Vụ án chấn động
Theo hồ sơ, năm 1999, Khiêm lấy vợ là chị Lò Thị Chung và ở rể. Năm 2000, vợ chồng Khiêm sinh con và ra ở riêng, sau một thời gian hai người phát sinh mâu thuẫn khi Khiêm nghe tin vợ mình có quan hệ bất chính với người cùng bản và thường thấy vợ mình có nhiều tin nhắn trong điện thoại, nhưng lại không cho xem nên Khiêm càng nghi ngờ.
Tối 7/3/2013, tại nhà văn hóa bản Mơ Tươi có buổi giao lưu văn nghệ, chị Chung được Chi hội Phụ nữ giao nhiệm vụ rót nước tiếp khách và giao lưu văn nghệ. Tối đó, tại gia đình Khiêm tổ chức ăn cơm, uống rượu, chị Chung ăn xong trước và đến nhà văn hóa để tiếp khách. Đến khoảng 21 giờ, mọi người ăn xong và ra về thì Khiêm đến nhà văn hóa để xem văn nghệ.
Gần đến nơi, Khiêm thấy chị Chung cầm ấm nước đi sang nhà bố mẹ của Khiêm (đối diện nhà văn hóa) lấy nước. Chị Chung vừa đi vừa bấm điện thoại, Khiêm nghi ngờ vợ mình đang nhắn tin cho người đàn ông khác, do uống nhiều rượu nên nảy sinh ý định giết chị Chung.
Khi thấy chị Chung đi qua bể nước nhà ông Phúc (bố đẻ Khiêm), Khiêm liền theo sau và vào bếp nhà ông Phúc lấy một con dao cán nhựa dài khoảng 40cm rồi tiến ra phía chị Chung chém nhiều nhát vào vùng đầu, vùng cổ vợ mình. Sau đó quay lại bể nước rửa chân tay và con dao dính máu, nhặt điện thoại của chị Chung ném về phía hủm Măng Đắng, bỏ lại con dao gây án vào chỗ cũ.
Về đến nhà Khiêm vào nhà tắm, giặt chiếc áo sơ mi đang mặc. Lúc này khoảng 22h, thấy con trai và đứa cháu chưa đi chơi về, Khiêm đi lên nhà lấy một chiếc áo khoác màu đen mặc rồi đi sang quán nhà ông Phúc thì thấy một nhóm thanh niên đang nhậu, Khiêm mua thêm nửa lít rượu rồi vào cùng uống.
Uống hết rượu thì cả nhóm đến nhà văn hóa xem văn nghệ. Khiêm ngồi ở ngoài một lúc thì đi bộ về nhà thấy con, cháu xem tivi nên giục đi ngủ. Đến khoảng 0 giờ ngày 8/3/2013, thấy mọi người trong nhà đã ngủ hết, Khiêm lấy xe gắn máy và mang theo 2 bao tải chạy tới chỗ xác chị Chung rồi mang chôn giấu ở gốc cây Cơi bên bờ suối bản Mơ Tươi rồi quay về nhà.
Đến sáng, Khiêm thông báo cho mọi người trong gia đình biết tối hôm trước chị Chung không về nhà, đồng thời báo chính quyền địa phương về sự mất tích của vợ nhằm đánh lạc hướng. Chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức truy tìm, đến 16h ngày 10/3/2013 thì phát hiện xác chị Chung dưới gốc cây Cơi. Ngày 2/4/2013, Vì Văn Khiêm bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ.
Kêu oan
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/4/2014, Khiêm bị HĐXX TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”. Sau đó Khiêm kháng cáo, kêu oan, đồng thời đại diện phía bị hại cũng kháng cáo kêu oan cho Khiêm, rằng: vụ án còn nhiều chứng cứ, tình tiết chưa được làm rõ và nghi ngờ thủ phạm là người khác; cơ quan tố tụng không đưa Khiêm thực nghiệm tại hiện trường; chưa làm rõ được các số điện thoại và tin nhắn đến số điện thoại của chị Chung trong ngày và đêm bị sát hại; vết máu tại hiện trường không có kết luận có phải máu của bị hại hay không?...
Ngày 20/4/2015, tại trụ sở TAND tỉnh Sơn La, Tòa phúc thẩm TANDTC đưa vụ án ra xét xử bác kháng cáo của Khiêm, tuyên y án sơ thẩm.
Nhiều tình tiết cần được làm rõ?
Tại phiên tòa phúc thẩm, trước vành móng ngựa bị cáo Khiêm đã một mực phủ nhận mình giết chị Chung và khẳng định mình bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình về tội giết người là oan sai.
Sau phiên tòa phúc thẩm, ông Vì Văn Phúc, bà Lò Thị Quý (bố mẹ đẻ của bị án Khiêm), bà Hoàng Thị Đánh (mẹ đẻ nạn nhân) cùng Luật sư Vũ Đức Thuận (Văn phòng Luật sư Thăng Long – Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La - người bào chữa cho Khiêm tại phiên tòa phúc thẩm) đã gửi hàng trăm lá đơn đơn kêu oan đến VKSNDTC, TANDTC cùng các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại toàn diện vụ án vì có nhiều mờ ám, uẩn khúc như: Ngày 2/4/2013, Khiêm bị tạm giam để điều tra, nhưng đối chiếu lời khai của Khiêm và hồ sơ vụ án (Bút lục 233 đến 310) thể hiện cơ quan điều tra liên tục lấy lời khai của Khiêm từ ngày 9/3/2013 đến ngày 30/3/2013, nhưng không có bất cứ quyết định tạm giữ, tạm giam đối với Khiêm… Trong quá trình tạm giữ, lấy lời khai Khiêm bị đánh đập, ép cung, dùng nhục hình...
Biên bản khám xét của cơ quan điều tra chỉ tiến hành tạm giữ đồ vật, tài liệu, không niêm phong con dao gây án và chiếc áo được cho là Khiêm đã mặc trước sự có mặt của chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, chính quyền và người chứng kiến theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS)...
Con dao có 5 Locugen và chiếc áo bị cáo mặc có 8 Locugen máu của nạn nhân, tổ chức giám định cho rằng vì lượng dấu vết ít, chất lượng dấu vết kém nên không truy nguyên được tất cả các kiểu gen (BL 68, 69). Con dao và chiếc áo sau 14 ngày mới được thu giữ và trong thời gian này gia đình ông Phúc đã sử dụng để giết mổ động vật, đi phát cây cối ở hiện trường xảy ra vụ án nơi có nhiều vết máu của nạn nhân. Chiếc áo phông được bà Hoàng Thị Đánh (mẹ nạn nhân) xếp ở hiên nhà nạn nhân cũng là nơi làm thủ tục mai táng cho nạn nhân sau khi nạn nhân được mổ khám nghiệm tử thi…
“Như vậy, việc vô tình có vài phân tử máu của nạn nhân dính trên vật chứng khi những vật này có điều kiện, trực tiếp tiếp xúc với hiện trường vụ án hoặc ở ngay hiện trường vụ án với hàng trăm người xem và làm thủ tục ma chay theo phong tục cần phải được đặt ra. Bên cạnh đó, việc giám hộ cho con của bị cáo Khiêm cũng chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 135 BLTTHS…”, Luật sư Vũ Đức Thuận đặt câu hỏi.
Điều kỳ lạ trong vụ án này là suốt 3 năm qua, bà Hoàng Thị Đánh, mẹ đẻ của nạn nhân Lò Thị Chung lại là người tích cực gửi đơn đến nhiều cấp để kêu oan cho Vì Văn Khiêm. “Tôi không tin Khiêm là thủ phạm giết hại Chung. Ngay sau phiên tòa phúc thẩm tôi đã liên tiếp gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng để kêu oan cho Khiêm. Là mẹ đẻ của Chung, đại diện gia đình người bị hại, hơn ai hết chúng tôi là người mong muốn tìm ra hung thủ. Nếu Khiêm thực sự là thủ phạm, không có lý gì suốt 3 năm nay tôi đi kêu oan cho Khiêm”, bà Đánh cho biết.
Liên quan đến vụ án này, ngày 25/4/2016 TANDTC có Công văn số 24/TA-V1 trả lời đơn của ông Phúc và bà Quý với nội dung: ông Phúc, bà Quý cho rằng Vì Văn Khiêm có bằng chứng ngoại phạm: Vào lúc 21h 30 Khiêm đang uống rượu cùng Quách Văn Vượt, Lò Văn Xuân, Lò Văn Vân ở tại nhà Khiêm còn Lò Thị Chung lúc đó đang xách ấm nước đi về phía bể nước (có vợ chồng em vợ là Quách Văn Vượt và chị Lò Thị Bảy làm chứng là không đúng vì căn cứ vào lời khai của Quách Văn Vượt, Lò Thị Bảy, Lò Văn Vân tại cơ quan điều tra thì Quách Văn Vượt đã về nhà vào khoảng 21h chứ không phải 21h30...; đối với con dao, chiếc áo được cho là dính 5 Locugen máu của chị Chung, 14 ngày sau mới được thu giữ và khi thu giữ không niêm phong lại được xác định là Khiêm đã mặc và sử dụng để giết chị Chung: Khi thu giữ con dao mũi nhọn, chuôi bằng nhựa màu nâu có khắc chữ Vi Văn Luyện thu tại nhà ông Quý và chiếc áo phông nam cộc tay màu trắng, cổ viền màu xanh tím thu tại nhà Khiêm, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La có lập biên bản khám xét và biên bản niêm phong đúng quy định của pháp luật về bảo quản vật chứng...
Đối với khiếu nại về việc Khiêm bị khởi tố về tội “Giết người” với khung hình phạt là tử hình mà không có luật sư tham gia từ khi bị khởi tố nên trong khoảng thời gian này Khiêm bị ép cung, khi khám xét nhà của Khiêm thì không có Khiêm chứng kiến: Quyết định khởi tố bị can của Khiêm vào ngày 1/4/2013, ngày 24/4/2013 có luật sư tham gia lấy lời khai như vậy vẫn phù hợp với quy định tại Điều 57, 58 BLTTHS... Tại Biên bản khám xét nhà của Khiêm có sự chứng kiến của ông Vì Văn Liêm là người đại diện gia đình và ông Vì Văn Tiến, bà Hoàng Thị Đánh là người cùng bản. Như vậy đúng với quy định Điều 143 BLTTHS.
Tuy nhiên ông Phúc, bà Quý cho biết: Trong hồ sơ vụ án, tại các bút lục từ 426+428 lời khai của Lò Thị Bảy thấy Lò Thị Chung đi lấy nước khoảng 21h, sau đó Bảy gọi điện cho chồng là Quách Văn Vượt xuống đón con vào khoảng 21h30; tại Bút lục 404, lời khai của Vượt khoảng 21h30 vợ tôi gọi điện xuống đón con...”. Như vậy việc cho rằng Vượt về đến nhà vào khoảng 21h là không đúng, trong lúc này Vượt, Khiêm và Xuân vẫn ngồi uống rượu tại nhà Khiêm là một minh chứng cho việc ngoại phạm của Khiêm”, ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, đối với con dao, chiếc áo 14 ngày sau mới được thu giữ và khi thu giữ không niêm phong lại được xác định là Khiêm đã mặc và sử dụng để giết chị Chung, trong thời gian này con dao được gia đình sử dụng liên tục, dùng để giết mổ động vật trong thời gian tìm kiếm và làm đám tang cho chị Chung và được công an và dân quân đem đi phát dọn hiện trường xảy ra vụ án, nơi có nhiều máu của nạn nhân và được nhiều người sử dụng. Đối với chiếc áo có dính 8 Locugen máu của nạn nhân, hôm khám xét nhà Khiêm ngày 21/3/2013, bà Đánh để ngoài hiên nhà nạn nhân cũng là nơi mai táng sau khi nạn nhân được mổ khám nghiệm tử thi…
“Việc cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng dựa vào vật chứng là con dao và chiếc áo để kết tội Khiêm là hết sức chủ quan. Hơn nữa việc TANDTC cho rằng khi khám xét nhà Khiêm đã có sự chứng kiến của Liêm là đại diện gia đình là không đúng vì Liêm mặc dù là em trai nhưng đã ở riêng và không cùng chung hộ như vậy là đã vi phạm vào Điều 143 BLTTHS”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trong vụ án này việc thu thập chứng cứ, vật chứng của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã không kịp thời và đúng theo quy định. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án nhiều chứng cứ, vật chứng để buộc tội Khiêm cũng chưa được các cấp tòa xem xét toàn diện và làm rõ như: Đến nay chưa làm rõ được bộ quần áo của Khiêm khai mặc đi giết vợ, chiếc điện thoại của chị Chung hiện ở đâu và số điện thoại gọi đi và đến trong điện thoại của chị Chung như thế nào...
Cho rằng vụ án còn nhiều uẩn khúc, ông Vì Văn Phúc, bà Lò Thị Quý tiếp tục có đơn kêu oan gửi VKSNDTC, TANDTC đề nghị xem xét lại toàn toàn bộ vụ án này.