Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Đất được Nhà nước công nhận sao không được đền bù?

(PLO) - Ông Đặng Văn Ích và 16 hộ dân sống tại thị trấn Gia Lách (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tiếp tục có đơn gửi Báo PLVN và các cơ quan chức năng về việc chính quyền thực hiện Dự án mở rộng đường Gia Lách – Nghi Xuân (đường 8B) nhưng không đền bù cho dân.
Chủ tịch thị trấn Nghi Xuân ký đóng dấu xác nhận đất và tài sản trên đất sẽ được Nhà nước đền bù khi thực hiện dự án
Chủ tịch thị trấn Nghi Xuân ký đóng dấu xác nhận đất và tài sản trên đất sẽ được Nhà nước đền bù khi thực hiện dự án
Quy hoạch đường 24m từ bao giờ?
Báo PLVN đã có bài viết: “Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Đất có trước mốc lộ giới, sao không đền bù cho dân?” phản ánh việc triển khai Dự án mở rộng, nâng cấp đường Gia Lách khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân) không đền bù về đất cho người dân. Lý do được đưa ra là đường được cắm mốc từ năm 1993 theo Nghị định 203 ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng  không có quy định đền bù về đất đai khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế. 
Mới đây, các hộ dân tiếp tục có đơn nêu rõ đất đai của họ có nguồn gốc do cha ông để lại. Năm 1982, hưởng ứng phong trào các hộ dân đều đã hiến đất để làm đường từ 4m lên 14m. Ông Ích cho biết, con đường Gia Lách cũ từ phà sông Lam lên quốc lộ 1A trước đó chỉ rộng chừng 4m và hiện đã có con đường khác thay thế nên chỉ phục vụ một số hộ dân trong khu vực.
Hầu hết các hộ dân đều cho rằng, tuyến đường Gia Lách – Nghi Xuân không có quy hoạch đường 24m. Chứng minh điều này, ông Nguyễn Thế Mỹ đã trích dẫn Quyết định số 113 của VKSNDTC ngày 28/9/2007 về vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Đậu Thị Hường và ông Đỗ Đức Đương về thửa đất tại thị trấn Xuân An, với nội dung: kế hoạch xây dựng đường 8B đã được xác định tại Nghị định số 172/1999/CP ngày 7/2/1999 của Chính phủ và Thông báo số 62/CV ngày 22/2/2001 của UBND huyện Nghi Xuân. Do vậy, bản án sơ thẩm xác định chỉ giới phía Nam của thửa đất cách tim đường 8B = 12m là không có căn cứ, trái với quy định Luật Đất đai, xâm hại về chỉ giới xây dựng đường 8B theo Nghị định số 172... 
Năm 1989 gia đình ông Đặng Văn Quyết (bố ông Đặng Văn Ích) được Nhà nước cấp Sổ đỏ số A068817 đối với thửa đất 361m2. Năm 2003 UBND huyện Nghi Xuân tiến hành thu hồi sổ đỏ cũ để cấp sổ đỏ mới, lấy đi phần diện tích tiếp giáp đường 8B 46m2 đất. Thấy không đúng với diện tích, ông Quyết từ chối nhận sổ đỏ. 
Tại Công văn trả lời số 1272 ngày 13/10/2015, UBND huyện Nghi Xuân nêu: Về quyền sử dụng đất hợp pháp của các hộ dân được xác lập nằm ngoài chỉ giới hành lang an toàn giao thông 24m, kể từ ngày cấp sổ đỏ mới theo Nghị định 60, các loại giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất được cấp trước đó không còn giá trị pháp lý. 
Nhưng trái lại, sổ đỏ của gia đình ông Đặng Văn Quyết các năm 2008, 2010 và 2012 vẫn được Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận để thế chấp ngân hàng ba lần, vay đến vài trăm triệu đồng?
Đất được Nhà nước công nhận sao không được đền bù?
Ông Hoàng Đình Từ, đại diện một số hộ dân tổ dân phố số 3, thị trấn Nghi Xuân phản ánh: đầu tháng 2/1995 bà Hoàng Thị Thu, Chủ tịch UBND thị trấn Nghi Xuân đã thông báo về việc thu hồi đất giáp đường 8B để thực hiện việc mở rộng đường 24m. 
Ngày 12/2/1995, các hộ dân tổ chức cuộc họp có mời bà Thu đến tham dự. Ngày 18/2/1995 bà Thu đã ký đóng dấu xác nhận vào biên bản với nội dung: “Chúng tôi lập biên bản này để ghi nhận số tài sản cây, diện tích để đề nghị lên cấp trên đền bù. Nhưng trước mắt yêu cầu gia đình  phải bốc dỡ để xây bờ rào đúng mốc quy định là 24m”. 
“Chủ tịch thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm, đã ký, đóng dấu xác nhận, tại sao bây giờ lại không đền bù cho chúng tôi?”, ông Từ bức xúc. 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi cũng thực hiện theo các văn bản quy định, các yêu cầu của bà con thì huyện cũng đã trả lời bằng nhiều văn bản. Không những chỉ có huyện mà Thanh tra Chính phủ cũng đã về làm việc, kiểm tra việc cắm mốc sau đó Thanh tra tỉnh cũng đã kết luận việc xử lý vụ việc của huyện Nghi Xuân là đúng. 
Việc bà Thu có ký vào biên bản xác nhận là không đúng trình tự, không đúng quy định của pháp luật nên văn bản đó không có giá trị. Đến nay tiến độ cơ bản đã gần xong, sẽ kịp tiến độ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du”.
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Thức Giáp, Văn phòng LS Thiên Thanh (Đoàn LS Nghệ An): “Đất của các hộ dân được cấp, được sử dụng và công nhận trước thời điểm cắm mốc theo Nghị định 203 của Hội đồng Bộ trưởng. Việc cắm mốc chỉ là để phân chỉ giới cho người dân không được xây dựng trên phần diện tích đã được cắm mốc. Nhưng khi tiến hành làm đường thì đối với những mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ cần xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng, còn đối với đất đã được cấp sổ đỏ thì phải có quyết định thu hồi đất và phải đền bù về đất…”.
Tuyến đường triển khai xây dựng sắp hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa đồng ý với việc giải quyết của chính quyền. Để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt thòi cho nhân dân và tránh khiếu kiện kéo dài, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân xem xét lại kiến nghị của người dân. 

Đọc thêm