Sở dĩ Thủ tướng có yêu cầu như vậy là xuất phát từ tình trạng thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế khiến dư luận bất bình, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý triệt để nhằm chấm dứt hành vi phản cảm này.
Vi phạm pháp luật, trái đạo đức
Gần đây nhất, ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết nguyên đán), bác sĩ Phạm Hải Ninh (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) và bác sĩ Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) của Bệnh viện (BV) Sản Nhi Yên Bái khi làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chồng của sản phụ đã trèo lên lan can quay phim, chụp ảnh. Khi bị nhắc nhở, người chồng chửi bới rồi cùng các đối tượng khác lao vào hành hung dã man, gây thương tích nặng cho 2 bác sĩ Ninh và Trung.
Trước đó, ngày 23/10/2017, bác sĩ Trần Văn Sơn khi đang trực cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh. Nguyên do chỉ vì bác sĩ Sơn ngăn người này đến BV hành hung bệnh nhân khác.
Cũng vào tháng 10/2017, chị Trần Thị Thanh Hải - Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (SN 1991) chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Hương Khê.
Nguyên nhân là do Xuân Hải đến truyền dịch nhưng nồng nặc mùi rượu nên chị Thanh Hải từ chối. Bực tức, Xuân Hải về nhà lấy dao vào chém chị.
Trước nữa, ngày 16/6/2017, tại BV Thể thao Việt Nam (Hà Nội), bác sĩ Phạm Đình Vinh, công tác tại Khoa Y học cổ truyền, đã bị 2 thanh niên hành hung ngay trước cổng. Không chỉ vậy, 2 thanh niên này còn đưa bác sĩ vào trong bệnh viện, bắt quỳ xin lỗi.
Thống kê trong 2 năm 2013 - 2014 cho biết mới có 14 vụ việc lớn liên quan đến hành hung bác sĩ, trong đó có bác sĩ bị chấn thương nặng. Thậm chí một bác sĩ ở Vũ Thư (Thái Bình) đã bị người nhà bệnh nhân hành hung đến tử vong. Đến năm 2017 đã có 25 vụ hành hung trong BV được cơ quan công an thụ lý. Hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, cho thấy mức độ đáng báo động của nạn bạo hành trong BV.
Nhớ lại câu chuyện cười ra nước mắt nhưng có thật trong Chương trình "Gặp nhau cuối năm" (Táo quân 2018) trên VTV, trong đó khắc họa hình ảnh "táo" y tế đi chân đất trong lúc khám chữa bệnh. Người xem khá bất ngờ khi cuối cùng hiểu ra rằng mục đích của "táo" này không phải để bảo đảm tiến độ công việc mà chỉ để... chạy thoát thật nhanh nếu chẳng may bị tấn công.
Tình trạng bạo hành với nhân viên y tế giờ đây đã là chuyện cơm bữa, khiến những người thầy thuốc luôn cảm thấy bất an.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi (BV Bạch Mai, Hà Nội) còn cho biết, người bệnh tấn công nhân viên y tế thì không chỉ gây tổn thương cho cá nhân mà còn khiến người bệnh khác hoang mang, đồng thời làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Từ góc độ người làm nghề, giáo sư Trần Quỵ, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) từng thừa nhận, sai sót và tai biến y khoa luôn xảy ra và khó tránh khỏi. Đây là vấn đề quan tâm toàn cầu, có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, tập trung nhiều nhất là ở khoa ngoại, cấp cứu, hậu phẫu.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức ngành Y chưa có.
"Ở Mỹ, thống kê cho thấy mỗi năm có đến 120.000 người chết do các sai sót trong y khoa, trong đó 30% do lỗi cá nhân y, bác sĩ và 70% do lỗi hệ thống. Nếu chúng ta không có cái nhìn khách quan, quy chụp cho cá nhân là điều không đúng. Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ nào về sai sót trong y khoa, song thực tế đã có không ít bài học đắt giá về vấn đề này" - giáo sư Quỵ dẫn chứng.
Phải coi người bệnh là khách hàng
Trước nạn hành hung nhân viên y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng để hạn chế tình trạng này, phải có công an "cắm chốt" tại BV vì nếu chỉ riêng bảo vệ thì chưa đủ.
Bộ Y tế từng có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an "nhờ" lực lượng công an tăng cường kiểm soát trật tự trong BV và bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh như các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh… Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, khi nào có văn bản cụ thể thì sẽ giao cho các đơn vị chức năng thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài ra, từ ngày 1/7/2018, Luật về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ có hiệu lực và quy định cụ thể hóa hơn đối với từng lực lượng bảo vệ.
"Từ trước tới nay lực lượng công an địa phương vẫn có quy chế phối hợp bảo vệ các BV. Trong trường hợp công an cắm chốt tại các BV phải đúng theo quy định theo luật" - Thiếu tướng Quang nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cũng chỉ ra 3 khu vực dễ xảy ra bạo hành đối với nhân viên y tế gồm khu cấp cứu, khoa nhi và khu vực điều trị bệnh nhân tâm thần. Tại một cuộc hội thảo trước đó, để bảo vệ y bác sĩ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề xuất các nhóm giải pháp ở 6 góc độ: thầy thuốc, BV, ngành Y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân, trước hết thầy thuốc phải xem lại mình. Chúng ta chăm sóc và điều trị người bệnh chứ không phải chỉ điều trị bệnh. Quan điểm ban ơn, làm ơn vẫn còn có, điều này cần thay đổi, phải coi người bệnh là trung tâm, là khách hàng" - vị Phó Cục trưởng nhấn mạnh.
Trở lại với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thăm, làm việc tại BV Chợ Rẫy (TP HCM) nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương, ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của thầy thuốc và nhân viên của ngành y tế.
Thủ tướng cũng lưu ý việc quản trị BV, bảo đảm an ninh, an toàn trong BV, không để xảy ra những vụ việc không đáng có, trong đó sớm khắc phục một số tiêu cực trong một số BV như độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần BV (xe cứu thương, xe taxi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ an ninh…).