Bạn đọc từ địa chỉ email vungoc....@gmail.com hỏi: Tôi là nguyên đơn trong vụ án dân sự, TAND Tối cao đã xét xử phúc thẩm tuyên tôi thắng kiện và Cơ quan THADS đã cưỡng chế thi hành án, giao toàn bộ diện tích đất cho gia đình tôi. Bản án sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm. Sau mấy năm TAND Tối cao lại kháng nghị giám đốc thẩm giao TAND TP Hà Nội xét xử lại để làm rõ thêm một vài vấn đề.
Tuy nhiên, trong khi chờ TAND TP Hà Nội thụ lý lại, phía bị đơn lợi dụng đêm tối đã phá khoá, quây rào chiếm đoạt toàn bộ khuôn viên đất mà gia đình tôi đang quản lý. Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này tôi đã làm đơn tố cáo khẩn cấp đến UBND xã. Vậy cho tôi hỏi, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc này như thế nào? Tôi phải làm gì để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này?
- Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Công Ty Luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trường hợp người dân đã nhận thửa đất được thi hành án trên thực tế, nghĩa là bản án đã được thi hành. Khoản 4 Điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự quy định: Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị đương sự chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người nhận tài sản. Người nhận đã nhận tài sản có quyền yêu cầu UBND hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (VPHC) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hành vi xây dựng tường rào, lấn chiếm đất là vi phạm quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương có trách nhiệm xử phạt VPHC đối với hành vi lấn chiếm đất và hành vi xây tường rào cản trở cho việc sử dụng đất của người khác theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể: Điều 10 Nghị định 102/2014 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi lấn chiếm đất. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi lấn chiếm đất. Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
Điều 11 Nghị định 102/2014 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy khu vực đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Biện pháp khắc phục bao gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Nếu người lấn chiếm đất cố tình không chấp hành thì chính quyền địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế.
Để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, LS Hùng cho biết, trước tiên người dân cần yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp xử phạt người có hành vi lấn chiếm đất, xây dựng tường rào gây cản trở cho việc sử dụng đất. Đối với vụ việc đã cưỡng chế, bàn giao tài sản nhưng người vi phạm vẫn cố tình tái chiếm, dù đã được chính quyền địa phương can thiệp mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể xem xét, xử lý về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Cụ thể, Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đã bị xử phạt VPHC về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, nếu hành vi chiếm giữ trên có đủ yếu tố cấu thành Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự 2015, người dân có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.