Người dân ngại tố cáo các nhũng nhiễu về thủ tục hành chính

Còn ít người dân mạnh dạn phát hiện tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực để thông tin cho các cơ quan chức năng.

Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay nhưng hình như người dân chưa biết áp dụng để có thể tự bảo vệ mình?

Quyền phản ánh, kiến nghị bị lãng quên

Theo Nghị định số 20, cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.

Đồng thời, cá nhân, tổ chức cũng có thể đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.

Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính - ảnh minh họa


Có thể nói, Nghị định này đã tạo cơ chế pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong việc phản ánh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các quy định hành chính, trong đó có thủ tục hành chính như sự phức tạp của thủ tục, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong giải quyết công việc cho cá nhân tổ chức.

Qua đấy, người dân và doanh nghiệp thấy các quy định liên quan tới thủ tục hành chính mà không phù hợp về mặt văn bản thì sẽ bổ sung, sửa đổi. Còn hành vi nhũng nhiễu thì xử lý theo thẩm quyền của các cơ quan để từ đó giúp người dân, doanh nghiệp làm ăn thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, sau thời gian 2 năm đi vào cuộc sống, không có mấy người để ý tới Nghị định này, nếu không muốn nói là quên lãng. Chỉ tới khi Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính được triển khai rầm rộ và đang bước vào giai đoạn nước rút – giai đoạn thực thi các phương án đơn giản hóa thì người ta sực nhớ ra và nhắc tới Nghị định 20 nhiều hơn!

Lỗi do truyền thông?

Ông Ngô Hải Phan - Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng Chính phủ lý giải, một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa hiểu mấy về Nghị định 20 có thể là do công tác truyền thông chưa tốt khiến người dân chưa biết được.

Theo ông Phan, đã có Bộ thủ tục hành chính với hơn 5.500 thủ tục được công bố cũng như đã có cơ chế phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng để xem các cơ quan làm có đúng hay không nhưng vấn đề hiện nay là phải tăng cường truyền thông giúp người dân hiểu hơn về quyền lợi của mình để tự bảo vệ mình một cách tốt nhất.

Nghị định 20 vốn chỉ là một văn bản nằm trong chùm văn bản của Đề án 30. Cùng với Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính, đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Thủ tục là phương tiện để đưa chính sách vào cuộc sống, đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân”, ông Phan quan niệm. Cơ chế pháp lý có rồi nhưng để người dân biết và tự bảo vệ mình, qua đó phát hiện tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực để thông tin cho các cơ quan chức năng lại là câu chuyện khác. Hơn nữa, tâm lý của người dân nhiều khi cũng ngại phản ánh tới các cơ quan hành chính là yếu tố phải tính đến.

Nhưng dễ dàng thấy rằng, không phải tất cả các thủ tục đều được người dân quan tâm và theo dõi mà chỉ những thủ tục tác động mạnh đến họ thì mới được “để mắt”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng, bao giờ cũng phải ưu tiên chọn thủ tục có đối tượng tuân thủ lớn, chi phí tuân thủ cao để cắt giảm.

Chẳng hạn như thủ tục thuế, cả nước có tới trên 300 nghìn doanh nghiệp thì chỉ riêng giảm tần suất báo cáo thuế đã giảm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp rồi. Ngoài ra, các thủ tục hải quan, đất đai, xây dựng… cũng là những thủ tục liên quan nhiều đến người dân, cần kịp thời cắt giảm để tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. 

Hoàng Thư

Đọc thêm