Người chăm "giấc ngủ" liệt sĩ

 Gần 10 năm làm "người canh giấc ngủ" của 210 liệt sỹ, tóc ông Đỗ Quang đã bạc đi nhiều, mắt cũng ngày càng mờ, chỉ tấm lòng lão nông nghèo là mãi mãi son sắc.

 Gần 10 năm làm "người canh giấc ngủ" của 210 liệt sỹ, tóc ông Đỗ Quang đã bạc đi nhiều, mắt cũng ngày càng mờ, chỉ tấm lòng lão nông nghèo là mãi mãi son sắc.

Năm nay ông Đỗ Quang 73 tuổi. Bom đạn chiến tranh, bệnh tật, nỗi vất vả khi nuôi 8 đứa con nên người... lão nông này đã nếm trải đủ. Ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, thế mà ngày ngày ông vẫn cần mẫn lên nghĩa trang để chăm sóc 210 "ngôi nhà" của các liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Ba Lòng (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Sau gần 10 năm trở thành "người canh giấc ngủ", tóc ông Quang giờ bạc đi nhiều, mắt cũng ngày càng mờ, duy chỉ tấm lòng lão nông nghèo là vẫn mãi mãi son sắc.

Niềm vui bé nhỏ của ông Quang là hàng ngày được chăm sóc 210 ngôi mộ liệt sỹ.
Niềm vui bé nhỏ của ông Quang là hàng ngày được chăm sóc 210 ngôi mộ liệt sỹ.

Bà Lê Thị Lâm (vợ ông Đỗ Quang) thường đùa: "Mấy năm nay, thời gian ông ấy sống ngoài nghĩa trang, bên phần mộ của các liệt sỹ có khi còn nhiều hơn ở nhà". Đùa mà thật, đến nghĩa trang liệt sĩ xã Ba Lòng, hầu như ai cũng bắt gặp hình ảnh một lão nông đội chiếc mũ cối bạc màu, đi đôi dép cao su mòn vẹt đang tỉ mỉ chăm sóc từng phần mộ.

Công việc thường ngày của ông Quang là nhổ cỏ, quét dọn, hương khói cho 210 phần mộ liệt sỹ. Những hôm mưa to, gió lớn, ông lặn lội ra nghĩa trang ngày hai dạo bởi: "Mưa gió dễ làm cát ở các phần mộ bị sụt lắm. Tôi phải nhanh chóng lấy cát ngoài sông đắp lại cho anh em đỡ lạnh. Vả lại, tôi nghĩ, nghĩa trang cần hơi người hơn là hương khói mà thời tiết xấu thì ít ai đến thăm nom lắm, nên tôi cứ vòng đi, vòng lại để các liệt sĩ dưới kia biết lão già này vẫn ở bên họ".

Trở về quê hương sau ngày đất nước giải phóng, ký ức ông Đỗ Quang luôn in đậm hình ảnh những người người lính đã hy sinh vì tổ quốc. Đôi dòng thông tin ngắn gọn hoặc vài món đồ kỷ niệm theo các liệt sỹ về với đất mẹ để rồi nhiều năm sau thân nhân của họ mỏi mắt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy. Thế nên, khi UBND xã Ba Lòng phát động phong trào truy tập hài cốt liệt sỹ đã hy sinh tại chiến khu xưa, ông Đỗ Quang cùng đông đảo người dân trong xã háo hức lên đường.

Ông nhớ như in: "Đó là mùa hè năm 1982. Lúc ấy, chính quyền xã kêu gọi mỗi gia đình cắt cử một người tham gia vào đội truy tập hài cốt liệt sĩ. Dẫu vậy, gia đình nào cũng kéo thật đông con cháu tham gia. Chúng tôi nguyện xới hết đất Ba Lòng để tìm anh em". Sau hơn 10 năm tìm kiếm, 210 bộ hài cốt liệt sỹ đã được truy tập về nghĩa trang Thạch Xá. Đến năm 1992, toàn bộ các phần mộ lại được chuyển sang nghĩa trang mới xây dựng tại thôn Hà Vụng. Vào thời điểm đó, một câu hỏi khá quan trọng là "Ai sẽ đủ tâm huyết để săn sóc ngôi nhà chung của 210 liệt sỹ?".

Khi vấn đề được đưa ra bàn bạc, ông Đỗ Quang liền xung phong đảm trách công việc mà không hề đòi hỏi một đồng bồi dưỡng. Cảm động trước tấm lòng của lão nông nghèo, chính quyền đã cấp cho vợ chồng ông 3 sào đất. Thu nhập của gia đình từ việc trồng hoa màu trên mảnh đất này xem như để ông Quang lo việc nhang đèn và các chi phí chăm sóc nghĩa trang.

Gần 10 năm gắn bó với 210 phần mộ liệt sỹ, ông Quang không thể nhớ hết bao nhiêu đoàn thân nhân đã được tiếp đón và tá túc trong ngôi nhà nhỏ của mình. Đối với các gia đình không tìm thấy người thân, ông cẩn thận lưu lại địa chỉ, số điện thoại, tên tuổi... để liên lạc với họ khi tìm phát hiện hài cốt liệt sỹ. Giờ đây, không thể cùng mọi người băng bổ chốn núi rừng để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được nữa, ông Quang lại động viên con cháu bước tiếp hành trình.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, mong muốn lớn nhất của ông Đỗ Quang là chính quyền sẽ hỗ trợ kinh phí nâng cấp nghĩa trang Hà Vụng mới hơn, khang trang hơn. Về phần mình, ông chỉ trông sao có đủ sức khỏe để chăm lo cho giấc ngủ của 210 liệt sỹ đã hy sinh vì nghĩa lớn…

Bài, ảnh: Tuấn Hiệp

Đọc thêm