Bức xúc trước hành động “lộng quyền” của xã đội trưởng?
Người đàn ông đó là ông Phùng Thạch Đông (SN 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), hiện là bị can trong vụ án “Cố ý gây thương tích”.
Theo lời kể của anh Phùng Thanh Dũng (con ông Đông), đêm ngày 25/4, ba chiếc xe tải của gia đình anh bị bắt vì bị nghi vấn sai phạm trong vận chuyển. Sáng 26/4, khi anh Dũng đang làm việc với cơ quan chức năng về vụ việc tại UBND xã Sông Lũy thì nhận được điện thoại nói rằng ông Ngô Minh Hoàng, Xã đội trưởng, cùng cán bộ địa chính xã và một số người nữa, đến đòi xử lý, tháo biển số chiếc xe tải thứ tư của gia đình anh mang đi. “Chiếc xe này khi đó đang chở đất để đắp đường theo yêu cầu của một người thuê chứ không hề khai thác trái phép, không có vi phạm gì”, anh Dũng kể lại.
“Nghe tin, tôi cùng cha mẹ đi vào hiện trường. Đang đi trên đường thì thấy Xã đội trưởng Hoàng chở theo một người đang cầm cặp biển số chiếc xe thứ tư nhà tôi đi ngược chiều. Tôi quay xe lại, đuổi theo yêu cầu dừng lại nói chuyện. Cha tôi xuống trước, trên tay cầm hai chai nước suối vỏ nhựa hiệu Vĩnh Hảo.
Vì bức xúc việc ông Hoàng lộng quyền vô cớ tháo biển số xe nhà tôi nên cha tôi chọi chai nước trúng mặt ông Hoàng. Tôi thấy ông Hoàng bỏ chạy khoảng 30m thì dừng lại. Trong khi đó cha con tôi hỏi chuyện hai người kia. Hỏi lý do tại sao tháo biển số xe, họ nói làm theo yêu cầu của Xã đội trưởng Hoàng chứ không biết gì khác”, anh Dũng kể.
Tường trình của ông Đông gửi cơ quan chức năng trước khi bị bắt cũng trùng hợp nội dung với lời khai của con trai. Ông Đông cho rằng chỉ chọi chai nước suối vỏ nhựa vào vị xã đội trưởng vì “bức xúc trước hành vi lộng quyền của ông Hoàng”.
Trong khi đó, vị xã đội trưởng phản bác như sau: “Tôi là thành viên Tổ truy quét khai thác khoáng sản trái phép xã Sông Lũy. Tối 25/4, tại khu vực núi Dây, huyện kết hợp với xã bắt được ba xe của gia đình ông Đông có vi phạm. Sáng 26/4, khi anh Dũng làm việc với ông Nguyễn Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã, tôi lại nhận được tin báo là chiếc xe tải thứ tư nhà ông Đông vẫn khai thác trái phép ở núi Dây”.
Vẫn lời ông Hoàng: “Tôi cùng Tổ phó là cán bộ địa chính xã, Phó Trưởng Công an xã và một người khác xin ý kiến của Phó Chủ tịch xã đi vào đó. Đến nơi, tôi thấy hai xe, một xe đã đổ đất xuống, một xe đang chở. Tôi lập biên bản, yêu cầu đưa xe về xã. Nhưng lái xe không chấp hành, nói xe bị hỏng. Tôi xin ý kiến và được ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Sông Lũy yêu cầu lập biên bản tháo biển số xe mang về. Mình phải tháo biển số xe để làm chứng cứ chứ”.
Bệnh viện An Phước đề nghị cho ông Đông nhập viện để điều trị nhưng công an vẫn cương quyết tạm giam |
Theo ông Hoàng: “Trên đường về, tôi gặp cha con ông Đông. Họ yêu cầu dừng lại nói chuyện. Tôi dừng xe, chưa kịp tắt máy thì linh cảm điều gì đó, quay mặt sang bên phải, thấy nhói ở gò má phải. Tôi ngã xuống, máu chảy. Tôi thấy ông Đông quay lại xe của ổng, lấy hung khí đuổi chém. Sợ quá, tôi bỏ chạy và được đưa đi cấp cứu. Ông Đông khai chọi chai nước vào mặt tôi là không đúng. Tôi nghĩ ông Đông đâm tôi bằng dao bấm”.
Có một điều chưa rõ ràng. Đó là vì sao ông Hoàng cầm lái xe máy và có người ngồi sau, nhưng khi ông Đông đâm ông Hoàng từ phía sau tới thì lại trúng ông Hoàng chứ không trúng người ngồi sau? Ông Hoàng nói: “Không biết tại sao, không hiểu tại sao bị đâm”.
Bệnh viện bảo nhập viện, công an cho… nhập trại
Sau khi vụ án xảy ra, ngày 8/5, Công an huyện Bắc Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đông để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngay trong ngày bị bắt giam, ông Đông ngã bệnh và phải cấp cứu tại Bệnh viện An Phước (TP Phan Thiết).
Ngày 9/5, Bệnh viện An Phước có giấy đề nghị cho ông Đông nhập viện để điều trị bệnh: Tăng tuần hoàn não, hạ áp, giảm đau đầu. Công an huyện Bắc Bình không chấp nhận mà buộc ông Đông phải xuất viện để tạm giam. Trong quá trình bị tạm giam, ông Đông tiếp tục phát bệnh và được đưa đến bệnh viện Bắc Bình.
Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP HCM, người được gia đình ông Đông mời tham gia vụ án, cho biết: “Ông Đông có tiền sử bệnh tim do cao huyết áp và thiếu máu cục bộ hở hai lá 1/4; bệnh gan nhiễm mỡ, nang nhỏ thận phải. Quá trình bị tạm giam, hai lần ông Đông tái phát bệnh. Hơn thế, chưa xét đến chuyện ông Đông có hành vi vi phạm vì bức xúc trước hành vi lộng quyền của ông Hoàng, thì tội danh ông Đông đang bị điều tra có thể không thuộc trường hợp phải tạm giam. Ông Đông có nơi cư trú rõ ràng, có gia đình, chưa có tiền án, tiền sự, không có dấu hiệu bỏ trốn. Tại sao cơ quan điều tra vẫn cương quyết tạm giam?”.
Gia đình ông Đông hai lần làm đơn xin bảo lãnh và Luật sư Dũ một lần làm đơn, nhưng đến nay vẫn chưa hề nhận được phản hồi của cơ quan điều tra về việc có hay không có căn cứ để ông Đông tại ngoại.
PV đã tìm đến Công an huyện Bắc Bình tìm hiểu sự việc, và được trả lời vụ án đang điều tra, thẩm quyền phát ngôn thuộc về Công an tỉnh Bình Thuận. PV đã liên hệ, đặt lại câu hỏi, nội dung làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận nhằm làm rõ vụ án.
“Họ rất sốt sắng bắt giam một người đã hơn 50 tuổi, nhiều bệnh nặng. Có vi phạm hay không, gia đình chúng tôi chưa bàn đến. Nhưng cha tôi bệnh nặng, có nhân thân rõ ràng, vì sao họ quyết bắt giam? Liệu có liên quan gì đến vụ việc của tôi hay không?”, anh Dũng nói.
Cha con ông Đông và vị xã đội trưởng có liên quan gì với nhau hay không? Có mối liên quan nào vụ án này với chuyện con ông Đông cũng là nạn nhân trong một vụ án khác đang được điều tra?
Mời bạn đọc đón đọc trên các số báo sau.
Theo một luật sư, việc cán bộ cấp xã tháo biển số xe của người khác, dù là xe vi phạm, cũng là hoàn toàn trái luật, trái thẩm quyền. Nhằm làm rõ thông tin về việc lãnh đạo xã chỉ đạo gỡ biển số xe như vị xã đội trưởng nói, PV liên hệ với ông Đỗ Thanh Hùng, ông Nguyễn Thanh Nhã nhưng cả hai đều cho biết “đang đi họp”. Qua điện thoại, PV đặt vấn đề về việc ông Hùng bị cho là chỉ đạo xã đội trưởng tháo biển số xe, ông Hùng nói “đang họp, anh gọi lại sau”, nhưng sau đó không nghe máy. Ông Nhã cũng không nghe máy.