Được nổ súng trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ tấn công trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.
Kể từ ngày 1/1/2012, nhiều hành vi bị cấm tuyệt đối như cấm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cấm đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền…
Hôm qua - 20/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Có vũ khí, vật liệu nổ: Buộc phải giao nộp
Tại cuộc họp báo, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh: Việc ban hành Pháp lệnh nói trên là một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực và hiệu quả cao để điều chỉnh trong lĩnh vực này.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an đang phát biểu... |
Một trong những điểm đáng chú ý của Pháp lệnh mới là 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như: nghiêm cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; nghiêm cấm cho, tặng, gửi, mượn, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Pháp lệnh cũng quy định, tất cả các tổ chức, cá nhân phải khai báo, giao nộp cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào và do phát hiện, thu nhặt được.
Đặc biệt, Pháp lệnh mới được công bố quy định cụ thể về nguyên tắc nổ súng. Đó là phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định nổ súng. Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh bảo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác, hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Pháp lệnh quy định có 7 trường trường hợp được nổ súng, trong đó đáng chú ý là được nổ súng trong trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ tấn công trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.
Lại thêm một Cảnh sát hy sinh trong khi làm nhiệm vụ
Cũng tại cuộc họp báo nói trên, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đã thông báo tới báo chí những thông tin mới nhất về vụ một cảnh sát hy sinh trong khi truy bắt tội phạm vừa xảy ra tại Đồng Nai.
Theo đó, ngày 19/7 trên đường tuần tra, Công an xã Xuân Sơn, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai phát hiện 2 đối tượng đi xe máy có nhiều biểu hiện nghi vấn. Truy đuổi nhưng đối tượng không dừng lại mà còn dùng súng bắn vào anh Hồ Thông, Công an viên. Trên đường bỏ chạy, hai đối tượng còn bắn vào ông Phạm Thanh Phương và cướp đi một xe máy.
Nhận tin cấp báo, Công an Cẩm Mỹ đã tăng cường lực lượng xuống hiện trường để truy bắt đối tượng. Trên đường tháo chạy, đối tượng đã bắn trả quyết liệt làm thượng sỹ Lê Thanh Tâm (sinh năm 1986, là học viên trường Đại học cảnh sát nhân dân II) hy sinh. Cảnh sát buộc phải tiêu diệt tại chỗ một tên. Tên còn lại bỏ chạy vào lô cao su gần đó và đến 18h cùng ngày Công an đã bắt được tên này.
Đấu tranh nóng với đối tượng bị bắt (là Bùi Văn Trung, sinh năm 1986 ở Tân Biên, TP. Biên Hòa) đối tượng khai nhận đã từng gây ra một vụ cướp xe SH ở Đồng Nai, liên quan đến một vụ giết người khác ở Đà Lạt, và chỉ vì mâu thuẫn về chuyện mua súng, tên này cũng đã từng giết chết bạn mình. Trung hiện là đối tượng truy nã đặc biệt. “Chúng tôi sẽ làm các thủ tục phong vượt cấp cho đồng chí Tâm, và cùng gia đình, địa phương tổ chức lễ truy điệu đồng chí Tâm về nơi an nghỉ cuối cùng. Vụ án đang được điều tra mở rộng” - Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho biết thêm.
Nguyên tắc nổ súng Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh bảo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác, hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. (Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) |
Thu Hằng