Nghệ An: Đẩy mạnh quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Nghệ An đã quan tâm và đẩy mạnh công tác quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, thiết lập chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Nghệ An cụ thể hoá bằng nhiều kế hoạch trong triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Nghệ An cụ thể hoá bằng nhiều kế hoạch trong triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch 368/KH-UBND ngày 6/7/2021 nhằm phát triển thị trường trong nước theo Quyết định 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng đã triển khai Kế hoạch 08/KH-UBND ngày 6/1/2023 và Chương trình hành động số 01/CT/BCĐ ngày 9/9/2022 để tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động này.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ sử dụng hàng Việt Nam. Tỉnh đã tổ chức các chương trình truyền hình, bản tin chuyên ngành, và các hội nghị tập huấn để phổ biến chính sách của các sở, ngành đến cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, và làng nghề.

Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mở rộng thị trường bằng cách tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, và đưa các đoàn doanh nghiệp tham gia hội nghị tại các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh...

Nhờ đó, các sản phẩm nổi bật của tỉnh, bao gồm sản phẩm CNNT, OCOP, và nông sản, đã tiếp cận được các nhà phân phối, hệ thống siêu thị bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại khu vực nông thôn và miền núi, nhằm đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương.

Gian hàng các sản phẩm OCOP của Nghệ An tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh.
Gian hàng các sản phẩm OCOP của Nghệ An tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh.

Đến nay, toàn tỉnh có 124/403 sản phẩm OCOP, 96/223 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh... và hệ thống các cửa hàng thực phẩm, bách hóa thuộc các cơ sở như: Công ty CP Biển Quỳnh (12 sản phẩm), Công ty Bún sạch Thanh Phúc, Công ty Bánh đa Lương Sơn (03 sản phẩm), Công ty Dược liệu Pù Mát (13 sản phẩm)...

Tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cung cấp thông tin và đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm tiêu biểu như OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com. Hiện tại, hơn 470 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn đã tham gia, với tổng cộng 7.653 sản phẩm được đưa lên sàn, thu hút hơn 9,2 triệu lượt truy cập. Với kết quả này, Nghệ An hiện đứng thứ 5 trong cả nước về số lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn được giới thiệu trên sàn giao dịch điện tử.

Theo ước tính, hiện nay thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini và sàn thương mại điện tử chiếm hơn 85%. Trong khi đó, tại các kênh phân phối truyền thống như chợ và cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ này đạt khoảng 80%. Khoảng 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn đã biết đến các chương trình nhận diện hàng Việt Nam qua các chiến dịch “Tự hào hàng Việt Nam” và “Tinh hoa hàng Việt Nam,” góp phần tuyên truyền và quảng bá Cuộc vận động trên toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa được triển khai sâu rộng, và một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập. Việc các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và tham gia các hội chợ triển lãm còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa xem đây là kênh quảng bá thương hiệu hiệu quả. Ngoài ra, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đưa hàng Việt đến các vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vẫn còn hạn chế.

Các sản phẩm của Tập đoàn TH được người dân tin dùng.
Các sản phẩm của Tập đoàn TH được người dân tin dùng.

Ông Tú cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền nhằm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng cao, cũng như các doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ Việt trên thị trường. Tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên liệu, vật liệu và các dịch vụ của nhau, đồng thời ưu tiên tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Nghệ An sẽ tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa bền vững, ưu tiên các sản phẩm Việt Nam và đặc sản địa phương. Tỉnh sẽ xây dựng và nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam mang tên “Tự hào hàng Việt Nam” và “Tinh Hoa hàng Việt Nam,” đồng thời tiếp tục triển khai các phiên chợ hàng Việt tại nông thôn và miền núi, kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mãi hàng Việt trên địa bàn.

Tỉnh cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh, cũng như thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt và đa dạng trong và ngoài nước. Việc cung cấp thông tin thị trường và kết nối cung cầu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Nghệ An cũng sẽ rà soát và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao định mức hỗ trợ, và tìm cách tiếp cận các nguồn vốn từ Trung ương để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh sẽ tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng, hoặc có nhiều đóng góp trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Bên cạnh đó, Nghệ An sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát thị trường, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về hàng hóa trên thị trường sẽ được thu thập kịp thời, và các trường hợp vi phạm về bản quyền, nhãn hiệu hay sản phẩm kém chất lượng sẽ được thông báo đến cơ quan chức năng để xử lý.

Đọc thêm