quá trình đào tạo  sát hạch cấp chứng chỉ cho các đối tượng làm việc liên quan đến vật liệu nổ - chất nổ (VLNCN) tại  Sở Công Thương Nghệ An, phóng viên Báo PLVN đã vào cuộc tìm hiểu sự việc. 

Theo ông Lê Đức Ánh - Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn chất nổ (Sở Công Thương Nghệ An): Dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp, Sở tập hợp danh sách khi nào đủ người thì mở lớp đào tạo, sau khi sát hạch đạt thì cấp chứng chỉ. Các năm về trước, Sở liên hệ với Trường Đại học Mỏ - Địa chất (ĐHMĐC) và trường cử giáo viên về thỉnh giảng. Sở có trách nhiệm giám sát và sát hạch, phối hợp cùng ĐHMĐC trong việc thu học phí, chuẩn bị các điều kiện dạy và học cũng như địa điểm học.

Được biết, trong một khoá huấn luyện và cấp chứng chỉ năm 2010 gồm 95 học viên, tổng số thu là hơn 280 triệu đồng. Số tiền này ĐHMĐC thu 168 triệu đồng, còn lại chi phí cho lớp học trong đó có một số khoản chi chưa hợp lý như: Để lại cho Sở 11.228.000đ; đi lại của thầy 6.000.000đ; 24 triệu đồng chi phí cho ký kết hợp đồng thì tại giấy đề nghị thanh toán có giám đốc, phó giám đốc và nhiều cán bộ của Sở ký nhận mỗi người từ 1 đến 4 triệu đồng mặc dù cán bộ Sở đã được hưởng lương nhà nước. 

Trong khi đó tại Thanh Hóa, năm 2011 Sở Công Thương tỉnh này giao cho Trường Trung cấp nghề Thương mại du lịch Thanh Hoá đứng ra tổ chức lớp học, Sở chỉ giám sát về mặt chuyên môn. Trường làm hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên có đủ năng lực, chức năng về thỉnh giảng với đơn giá giảng dạy 100 ngàn đồng/giờ, mỗi lớp huấn luyện sát hạch khoảng 3 ngày.

Chi phí đi lại cho thầy một đợt chỉ 1 triệu đồng. Theo ông Ánh, trước năm 2010 việc đào tạo các khóa học đều có hợp đồng với ĐHMĐC. Từ năm 2011, ông Ánh nhận thấy không phù hợp nên đề xuất bỏ hình thức hợp đồng; đã thành “mối quen” nên khi nào có lớp đào tạo sát hạch thì chỉ cần gọi điện là ĐHMĐC cho người vào dạy. 

Có đủ điều kiện đứng lớp?

Sau khi có Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam thì Sở Công Thương Nghệ An liên kết với Hội và Hội đứng ra làm, tiến hành thu tiền. Tuy nhiên, tại một tài liệu của tháng 10/2014, Sở Công Thương Nghệ An mở lớp huấn luyện cho 38 học viên có nhu cầu đào tạo sát hạch cấp chứng chỉ mà không có quyết định mở lớp và ông Ánh là 

người đứng giảng vừa huấn luyện vừa sát hạch chỉ trong một ngày? Và ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ Sở Công Thương Nghệ An trực tiếp thu mỗi học viên 1 triệu đồng. Việc ông Ánh trực tiếp đứng giảng liệu có đủ năng lực, chức năng đào tạo huấn luyện cho các học viên nắm bắt đầy đủ các kiến thức cần thiết để sát hạch và được cấp chứng chỉ? Ông Ánh cho biết, ông là thành viên của Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam nên đứng giảng theo “phân công” của Hội. 

Là cán bộ được Nhà nước trả lương, ông Ánh lại làm việc theo sự bố trí của Trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn nổ mìn liệu có thích hợp? Tự nhận mình là Hội viên Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam nhưng khi phóng viên đề nghị được xem thẻ hội viên, ông Ánh lấy ví ra tìm, sau đó lục ngăn kéo một lúc rồi cho hay là để ở nhà? Phóng viên đề nghị ông Ánh cung cấp thẻ hội viên vào tuần sau theo lời hẹn, nhưng ông cũng không xuất trình được như lời ông nói. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đủ điều kiện đứng giảng cho một khóa học, khóa đào tạo thì giáo viên phải có bằng cấp về chuyên môn; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; thuộc một đơn vị có chức năng đào tạo về lĩnh vực mà đơn vị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Còn việc ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ Sở Công Thương Nghệ An trực tiếp thu tiền chỉ là thu hộ sau đó chuyển cho Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ thu, chi các khóa huấn luyện từ năm 2010 tới nay, ông Ánh chỉ cung cấp mấy tờ giấy phô tô nhận tiền của Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam. Cụ thể như ngày 28/12/2014, ông Khang bàn giao 231.000.000đ; ngày 11/10/2014 là 38.000.000đ; ngày 04/4/2014 giao 229.000.000đ mà không có bảng kế hoạch thu, chi cụ thể từng mục.

Trao đổi với phóng viên khi xem xét số chứng từ do ông Ánh cung cấp, một cán bộ Sở Tài chính Nghệ An cho biết: Là trường học hay bất kể đơn vị nào cũng phải có dự toán thu, chi và thu, chi đúng theo quy định, còn nếu không có khế hoạch thu, chi nghĩa là làm trái quy định.

Phóng viên tiếp tục liên hệ với ĐHMĐC để tìm hiểu thì được ông Trần Xuân Trường – Trưởng phòng Hành chính tổ chức cho rằng, những nội dung liên quan về việc hạch toán thu, chi trong việc liên kết với Sở Công Thương Nghệ An về việc đào tạo thợ mìn sẽ cung cấp thông tin sớm nhất cho báo chí. 

Thiết  nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ việc mở lớp huấn luyện, cấp chứng chỉ và các chi phí liên quan có đúng quy định?

Theo Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và theo QCVN 02: 2008/BCT quy định:  người làm công tác trực tiếp liên quan đến VLNCN, ngoài chứng chỉ đào tạo theo yêu cầu của từng công việc, phải được huấn luyện về các tính chất, đặc điểm VLNCN đem dùng, các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với VLNCN. Sau khi huấn luyện, người đạt yêu cầu được cơ quan quản lý VLNCN tổ chức sát hạch, cấp giấy chứng nhận; việc huấn luyện, kiểm tra định kỳ kiến thức của thợ mìn được tổ chức 2 năm một lần.

Đọc thêm