Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Chủ tịch xã tiếp tay cho cát tặc?

(PLO) - Không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền xã, huyện đều ngạc nhiên khi “cát tặc” dù bị kiểm tra, xử phạt nhưng sau đó lại tiếp tục đào, hút lòng sông…
Cát được “cát tặc” hút lên chất từng đống nhìn từ trên cầu làng Bằng

Những tưởng những người này coi thường pháp luật, cố tình vi phạm và thách thức dư luận, nhưng tất cả đều ngã ngửa khi “cát tặc” chìa ra một văn bản giao kèo giữa chủ tịch xã cũ cho phép họ móc ruột lòng sông. Chuyện lạ này xảy ra tại xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Bờ sông sạt lở, cầu treo bị đe dọa

Trong một thời gian dài, người dân xã Phùng Giáo sống trong bức xúc và lo lắng trước tình trạng khai thác cát sỏi không chỉ gây sạt lở bờ sông, cày nát đường giao thông mà còn đe dọa nghiêm trọng đến cây cầu treo làng Bằng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Có mặt trên cầu làng Bằng, cách đó không xa dưới lòng sông chúng tôi chứng kiến cát sỏi vun thành từng đống. Cạnh bên là máy xúc, máy hút nhưng lạ là không một bóng người. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, một người dân cho biết: Chắc thấy có người lạ họ tưởng cán bộ kiểm tra nên dừng không hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng tôi định quay về thì đột nhiên máy nổ giòn giã và vòi hút dưới sông bắt đầu hoạt động.

Như bị chọc tức bởi tiếng động cơ từ máy hút, một người dân bức xúc: “Các anh thấy chưa, nhiều khi họ hút cả ngày lẫn đêm gây ầm ĩ cả vùng, khiến bờ sông bên kia bị lở đe dọa đến con đường vận chuyển mía của người dân”.

Theo quan sát của chúng tôi, điểm khai thác cách cầu treo làng Bằng chừng 400m. Để vận chuyển cát đi tiêu thụ chỉ duy nhất con đường sát cây cầu này và do một bên nhà dân ở sát nên xe chở cát phải trèo qua cả chân cây cầu treo này.

Con đường xe chở cát đi qua trèo lên cả mố cầu làng Bằng

“Cây cầu mới khánh thành đưa vào sử dụng nhưng suốt ngày xe chở cát sỏi lèn qua mố. Nguy hiểm hơn, những xe cát sỏi cao nên nhiều khi đụng vào cả mấy dây cáp giữ thăng bằng khiến cây cầu rung lên, đung đưa như lắc võng”, một người dân vừa nói vừa đưa tay mô tả. Một người khác thì kéo tay chúng tôi xuống gần bờ sông chỉ cây cột điện bị bờ sông lở đe dọa nghiêm trọng.

Khi được hỏi vì sao không có ý kiến gì với chính quyền về tình trạng này, một người dân bức xúc: “Nói, nói nhiều lắm rồi. Xã có xuống kiểm tra, lập biên bản, rồi phạt nhưng đâu lại vào đấy. Cát sỏi vẫn bị móc lên, xe tải vẫn ầm ầm phá đường”.

Tiếp đó, chúng tôi theo một người dân ngoằn nghèo đi chừng 1km và chứng kiến tại một bãi cạn của lòng sông, cát sỏi chất đống bên cạnh chiếc thuyền có gắn máy hút cát. “Họ ngang nhiên khai thác cát sỏi như vậy là có sự bảo kê, bao che”, một người dân nói, “Bởi khi người dân phản đối thì đối tượng khai thác cát thản nhiên nói họ không phải là “cát tặc” vì họ được chính quyền cho phép khai thác”.

Một điểm hút cát chất đống cạnh thuyền hút

Huyện “ngã ngửa” vì văn bản lạ

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Phùng Giáo với suy nghĩ lãnh đạo xã sẽ nại ra các lý do để chối bỏ trách nhiệm. Nhưng không, dù có chút rụt rè nhưng Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Tuất vẫn thừa nhận để xảy ra tình trạng như người dân phản ánh một phần lỗi thuộc về chính quyền cơ sở.

“Chúng tôi đã liên tục kiểm tra, lập biên bản, nhưng…”, ông Tuất ngập ngừng. Sự ngập ngừng của ông Chủ tịch này không có gì là khó hiểu bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Tuất vốn là Chủ tịch UBND xã bên mới được điều về làm Chủ tịch xã Phùng Giáo từ tháng 9/2015. Liên quan đến nạn “cát sỏi” này, ngày 25/2/2013 người tiền nhiệm của ông Tuất là ông Lê Hồng Lâm (nay được điều sang làm Chủ tịch UBND xã Phú Thị) đã ký Biên bản số 05 giao cho Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Yến Khanh quản lý và tận thu nguồn cát sỏi.

Theo đó, ông Lâm căn cứ Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NDD-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 để giao cho doanh nghiệp này thuê 4 ha đất công do xã quản lý. Trong đó, bãi cát làng Tiến Thành 21.400m2 và bãi cát làng Bằng 18.600m2 để tận thu cát san lấp và cát xây dựng, với giá 5 triệu đồng/ha/năm. Đến đây, thắc mắc của người dân mới được lý giải: Đúng là các đối tượng khai thác cát không phải là “cát tặc”.

Tìm đến UBND huyện Ngọc Lặc, chúng tôi được bà Trương Thị Hòa – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Phòng xuống kiểm tra. Thậm chí một Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp xuống tận nơi để thị sát. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu xã Phùng Giáo ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi, đồng thời đề nghị doanh nghiệp di dời máy móc ra khỏi khu vực.

“Trước đây, chúng tôi nhiều lần xuống kiểm tra nhưng không thấy xã nói gì. Mới đây (ngày 23/3), khi xuống kiểm tra chúng tôi bất ngờ khi lãnh đạo xã đưa ra Biên bản số 05”. Khi được hỏi về tính pháp lý của biên bản này, bà Hòa khẳng định lãnh đạo xã ký cho phép khai thác cát như vậy là sai.

Khi chúng tôi chuyển nghi vấn của người dân rằng ông Lê Hồng Lâm làm sai như vậy là do trình độ, năng lực kém hay có sự tiêu cực thì Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt khẳng định UBND huyện sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Một người dân biết chuyện hài hước “Cho dù trình độ kém hay có tiêu cực, nhưng làm sai như vậy mà được điều sang làm Chủ tịch UBND xã khác thì địa phương đó cũng coi chừng…”.

Đọc thêm