Nghi án làm giả di chúc để chiếm đất chị dâu góa bụa

(PLO) -Nghi ngờ em chồng làm giả giấy chứng tử, di chúc của mẹ chồng để thừa hưởng toàn bộ quyền thừa kế, bà Chung lặn lội tới bệnh viện và các cơ quan chức năng, xin tài liệu, hồ sơ bệnh án… để tự “điều tra” làm rõ vấn đề. 
Bà Chung cho rằng bản di chúc của mẹ chồng có nhiều khuất tất.
Bà Chung cho rằng bản di chúc của mẹ chồng có nhiều khuất tất.

Tranh cãi từ 20cm đất

Chồng bà Lê Thị Chung (SN 1953) và ông Nguyễn Đình Tự (SN 1964) là anh em cùng cha khác mẹ. Gia đình bà Chung và ông Tự cùng ngụ thôn 2 (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Theo nội dung vụ việc, trước khi kết hôn vào năm 1960, bố chồng bà Nhung và mẹ ông Tự đều có con riêng. Khi hai người lấy nhau, các con riêng đều về sống chung trong một nhà cho đến lúc lập gia đình (ông Tự là một trong 3 người con chung).

Hai cụ có một mảnh đất 769m2 tại địa bàn thôn 2 xã Cư Êbur, được UBND TP.Buôn Ma Thuột cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vào năm 1994.

Đến năm 1970, bà Chung về làm dâu, được bố mẹ chồng cho một mảnh đất nhỏ để dựng nhà. Dù vậy, do hoàn cảnh khó khăn, năm 1978, vợ chồng bà Chung đi xây dựng kinh tế mới, bỏ hoang căn nhà trên. 

Từ năm 1993 đến năm 2012, bố mẹ chồng và chồng bà Chung lần lượt qua đời. Dù vậy, trước khi chết, năm 2008, chồng bà Chung đã đưa vợ con trở về trên mảnh đất của gia đình để sửa sang nhà cửa, định cư tại đó. 

Theo trình bày, khi người chồng còn sống, không có ai tranh chấp mảnh đất với gia đình bà Chung. Nhưng sau khi ông này qua đời, ông Tự luôn gây khó dễ, khiến mối quan hệ chị dâu, em chồng trở nên căng thẳng. 

Theo đó, gia đình bà Chung làm nhà trên diện tích 5,2m bề ngang. Ông Tự cho rằng chị dâu đã lấn qua phần đất của mình 20cm nên nhất quyết yêu cầu phải tháo dỡ phần này. 

Bà Chung thì cho rằng chính ông Tự là người cắm mốc, ông cắm tới đâu thì bà làm tới đó, không lấn chiếm.

Bà Chung cho hay: “Khi nhà xây xong, chồng tôi qua đời thì chú ấy mới kiếm chuyện. 20cm đất chả đáng là bao, tôi cũng nhiều lần xuống nước nói chú ấy “du di” cho. Nhưng chú ấy cứ đòi tháo dỡ bằng được, khiến tình chị em chẳng còn”. 

Người trong gia đình và hàng xóm đã góp ý nhưng tình hình không tiến triển. Chính quyền tổ chức hòa giải cũng không thành.

Sau đó, bà Chung gửi đơn ra TAND TP.Buôn Ma Thuột yêu cầu phân chia lại tài sản thừa kế vì nghi ngờ ông Tự làm giả di chúc.

Trong buổi hòa giải ngày 29/5/2014, bà Chung cho rằng cha mẹ chồng qua đời không để lại di chúc, nhưng khi còn sống, họ đã cho gia đình bà một mảnh đất 5m ngang, 35m dài để làm nhà.

Bản di chúc được ông Tự đưa ra.
Bản di chúc được ông Tự đưa ra.

Thế nhưng, khi chồng bà mất, ông Tự đã tự ý kê khai thừa kế toàn bộ di sản (gồm cả thửa đất của bà) là không hợp lý. 

Phía ông Tự phản bác rằng, năm 2006, khi mẹ ông qua đời có để lại di chúc, được UBND xã Cư Êbur xác nhận. Theo nội dung di chúc, ông được hưởng một nửa tài sản của mẹ và phần tài sản thừa kế của mẹ do bố để lại. 

Những anh chị em khác trong gia đình đều bày tỏ mong muốn hai người tự thỏa thuận, giải quyết vụ việc êm xuôi để khỏi mang điều tiếng với xóm giềng. 

Tranh cãi di chúc thật, giả

Ngày 22/9/2015, TAND TP.Buôn Ma Thuột đã đưa vụ tranh chấp trên ra xét xử sơ thẩm. Trước tòa, bà Chung vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và cho rằng, việc ông Tự cho rằng được mẹ để lại toàn bộ tài sản là điều vô lý. 

Hơn thế, bà cho rằng di chúc mà ông Tự xuất trình không hợp lệ, bởi vào thời điểm lập di chúc (theo ngày tháng trong di chúc), sức khỏe người mẹ rất yếu, đang trong tình trạng tâm thần phân liệt. 

Ông Tự thì cương quyết bản di chúc trong tay mình là đúng và chỉ đồng ý chia cho bà Chung 5x35m đất mà cha mẹ mình đã cho hồi trước, không chia thêm. 

Hai người làm chứng trong di chúc cho rằng, vào 7h ngày 17/3/2016, hai ông được mẹ ông Tự nhờ qua làm chứng để lập di chúc. Cả hai khẳng định bản di chúc là hợp lệ vì có cả chính quyền địa phương làm chứng. Nguyên chủ tịch xã thời đó xác định bản di chúc ông Tự đưa ra hoàn toàn hợp lệ, được thực hiện theo đúng trình tự. 

Tòa sơ thẩm nhận định, bản di chúc là hợp lệ vì trong hồ sơ bệnh án thể hiện mẹ ông Tự đã xuất viện, tỉnh táo. Hơn thế, khi lập di chúc có hai người làm chứng và đại diện UBND xã chứng thực. 

Về diện tích đất tranh chấp, ông Tự đang quản lý, sử dụng hơn 600m2, bà Chung sử dụng hơn 182m2. Tòa nhận định diện tích bà Chung đang sử dụng là hợp pháp. Phần đất ông Tự đang sử dụng là tài sản chung của cha mẹ. 

Như vậy, tài sản 600m2 ông Tự đang sử dụng phải chia đôi, mỗi bên được 300m2. Trong đó, 300m2 có di chúc do mẹ ông Tự để lại nên ông được thừa kế.

Diện tích 300m2 còn lại của người cha, tòa chia thành 12 phần cho cả 8 người con (cả con chung và con riêng) của hai cụ. Tuy nhiên, ông Tự được hưởng 7 phần (175m2) vì đã có công nuôi dưỡng, thờ cúng và các chị em khác nhường lại. Bà Chung cũng được hưởng 5 phần (125m2) do các chị em nhường lại. 

Sau đó, người đại diện theo ủy quyền của bà Chung đã có đơn kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên bản di chúc của mẹ ông Tự vô hiệu và chia lại di sản thừa kế. Không lâu sau, ông Tự cũng có đơn kháng cáo. 

Ngày 5/4/2006, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên phúc thẩm, công nhận phần đất của bà Chung đang sử dụng là hợp pháp. Tòa cũng xác định bản di chúc ông Tự đưa ra là đúng về hình thức, nội dung, không có căn cứ để xác định khi lập di chúc bà cụ không minh mẫn. Bởi vậy, bản di chúc này có giá trị pháp lý. Tòa bác yêu cầu phân chia lại tài sản thừa kế của bà Chung. 

Theo bà Chung, việc tòa giải quyết như trên là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, bản di chúc này được lập ngày 17/3/2006. Nhưng theo bà, từ ngày 10/11/2005 trở đi, bà cụ liên tục bị bệnh và phải nhập viện điều trị nhiều lần.

Đến ngày 9/3/2006, sau một cơn bạo bệnh, cụ bà hoàn toàn trong tình trạng sống thực vật. Ngày 10/4/2006, cụ qua đời, có khắc ngày từ trần lên bia mộ. Bản di chúc thành lập không lâu trước khi cụ qua đời, tức trong thời gian cụ sống thực vật, là không hợp lý. 

Bên cạnh đó, bà Chung cho rằng việc ông Tự lập giấy chứng tử cho mẹ vào ngày 4/11/2007, tức sau 19 tháng so với ngày bà cụ qua đời, là hoàn toàn thiếu căn cứ, nhằm mục đích hợp thức hóa bản di chúc nói trên. 

Bà Chung trình bày: “Mẹ chồng tôi không hề biết chữ. Thế nhưng, trong di chúc lại nói cụ đọc lại rồi điểm chỉ là rất vô lý. Hơn thế, sau những lần bạo bệnh, cụ kiệt sức, chỉ còn da bọc xương, nằm liệt giường, sống đời sống thực vật nên không thể minh mẫn”.

Bà còn nêu: “Ngoài ra, ngày cụ mất trong thực tế và ngày ông Tự làm giấy khai tử cách nhau gần hai năm là không đúng sự thật. Bởi vậy tôi nghi ngờ bản di chúc kia là giả mạo.

Hiện tôi đã gửi đơn kháng nghị đến TAND Cấp cao, hi vọng cơ quan chức năng sẽ làm việc minh bạch, kiểm tra, xác minh lại những uẩn khúc để có một quyết định công bằng hơn”. 

Đọc thêm