Người có “duyên” với công tác hòa giải

“Nếu tổ hòa giải  nào cũng làm tốt như tổ hòa giải thôn Đống Đa, hòa giải viên (HGV) nào cũng tích cực, nhiệt tình và tận tâm với công việc như ông Vũ thì công việc của chính quyền cơ sở sẽ được giảm tải rất nhiều” - ông Nguyễn Định - Chủ tịch UBND xã Ninh Sim nhận xét như vậy khi nói về ông Nguyễn Lê Uy Vũ -trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

“Nếu tổ hòa giải  nào cũng làm tốt như tổ hòa giải thôn Đống Đa, hòa giải viên (HGV) nào cũng tích cực, nhiệt tình và tận tâm với công việc như ông Vũ thì công việc của chính quyền cơ sở sẽ được giảm tải rất nhiều” - ông Nguyễn Định - Chủ tịch UBND xã Ninh Sim nhận xét như vậy khi nói về ông Nguyễn Lê Uy Vũ -trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đống Đa, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Lê Uy Vũ (bên phải) đang trao đổi công việc với cán bộ tư pháp xã

Là cán bộ hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương từ những năm 80 thế kỷ trước, với uy tín và năng lực thực tế của mình, ông Vũ tạo được niềm tin cho người dân địa phương. Năm 1993, ông được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, rồi sau đó kiêm thêm công tác hòa giải. Thôn Đống Đa có 415 hộ dân với 2002 nhân khẩu.

Đây là một thôn thuần nông với 86,78% hộ dân sống bằng nông nghiệp, mặt bằng dân trí còn thấp nên những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ người dân ở khu vực dân cư thường xảy ra. “Người dân thấy mình có trình độ, làm việc vì cái chung nên bất kỳ mâu thuẫn lớn hay nhỏ xảy ra trong thôn thì họ cũng đều tìm mình để nhờ giải quyết, phân xử”, ông Vũ tâm sự.

“Như hôm rồi, cả nhà vừa dọn cơm ra chuẩn bị ăn trưa thì ông A (người trong thôn) chạy đến báo bò của hàng xóm đang ăn mía của nhà ông” - ông Vũ kể. Thế là, vị trưởng thôn chỉ kịp khoác vội cái áo vào, gọi điện kêu thêm anh công an viên thôn cùng đi ra hiện trường. Đến nơi, thấy bò vẫn đang thản nhiên gặm mía của nhà ông A, ông Vũ liền cho người cột con bò vào gốc cây gần đó, mặt khác cử người đi tìm chủ con bò đến để lập biên bản sự việc. Sau khi xác định thiệt hại, hòa giải giữa ông A với chủ con bò và thoả thuận đền bù thiệt hại mía cho ông A xong thì cũng đã gần 2 giờ chiều…

Rồi còn đủ thứ chuyện, nào là xả nước thải sinh hoạt ra ruộng lúa của hàng xóm, hay như cây ăn trái bên nhà này vươn cành sang nhà hàng xóm làm rụng lá bên kia,... Nói chung là đủ loại mâu thuẫn trong nội bộ mà người dân cần đến tổ hòa giải của ông Vũ để giải quyết.   

Tổ hòa giải thôn Đống Đa có 12 thành viên, gồm đại diện các tổ chức: ban nhân dân, mặt trận, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên...; hoạt động theo nguyên tắc: khi dân cần là HGV có mặt để kịp thời giải quyết tranh chấp, ngăn chặn mâu thuẫn phát triển.

Vụ việc đơn giản thì thực hiện hòa giải luôn, gặp việc phức tạp thì ghi nhận, khuyên nhủ các bên kiềm chế rồi tìm cách giải quyết. Ở vai trò là tổ trưởng tổ hòa giải, ông Vũ thường quán triệt đến các thành viên trong tổ phải sâu sát với cuộc sống của người dân trong thôn, nắm chắc tình hình địa bàn mình phụ trách để có thể nhanh chóng, kịp thời và khách quan khi giải quyết mâu thuẫn, không để căng thẳng kéo dài. 

Mỗi khi gặp vụ việc phức tạp, cả tổ cùng họp bàn hướng giải quyết, phân công thành viên gặp gỡ từng bên để tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng của họ kết hợp với việc kiên trì vận động, thuyết phục, giải thích các qui định của pháp luật cùng tình làng nghĩa xóm... để họ nhận ra đúng - sai, chấp nhận hướng giải quyết của tổ hòa giải và bắt tay làm lành, không để ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương.

Nhờ tinh thần làm việc nhiệt tình, tận tuỵ của ông Vũ và các thành viên trong tổ hòa giải, tranh chấp phát sinh trên địa bàn những năm qua đều được hào giải thành.

Mong rằng, ngày càng có nhiều HGV làm tốt công tác hòa giải như ông Nguyễn Lê Uy Vũ để cuộc sống của người dân ở cơ sở luôn được bình yên, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được truyền tải kịp thời, đi vào cuộc sống.

Hải Dương

Đọc thêm