Không có đất, vợ chồng bà Hà Thị Hoa (45 tuổi, xã Xuân Thới Thương, huyện Hóc Môn, TP.HCM) xin ấp dựng một túp lều ở cạnh nghĩa trang để che mưa che nắng. Nhiều năm dành dụm ông bà mua được đủ số gạch để cất một ngôi nhà cấp 4 mái tôn trên mảnh đất “mượn”.
Xây xong phần thô thì hết tiền, gần 10 năm đến nay gạch, vữa đã xỉn màu nhưng vợ chồng bà vẫn chưa có đủ tiền để trát những bức tường. Rồi sự việc xảy ra, chồng chết, con trai bị tuyên án tử, mong ước về một ngôi nhà khang trang với những bức tường trắng, có cái bếp, cái nhà tắm như người ta có lẽ mãi mãi chỉ là giấc mơ.
Ngôi nhà tồi tàn nơi nghịch tử sát hại cha. |
Khổ truyền đời
Mưa lớn, nước từ trên đường chảy như thác xuống khoảng sân đất trước nhà.Trong nhà, người đàn bà vội vã lấy thau, giẻ lau để thấm những vũng nước dột.
Giữa màn mưa “trắng trời trắng đất”, người đàn bà kể việc cuộc đời buồn của mình. Bà bảo, mang tiếng ở Sài Gòn chứ cách đây 40 năm nhà bà nghèo lắm, học hết lớp 1 bà ở nhà giữ em cho má đi làm. Lớn chút nữa thì đi nhặt ve chai để phụ thêm tiền với gia đình. Theo tháng năm, những con chữ ít ỏi học được dần dần rơi rụng hết, bà lại“tái mù”.
Đến tuổi cập kê, gặp ông Huỳnh Văn Thiên “môn đăng hộ đối” cùng nghèo khó, ít học. Hai bên nên nghĩa vợ chồng. Không có đất, đôi vợ chồng trẻ xin mấy tấm tôn cũ, dựng tạm một túp lều ở cạnh nghĩa trang để làm nơi che mưa che nắng.
Ban đầu vợ chồng bà Hoa đi làm thuê, làm mướn cho bà con trong ấp. Rồi các khu công nghiệp mở ra ở khắp mọi nơi, đất hết, hết việc. Không có vốn,vợ chồng bà đành chuyển sang nhặt ve chai để kiếm sống qua ngày. Dành dụm được ít tiền, cộng với quen biết nên họ chuyển từ đi nhặt sang đi mua ve chai.
Bà kể: “Có khi đạp xe cả ngày chỉ mua được chục cân giấy vụn, bán được lời hơn chục ngàn, nên để “tăng gia”, đạp xe ở đường thấy chai nước, mảnh nilon nào đều dừng xe cúi xuống để nhặt”. Hàng ngày, vợ chiếc xe đap, chồng chiếc xe máy cũ, mỗi người một hướng, từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà.
Vất vả là vậy cũng chỉ đủ nuôi hai thằng con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đến khi đứa con trai đầu Huỳnh Thanh Nam (SN 1993) khôn lớn khỏe mạnh, đi làm công nhân ở nhà máy giày da, những tưởng cuộc sống gia đình bà sẽ bớt khó khăn.
Song đi làm một thời gian ngắn, Nam đưa một cô gái làm cùng xưởng về nhà nằng nặc đòi ba mẹ cho cưới. Hai bên sui gia gặp nhau nhưng nhà gái chê nhà trai nghèo nên không đồng ý cho cưới.
Cô gái trẻ cãi lời cha mẹ, theo người yêu về chung sống. Từ đó, bà Hoa có “con dâu”. Bà kể: “Làm công nhân giày da độc hại, nên khi mang bầu là cả gia đình động viên cho con bé ở nhà, đợi sinh nở xong mới đi làm lại”. Song chẳng biết có phải vì thấy gia đình chồng nghèo tương lai thì mù mịt quá hay không, đứa trẻ đầy tháng, một ngày đẹp trời, cô con dâu đưa con cho chồng ẵm để về thăm nhà “chút xíu”. Thế là một đi không chở lại, bặt tin từ đó đến giờ.
Bà Hoa nghỉ hẳn việc, ở nhà trông đứa cháu nội còn oe oe khát sữa.
Cũng từ đó không khí gia đình nặng nề hơn. Con trai bà ít nói hẳn, đi sớm về khuya. Chồng bà cũng chán nản mà sinh tật nhậu nhẹt. Bà tâm sự: “Mỗi lần ổng nhậu say về là ổng kiếm cớ mắng chửi vợ con, nên tình cảm cha con cũng không được thuận hòa như xưa. Ổng nhậu như vậy thì tôi biết là ổng nghiện rượu rồi.
Còn thằng Nam, tôi không biết nó sa đà vào nghiện ma túy từ bao giờ. Nó từng tiết kiệm đến nỗi không dám dành tiền mua chiếc xe máy để đi làm, mỗi ngày đi làm đều phải đi nhờ bạn. Lĩnh lương nó chỉ giữ lại 500 ngàn để phụ tiền xăng cho bạn, mua thẻ điện thoại, mua gói bánh cho con, còn bao nhiêu tiền nó đưa tôi mua sữa cho thằng bé. Vậy mà sau này không hiểu nó lấy tiền đâu ra mua ma túy, mà cũng không hiểu nó hút ở đâu?”.
Say xỉn, nghiện ngập
Ngày 9/11/2015, ông Thiên không đi mua ve chai mà ở nhà nhậu cả buổi chiều. Rượu vào lời ra, ông bắt đầu mắng chửi vợ để thằng cháu nghịch làm nhà cửa bẩn thỉu bừa bộn. Quen tính chồng, bà Hoa “giả điếc” coi như không nghe thấy, chỉ lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa.
Không có chỗ trút giận, thấy thằng con trai đi làm về người cha cũng lớn tiếng mắng chửi. Nam không nói gì, lẳng lặng vào buồng. Thằng cháu chưa đầy hai tuổi đang tha thẩn chơi ngoài sân, ông nội “bợp tai” cho hai cái vì cái tội “lớ xớ” làm đứa trẻ khóc ầm ĩ. Bà Hoa phải vội vàng bế cháu ra ngoài đường để lánh nạn.
Không còn ai ở nhà, ông Thiên đi vào buồng, thấy Nam đang dùng ma túy thì điên tiết đá vào tay con. Đang cơn nghiện, đứa con trai điên cuồng dùng chiếc kéo đâm nhiều nhát vào người cha mình.Hai ngày sau nạn nhân qua đời, Nam bị bắt giữ ngay sau đó.
Ngày 17/5, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Huỳnh Thanh Nam (sinh năm 1993 tại TPHCM) về tội giết người.
Đại diện VKS đề nghị mức án tù chung thân. Bà mẹ khóc lóc trình bày: Hai vợ chồng tôi không có công việc ổn định, chỉ đi lượm ve chai để kiếm sống qua ngày. Ông ấy lại nghiện rượu, khi say xỉn thì đánh đập vợ con. Nam là con lớn trong nhà, từ nhỏ đã phải nghỉ học đi làm phụ gia đình, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Huỳnh Thanh Nam lí nhí: "Bị cáo rất hối hận, mong pháp luật khoan hồng để bị cáo được sớm trở về nuôi con".
Chủ tọa bác bỏ: "Từ ngày con bị cáo ra đời, bị cáo để mặc cha mẹ mình lo toan. Cha bị cáo đã già và đau ốm, vẫn phải làm lụng để nuôi gia đình. Vậy mà bị cáo mất hết tính người, ra tay giết chết người sinh ra mình.Giờ mới nói hối hận, thì sao pháp luật có thể khoan hồng đây?"
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Huỳnh Thanh Nam mức án tử hình.
Phiên tòa kết thúc, người đàn bà tất tả bắt 3 chặng bus để về nhà. Thằng cháu nội gửi cả ngày bên nhà hàng xóm nhìn thấy bà về thì mừng quýnh đòi kẹo.
Bà Hoa xoa đầu cháu, nước mắt lưng tròng: Nó nghiện hút từ bao giờ tôi không biết, nhưng nó thương con nó lắm, chiều nào đi làm về cũng chở con đi chơi một vòng. Thằng bé cũng quấn cha, gần hai tuổi chẳng biết nói câu gì chỉ biết mỗi “Ba….Ba”. Bà đưa bình sữa, đứa trẻ ôm chiếc gối từ trong buồng ra đặt xuống nền nhà tu một hơi rồi lăn ra ngủ.
Bà Hoa khóc: “Ổng ấy chết rồi, cha nó thì đi tù, giờ cả nhà chỉ trông vào đồng lương làm công nhân giày da của thằng út. Nhưng mùa này chẳng có việc để tăng ca, lương chỉ có 3-4 triệu. Tôi phải cho thằng bé uống sữa loại rẻ tiền hơn nhưng cũng không đủ. Tính đưa cháu đi gửi trẻ để đi nhặt ve chai kiếm thêm chút tiền mua đồ ăn thì người ta không nhận, vì không có giấy khai sinh. Bên chính quyền bảo phải có sổ hộ khẩu của mẹ nó mới làm được. Nhưng tôi đi hỏi mấy tháng nay, chẳng ai biết mẹ nó ở đâu, giờ không biết làm cách nào để làm giấy khai sinh cho cháu”.
Bà Hoa nhìn ra ngoài sân, màn mưa vẫn trắng trời.