Nghi án cho mượn đất truyền đời hệ lụy

(PLO) -Ông Tống Kim Minh (82 tuổi, ngụ phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phản ánh, ông Nguyễn Văn Sáu đang ở nhờ trên đất của gia đình ông. Hơn 40 năm nay, gia đình ông Minh vẫn liên tục đòi lại thửa đất cho ở nhờ chưa hồi kết nhưng UBND phường Kim Long lại lập thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Sáu.  
Vợ chồng ông Minh cho rằng thửa đất là của cha ông mình cho người khác mượn
Vợ chồng ông Minh cho rằng thửa đất là của cha ông mình cho người khác mượn

Đất của ai?

Nguồn gốc thửa đất hơn 900m2 (tọa lạc trên đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long) theo ông Minh là do bà nội của ông để lại. Sau khi bà nội ông qua đời, cha của ông tiếp quản và sử dụng. Trước năm 1968, cha của ông cho người bạn là cha ông Sáu dựng một căn nhà bằng tranh tre trên thửa đất của gia đình để ở tạm.

Năm 1977, người cha qua đời, ông Minh tiếp tục thay cha quản lý và sử dụng thửa đất. Đến năm 1980, cha ông Sáu xây dựng lại nhà (là căn nhà hiện nay), vợ chồng ông Minh ngăn cản nên gửi đơn lên phường yêu cầu giải quyết, không cho gia đình này dựng nhà kiên cố.

“Năm đó, chính quyền có tổ chức hòa giải. Họ nói cứ để ông ấy sửa nhà, chỉ là căn nhà cấp 4, dựng bằng sắt nên không sao. Khi nào ông ấy dựng nhà kiên cố mới không được”, ông Minh cho hay.

Bắt đầu từ thời gian này, hai bên gia đình liên tục xảy ra tranh chấp. Mâu thuẫn kéo dài từ đó đến nay, ngót nghét gần 40 năm nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Theo vợ chồng ông Minh, từ năm 1980 đến nay, gia đình ông liên tục gửi đơn lên UBND phường khiếu nại việc cha con ông Sáu lấn chiếm thêm một diện tích rất lớn so với diện tích ở nhờ lúc ban đầu. Ông này bị cho là còn chiếm hết lối đi là phần mặt tiền của lăng mộ, nên ông Minh đòi cha con ông Sáu trả lại đất.

Thời gian đầu xảy ra tranh chấp, UBND phường tổ chức hòa giải, tạm thời chia đôi mảnh vườn, lấy ranh giới là hàng chè tàu chia đôi hai nhà. Phía Tây không có lăng mộ là nhà ông Sáu, phía Đông có lăng mộ là nhà ông Minh. “Lúc đó ủy ban phường nói đó là phương án tạm thời, sau này xử lý tiếp”, ông Minh kể. 

Theo bản đồ, lúc đó phần đất cha con ông Sáu sử dụng là 342 m2, đất ông Minh sử dụng là 442 m2. Sau đó, bản đồ địa chính thể hiện thửa đất trên là 889 m2, ghi là đất tranh chấp, không có tên người sử dụng. Đến bản đồ đo vẽ năm 2010, thửa đất trên có diện tích là 901 m2 do cha ông Minh đăng ký sử dụng.

Việc tranh chấp đất đai cứ thế kéo dài nhiều năm trời, UBND phường cũng nhiều lần gọi hai bên đến làm việc, hòa giải. Quá trình làm việc tại phường, gia đình ông Sáu thừa nhận thuê đất của ông Minh (thể hiện rõ trong biên bản hòa giải ngày 5/4/2002).

Mặt khác, tại sổ mục kê đất của phường, lập năm 1999 ghi rõ việc cha mẹ ông Sáu ở trên đất cha ông Minh: “Đất tranh chấp, chưa xét”. Vì lý do này mà trước đây hộ ông Sáu nằm trong danh sách (do UBND phường lập) chưa đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.

Theo lời ông Minh, quá trình sinh sống, do nhiều lần lũ lụt, rồi cháy nhà, khiến toàn bộ giấy tờ liên quan đến thửa đất hiện nay đều không còn. Tuy nhiên toàn bộ thửa đất trên, xưa nay đều do gia đình ông đóng thuế. Cũng vì không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, nên nhiều năm qua, việc đòi đất vẫn mãi dậm chân tại chổ. Gia đình ông Minh đã có đơn khởi kiện gửi tòa án đòi lại đất và đang trong quá trình bổ sung các thủ tục theo quy định để đủ điều kiện được thụ lý, giải quyết.

Căn nhà của ông Sáu được cho là dựng nhờ trên đất nhà ông Minh
Căn nhà của ông Sáu được cho là dựng nhờ trên đất nhà ông Minh 

Mệt mỏi 

Căn nhà ông Minh nằm lọt thỏm trong vườn cây xanh mướt. Cạnh bên là căn nhà của ông Sáu, cửa đóng then cài kín mít. Hai nhà là hàng xóm của nhau mấy chục năm trời, chỉ cách nhau mấy bước chân nhưng nhiều năm nay nhìn mặt nhau không chào. Cháu ông Sáu cho biết, ông Sáu đang đi làm ăn xa, hiện tại không có mặt tại địa phương. Ông Minh trải lòng, ngày đó cha của ông thấy người bạn khó khăn, thân đi làm thuê làm mướn lại không có chỗ ở, nên mới cho ở nhờ trên đất, rồi cùng nhau đi làm ăn. Đâu ngờ rằng sau này lấy lại đất, lại nhọc nhằn còn hơn “leo lên trời”.

Vợ ông Minh cho biết, chồng bà đau ốm, bản thân bà thì già cả, nên cũng chẳng đi đâu. Vì vậy, khi nghe người dân cho biết, ông Sáu đi làm sổ đỏ thửa đất đang ở nhờ, UBND niêm yết tại trụ sở, “cắt” cho ông Sáu 400 m2 đất, vợ chồng già liền hốt ha hốt hoảng.

“Tui chạy đến Ủy ban để hỏi rõ ngọn ngành, vì răng đất của nhà tui lại đi cấp cho người khác. Nhưng lúc đó hoảng hốt quá, tui đến nơi mà miệng lưỡi gì cũng cứng lại hết, không nói được. Chồng tui lúc đó đang ốm, nghe tin cũng chống gậy thất thểu lên hỏi cho bằng được”, vợ ông Minh bày tỏ.

Ở tuổi 82, tuy đầu óc còn minh mẫn, nhưng sức khỏe của ông Minh rất yếu, đi lại khó khăn. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Minh chỉ nói được đôi ba câu, lại phải ngừng để lấy lại sức. Sự ấm ức, cùng nỗi lo đất đai bị người ở nhờ chiếm khiến ông Minh cứ thiều thào cố nói cho bằng được.

Ông cụ bày tỏ:“Trong lúc gia đình tôi đang tranh chấp, đòi lại đất, việc tranh chấp kéo dài qua nhiều năm chưa giải quyết được, ấy vậy mà không hiểu vì sao, UBND phường lại lập thủ tục để cấp sổ đỏ cho ông Sáu với diện tích hơn 400 m2?”. Họ bảo, còn may vì có người phát hiện ủy ban niêm yết thông tin, bằng không quá 15 ngày, gia đình ông không “động đậy”, thì đất đã bị “cắt” cho người khác.

Vợ chồng ông còn cho rằng, chính quyền có gửi về gia đình ông thông báo yêu cầu ký vào bản mô tả ranh giới, nhưng gia đình ông không ký. “Đất tổ tiên để lại, ký răng được mà ký”, ông Minh nói.

Theo ông Phan Duy Mãn, Chủ tịch UBND phường Kim Long, việc tranh chấp đất giữa hai gia đình ông Minh và ông Sáu xảy ra từ nhiều năm nay. Địa phương không biết được quá trình tranh chấp hai bên có thỏa thuận được với nhau hay không. Do đó, khi ông Sáu có đơn đề nghị lập thủ tục cấp sổ đỏ, cơ quan chức năng có nhiệm vụ thụ lý, giải quyết theo quy định.

Quá trình giải quyết về việc lập thủ tục cấp sổ đỏ cho gia đình ông Sáu, phường gửi thông báo cho gia đình ông Minh về việc ký vào bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất nhưng ông Minh không ký và không nêu ý kiến trong bản mô tả.

Do đó phường niêm yết công khai tại trụ sở cho công chúng xem trong hạn 15 ngày. Nếu trong thời gian này, ông Minh có điều gì khiếu nại thì nộp đơn tại phường để thẩm tra, giải quyết. Nếu không có ai khiếu nại, thì sẽ được phường ký xác nhận ranh giới thửa đất theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian niêm yết, gia đình ông Minh đã có khiếu nại. Do đó phường sẽ ban hành văn bản, thông báo dừng việc lập thủ tục cấp sổ đỏ cho ông Sáu, để cơ quan chức năng giải quyết việc tranh chấp.

Phường cũng cho rằng việc ủy ban gửi giấy báo về cho gia đình ông Minh là theo đúng thủ tục, hoàn toàn không có chuyện “bắt” ông Minh phải ký vào bản mô tả ranh giới như ông Minh phản ánh.

Đọc thêm