Chủ mới “lệch pha”
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. VFS thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim “Chung một dòng sông” ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim, trong đó nhiều sản phẩm được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Mối tình đầu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”…
Đáng buồn, một địa chỉ đỏ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với hơn nửa thế kỷ tồn tại, cho ra đời biết bao bộ phim với bao tên tuổi đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên đình đám bấy lâu nay lại “sống mòn” trong cảnh thua lỗ triền miên.
Mỗi năm VFS chỉ sản xuất được 2-3 bộ phim, chủ yếu do Nhà nước đặt hàng và gần như không có hiệu quả về mặt doanh thu. Chỉ tính riêng năm 2013, VFS lỗ 1,3 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2014 thì số lỗ đã lên tới 3,7 tỷ đồng.
Cổ phần hóa là con đường đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước và sống một cách èo uột với những bộ phim làm ra chỉ để… xếp kho. Tuy nhiên, việc Hãng phim truyện Việt Nam được mua lại bởi Công ty Vận tải thủy vốn không có kinh nghiệm về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh khiến các cây “đại thụ” điện ảnh lo lắng.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Minh Châu hoang mang: “Những người mới có thể họ sẽ không làm cho VFS chuyên về điện ảnh nữa, mà sẽ biến tướng thành một cách gì khác nữa thì tôi cũng không biết. Họ sẽ làm ngôi nhà số 4 Thụy Khuê khang trang hơn hay tàn tạ đi, điều đó còn ở phía trước”.
NSND Phạm Nhuệ Giang cũng lo lắng không kém: “Tôi biết, trong giai đoạn hiện nay điện ảnh Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, Nhà nước quan tâm đến truyền hình hơn vì tính phổ cập nhưng tại sao không chọn một đơn vị nào đó có kinh nghiệm về phim ảnh ở Việt Nam lại chọn một công ty mà chỉ cần nghe tên đã biết là không liên quan gì đến nghệ thuật. Nói chung là rất nhiều nghệ sĩ, những người đã cống hiến cho hãng phim đều cảm thấy rất lo lắng”.
“Chúng tôi ngỡ ngàng, choáng, thậm chí xấu hổ không dám nói ra chuyện Hãng bán cổ phần cho công ty đường thủy không liên quan gì đến điện ảnh. Nói chuyện này với vợ con, họ hàng mình nhiều khi cũng ngượng. Thà bán cho công ty nào đó biết về phim thì đã đành, đằng này không liên quan”- Đạo diễn Nguyễn Đức Việt góp lời.
Một số nghệ sĩ còn nghi ngại về tính minh bạch trong việc “bán cái” này. Không ít ý kiến băn khoăn, lý do tại sao thông tin kêu gọi nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa VFS chỉ được đăng tải 3 số liên tiếp trên một tờ báo kinh tế từ ngày 16 đến 19/1/2016. Và chỉ có thời hạn 10 ngày (đến 15h ngày 26/1/2016) để nộp hồ sơ?
|
Hãng phim truyện Việt Nam sẽ có chủ mới. |
Vì nghệ thuật hay vì những lô đất “vàng”?
Điều đáng bàn là cổ đông chiến lược của VFS, Vivaso lại đang trong thời điểm làm ăn thua lỗ. Theo tìm hiểu, báo cáo tài chính gần đây nhất, doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của Vivaso đạt 706 tỷ đồng. Lỗ gần 8 tỷ đồng. VFS có điểm sáng gì để Công ty Vận tải thủy sẵn sàng chi tiền mua lại ngay cả khi hầu bao kiệt quệ? Có lẽ, đó chính là những lô đất “vàng” mà VFS đang sở hữu. Họa sĩ Vũ Huy nghi ngờ: “Bán với cái giá rất rẻ, do vậy chắc chắn có sự khuất tất ở trong này”.
Bày tỏ quan điểm riêng của mình, họa sỹ này cho hay, chủ trương cổ phần hóa là chủ trương chung, không thể cưỡng lại. Chủ trương đó để doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng có thể cổ phần hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nghiên cứu và quyết định.
Trước thắc mắc của giới nghệ sĩ cũng như những người quan tâm tới VFS có “chủ mới” là Công ty Vận tải thủy chưa từng có kinh nghiệm làm phim và “bán” hãng phim giá bèo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH - TT&DL), ông Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định với báo giới: “Chỉ có con đường cổ phần hóa mới cứu được thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam và người lao động. Để thương hiệu của cả một ngành điện ảnh Việt phá sản thì đau lòng lắm”.
Thứ trưởng trấn an, với VFS có lịch sử 56 năm, là cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam nên Bộ VH-TT&DL không để mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Tên mới của VFS sau khi cổ phần sẽ là “Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam”.
Để có tiếng nói khi VFS về với “chủ mới”, Bộ VH- TT&DL quyết định giữ lại 20% cổ phần và cử đại diện tham gia vị trí quan trọng từ hội đồng quản trị, ban giám đốc, điều hành, ban giám sát. Nhà nước quản lý thông qua thẩm định kịch bản và tổ chức đấu thầu những tác phẩm điện ảnh có nội dung phù hợp để đặt hàng hoặc chỉ định đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất tuỳ theo nhiệm vụ chính trị được giao.
Trả lời cho sự “lệch pha” về chuyên môn, đại diện Bộ VH- TT&DL cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là do VFS họp toàn thể cán bộ công nhân viên cùng với việc phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng tiêu chí. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn cũng đã cam kết và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn do Bộ VH-TT&DL phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Hãng sau khi đã lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo và Ban Chỉ đạo cổ phần hoá Hãng phim.
Trước những thắc mắc của rất nhiều người về việc Công ty Vận tải thủy mua VFS với giá “bèo”, rẻ như cho - hơn 33 tỉ đồng, trong khi chưa tính về thương hiệu, khối tài sản như kho đạo cụ vũ khí, kho phim chỉ tính riêng những mảnh đất “vàng” mà VFS đang được sở hữu dưới hình thức được thuê và trả tiền theo năm, bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, 6.382,8m2 đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh – thì có thể thấy đơn vị này đang sở hữu khối tài sản nghìn tỷ, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái lý giải, con số nợ của VFS hiện là hơn 90 tỉ, vốn thực xác định còn 19,7 tỉ. Khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo luật đây là đất thuê của Nhà nước nên khi chuyển cổ phần không được tính giá trị đất. Điều này cũng được áp dụng với tất cả các mảnh đất hiện VFS quản lý.
Với 325 phim của Hãng trong lịch sử 56 năm đều là những tài sản quý của Nhà nước. Nhiều lo ngại khi cổ phần hóa sẽ thuộc về đơn vị mới. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, những phim này, bản gốc đều đang được lưu giữ ở Viện phim Việt Nam và thuộc bản quyền của Nhà nước, vì kinh phí đều do Nhà nước đầu tư, đặt hàng. Nếu đơn vị mới đang giữ bản sao các bộ phim, có nhu cầu khai thác đều phải xin phép Bộ VH-TT&DL.
“Mục tiêu của cổ phần hóa là làm sao để vực dậy được hãng phim. Trong cam kết này nếu Công ty Vận tải thủy không thực hiện phải bồi thường thiệt hại; nếu sử dụng đất không đúng mục đích sẽ đề nghị Hà Nội thu hồi” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.
Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Thế nhưng, sau khoảng thời gian ngắn ngủi 5 năm của cam kết và giám sát thì sao? Có ai chắc 90% doanh thu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đến từ phim? Hay thu nhập từ nhà hàng, khách sạn hay cho thuê... mà những lô đất “vàng” mang lại? Lúc đó, có ai nỡ trách phạt doanh nghiệp kiếm tiền từ thu nhập khác để nuôi phim? Đây là điều lo lắng, nghi ngại của rất nhiều người trong việc đổi chủ… “anh cả đỏ” điện ảnh và những lô đất “vàng” này./.