Người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Phải báo cáo tình hình học tập, rèn luyện

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội và sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4/2012.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội và sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4/2012.

Phải thường xuyên kiểm điểm

Theo quy định, thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đối với người chưa thành niên phạm tội được tính từ ngày người được giáo dục có mặt tại trụ sở UBND cấp xã hoặc tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục người được giáo dục để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giáo dục tại cấp xã.

Ảnh minh họa

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại cấp xã, người được giáo dục được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, cấp Giấy chứng minh nhân dân, khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Người được giáo dục nếu chưa biết chữ hoặc chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở có quyền đề nghị và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giáo dục vào học tập, đào tạo...

Bên cạnh đó, người được giáo dục phải có nghĩa vụ làm Bản cam kết sửa chữa sai phạm, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực thực hiện nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tham gia lao động trực tiếp gửi Chủ tịch UBND cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường nơi được giao giám sát, giáo dục và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình.

Ngoài ra, hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình. Ba tháng một lần, phải làm bản tự kiểm điểm về việc thực hiện cam kết gửi UBND cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường được chỉ định giám sát, giáo dục.

Bản tự kiểm điểm phải có ý kiến nhận xét của người trực tiếp được giao giám sát, giáo dục. Đối với ngngười dưới 16 tuổi, bản tự kiểm điểm phải có thêm ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Nghị định cũng nêu rõ, UBND cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và cá nhân được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình, thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Mỗi tháng một lần, cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

Vi phạm 3 lần trở lên: áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại cấp xã, nếu người được giáo dục không thực sự tiến bộ, có hành vi vi phạm pháp luật hoặc nghĩ vụ theo quy định, đã được nhắn nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì UBND cấp xã hoặc tổ chức xã hội hoặc nhà trường và người được giao giám sát, giáo dục phải tổ chức cuộc họp tịa đơn vị dân cư cơ sở để kiểm điểm người được giáo dục và có biện pahp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho phù hợp.

Trường hợp người được giáo dục vi phạm có tính chất thường xuyên, đã được kiểm điểm, giáo dục từ 3 lần trở lên trong thời gian 12 tháng, đến khi hết thời hạn giáo dục tại cấp xã mà vẫn không chịu sửa chữa, không tiến bộ, tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ, báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Khi người được giáo dục đã chấp hành được một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Nếu người được giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú hoặc có lý do chính đáng như đi học tập, có việc làm ổn định mà phải tạm trú ở địa phương khác từ 3 tháng trở lên thì người được giáo dục phải làm đơn đề nghị, ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú, có ý kiến của tổ chức xã hội, nhà trường và người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với người dưới 16 tuổi thì phải có thêm ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó) gửi Chủ tịch UBND cấp xã nơi người được giáo dục cư trú.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của người được giáo dục, Chủ tịch UBND cấp xã phải xem xét, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Đông Quang