Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời 'điểm nóng' dư luận

(PLO) - Chiều 22/9, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Hải Bình đã trả lời nhiều câu hỏi đang 'làm nóng' dư luận.

Trả lời câu hỏi giả thiết về ông Trịnh Xuân Thanh, người vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và phát lệnh truy nã trong nước và quốc tế, đang trốn ở nước ngoài: "Nếu bị can Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ ở một quốc gia chưa ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với VN, quá trình pháp lý sẽ được xử lý như thế nào."

Người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Hải Bình cho biết sẽ chuyển câu hỏi đến các cơ quan chức năng có liên quan của VN. Ông nhấn mạnh: "Tuy nhiên, như tôi được biết, các cơ quan chức năng liên quan của VN đang phối hợp với nhau và phối hợp với các cơ quan liên quan quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc này”.

Liên quan đến thông tin mới đây Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo nước này sẽ tăng cường tuần tra chung với Hoa Kỳ trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình thể hiện quan điểm của Bộ ngoại giao: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên đều phải có đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn đinh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông. Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của khu vực cũng như trên thế giới, vì vậy, các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích cũng như phần trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này”.

Về việc Đài Loan âm thầm xây dựng một số cơ sở trên đảo Ba Bình tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, Người phát ngôn cho biết: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này. Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa. Vì vậy, việc phía Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này”.

Về việc Trung Quốc và Nga tổ chức tập trận chung trên Biển Đông, ông Bình khẳng định: “Là quốc gia ven biển và cũng là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động, bao gồm cả các hoạt động quân sự tại khu vực Biển Đông, cần phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cũng mong tất cả các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông cũng như ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Đề cập tới phản ứng của Việt Nam trước phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại Trung Quốc về việc Nga không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng:

“Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đề cao sự tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Đọc thêm