Người chuyển giới được “chết tự nguyện”?

(PLO) - Luật pháp và xã hội ngày càng ít kỳ thị  với người chuyển giới tính. Mặc dù vậy, khá nhiều người chuyển giới tính đã không thể vượt qua rào cản tâm lý của chính mình. Cái chết “tự nguyện” của một người chuyển giới tính ở Bỉ ngày 1/10/2013 là một lời nhắc nhở về áp lực tâm lý mà người chuyển giới tính phải chịu.
Nathan Verhels, người chuyển giới chính xin được chết
Nathan Verhels, người chuyển giới chính xin được chết
Cho phép chọn cái chết để thoát khỏi áp lực tâm lý
Khi ra đời, Nathan Verhels mang giới tính nữ với tên Nancy. Năm 2009, Nancy bắt đầu liệu pháp hormone trong tiến trình chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam.
Năm 2012, Nancy được giải phẫu cắt bỏ cặp ngực và lắp dương vật, hoàn tất quá trình chuyển đổi giới tính. Sau cuộc giải phẫu, Nancy đổi tên thành Nathan nhưng hình hài hoàn toàn gây thất vọng cho chính anh ta. Nathan mô tả: “Cặp ngực mới của tôi không đúng sự mong muốn của tôi và dương vật mới có triệu chứng không được cơ thể chấp nhận, bị đào thải”.
Thất vọng với cuộc phẫu thuật chuyển giới thất bại, Nathan đã nộp đơn xin được chết vì lý do khổ sở về mặt tâm lý không thể chịu đựng được. Nathan trải qua sáu tháng được bác sĩ tư vấn trước khi nguyện vọng được chết của anh trở thành hiện thực.
Tối 1/10/2013, Nathan được tiêm một mũi thuốc độc để đi vào cõi chết một cách êm ái. Nathan trở thành người chuyển giới ở Bỉ đầu tiên được chết êm ả theo ý muốn.
Nathan xin được chết đúng luật nhưng đã có nhiều người chuyển giới tính chọn cái chết không cần xin phép.
Một trường hợp trước và sau khi chuyển giới tính
Một trường hợp trước và sau khi chuyển giới tính
Tháng 3/2013, dư luận nước Anh thảng thốt vì cái chết của Lucy Meadows, 32 tuổi, giáo viên của một trường tiểu học ở Lancashire. Trước lễ Giáng sinh,  nhà trường thông báo  cho phụ huynh rằng thầy Nathan Upton, một người đã lấy vợ và có một con trai, sau kỳ nghỉ lễ sẽ trở thành cô Lucy Meadows.
Nhà trường cũng yêu cầu học sinh gọi thầy Upton bằng tên mới. Nhà trường xử lý việc thầy đổi thành cô một cách lịch sự, đầy thông cảm nhưng một số phụ huynh tỏ ra bị “sốc”. Bất ngờ chỉ vài tháng sau khi chính thức trở thành phụ nữ, cô giáo Lucy tự tử.
Chi tiết về cái chết cũng như chuyện chuyển đổi giới tính của cô không được tiết lộ vì tôn trọng sự riêng tư cá nhân nhưng người biết chuyện cho rằng do áp lực tâm lý.
Mike Penner là một trong những người chuyển giới tính nổi tiếng nhất thế giới. Anh là phóng viên thể thao tài năng, rất được trọng dụng của tờ báo Los Angeles Times (Mỹ), đã tự tử  bằng cách hít khí độc năm 2009.
Mike lập gia đình với một đồng nghiệp và có con. Tháng 4/2007, anh công khai viết trên báo rằng mình là một “phóng viên thể thao chuyển giới tính”. Từ đó anh chính thức đổi tên thành Chistine Daniels, dùng tên này  làm bút danh. Christine còn nổi tiếng hơn cả Mike Penner lúc trước và  được người chuyển đổi giới tính ở Mỹ xem là thần tượng.Tuy nhiên Chistine chịu đựng rất nhiều áp lực tâm lý, nhất là sau khi ly dị với vợ.
Tháng 10/2008, Chistine trở lại với bút danh cũ Mike Penner, mặc lại y phục nam và bỏ dở các liệu pháp giúp trở thành một phụ nữ hoàn chỉnh. Mike trở nên u uất, tránh xa mọi người và cuối cùng tìm đến cái chết ở tuổi 52.
Luật “thoáng” nhưng áp lực tâm lý vẫn nặng nề
Luật các nước trên thế giới ngày càng tạo điều kiện cho người chuyển đổi giới tính bình đẳng với người bình thường.
Nhiều nước châu Âu cho phép người chuyển giới tính đổi tên theo phái tính mới trên giấy khai sinh và công nhận quyền kết hôn, gồm các nước Đan Mạch, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan...
Cho dù luật thoáng hơn, xã hội tỏ ra thông cảm hơn nhưng các nghiên cứu cho thấy người chuyển giới tính chịu áp lực tâm lý nặng nề, dẫn đến ý định  dùng cái chết để giải thoát. Kết quả thăm dò năm 2010 của Trung tâm quốc gia về sự bình đẳng của người chuyển giới (Mỹ) cho thấy có tới 41% người chuyển giới ít nhất một lần cố tự tử. Tỷ lệ này chưa tính tới những người đã chết vì tự tử hay đổi lại giới tính cũ. Ngoài ra còn có 10% người chuyển giới tỏ ra ân hận vì đã làm điều đó.
Một nghiên cứu của báo Anh Guardian năm 2004 kết luận không có bằng chứng thuyết phục cho thấy giải phẫu chuyển giới cải thiện đời sống của người chuyển giới. Phân khoa tâm lý của Viện Karolinska (Thụy Điển) nghiên cứu tất cả 324 người chuyển giới tính (191 nam thành nữ và 133 nữ thành nam) trong khoảng thời gian 1973 - 2003 cũng  kết luận người chuyển giới có nguy cơ tử vong, ý định tự tử cao hơn người thường.
Dựa vào các kết quả đó, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng cần cải thiện sự chăm sóc về mặt tâm lý và cơ thể cho người trải qua chuyển đổi giới tính.