Người tiêu dùng mắc bẫy vì thông tin gạo thảo dược chữa được bách bệnh

(PLO) -Hiện nay, thị trường đang loạn sản phẩm gạo thảo dược được quảng cáo “sạch” và chữa được bách bệnh, trong đó có cả ung thư. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, đó chỉ là những lời quảng cáo thiếu cơ sở khoa học, nhằm đẩy giá gạo lên cao bẫy người tiêu dùng.

Lăng xê chữa bách bệnh

Trên thị trường hiện nay có hàng tá thương hiệu gạo gạo thảo dược như: gạo Hoa Sữa, gạo Hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng, gạo Quế Lâm, gạo Hoàng Gia… Thời gian gần đây, những lời đồn thổi về khả năng chữa bách bệnh của loại gạo này đã khiến nhiều người tìm đến gạo giống như “cứu cánh”.

Bà Nguyễn Thị Xô (62 tuổi, Kim Mã, Ba Đình), đang chọn mua gạo thảo dược tại một cửa hàng chia sẻ: “Khoảng một tháng trở lại đây tôi chỉ ăn cơm gạo lứt huyết rồng. Tôi bị bệnh tiểu đường nên loại dùng loại gạo này rất tốt. Nghe bảo, loại gạo này còn khắc chế được bệnh ung thư nên tôi mua biếu chị gái đang bị mắc bệnh ung thư vài cân dùng thử”.

Chị Nguyễn Thu Thủy (ở Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mẹ chị bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Bác sĩ khuyên cần thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế tinh bột. Nghe bạn bè giới thiệu, chị đã mua gạo mầm về cho mẹ dùng thử. Chị nói chưa biết tác dụng như thế nào nhưng với gạo này mẹ chị chỉ ăn một bát là no. Do vậy, bước đầu mẹ chị đã giảm được lượng tinh bột nạp vào cơ thể.

“Trước đây gia đình tôi chuyên dùng gạo Tám Thái Lan. Nhưng thời gian gần đây nhà tôi chuyển sang dùng gạo thảo dược vì nghe đồn thổi nó có khả năng chữa nhiều bệnh và kháng được ung thư. Tuy gạo này đắt nhưng nghĩ tốt cho sức khỏe nên gia đình vẫn duy trì sử dụng”, chị Lê Thanh Mùi (ở Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ.

Gạo lứt huyết rồng được quảng bá như thảo dược

Giống chị Mùi, anh Nguyễn Quyết Thắng (ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) cho hay, nghe quảng cáo gạo lứt có tác dụng tốt cho người bệnh, người già nên đã mua về cho bố mẹ ở quê dùng. Nghe bố mẹ anh nói khi ăn vào thấy nhẹ bụng hơn ăn cơm thường, còn chữa được bệnh thật hay không thì chưa rõ.

Theo ghi nhận của phóng viên, các loại “siêu” gạo này được bán tại nhiều nơi ở Hà Nội, tại các cửa hàng, một số siêu thị, ngoài chợ và trên một số trang mạng. Chúng được các đại lý, người bán quảng cáo như những phương thuốc thần kỳ, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.

Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, các sản phẩm gạo thảo dược có nhãn mác nhưng không có chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng. Các sản phẩm được rang, đóng gói theo phương pháp thủ công, chất lượng và độ an toàn của hàng hóa đều dựa trên sự tin tưởng và lời giới thiệu của người bán hàng.

Bao bì các sản phẩm gạo lứt thường được in ấn tự phát, cung cấp các thông tin như thành phần, công dụng, cách dùng, địa chỉ nhưng không có thông tin an toàn, chứng nhận cấp phép hay tiêu chuẩn chất lượng.

Chị H, chủ cửa hàng gạo tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đon đả nói với phóng viên: “Chị thấy mọi người bảo gạo thảo dược có chức năng chữa nhiều loại bệnh. Gần đây thấy báo chí đưa tin ầm ĩ về thực phẩm bẩn, rồi khách hỏi nhiều nên chị mới nhập về bán”.

“Gạo bình thường giờ chỉ dùng cho sinh viên thôi. Bây giờ là thời đại của ăn ngon mặc đẹp rồi. Những người đi làm, có điều kiện như bọn em nên tìm đến gạo thảo dược mà dùng. Gạo ăn vừa ngon, vừa có thể chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe. Nhà chị có những khách hàng quen thường xuyên ra mua gạo lứt về ăn thay những loại gạo bình thường”, chị H tiếp lời.

Theo quan sát, đại lý này vừa bán buôn, vừa bán lẻ nhiều chủng loại gạo thảo dược. Nhiều loại gạo được đóng trong các túi nhỏ với trọng lượng khác nhau, dễ dàng cho người mua lựa chọn. Cũng có nhiều loại gạo bày ra các chậu nhôm lớn, phía trên có một tấm biển nhỏ bằng bìa catton ghi giá thành/kg.

Bằng mắt thường có thể thấy, các loại gạo này có hạt to gấp rưỡi gạo bình thường. Đặc điểm khác biệt nhất đó là chúng không phải màu trắng, trong như gạo thường mà hầu hết đều có màu tím, một số khác có màu xanh nước biển. Một đầu của các hạt gạo này lộ ra màu trắng.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được chị H “bật mí”, nhiều chủ cửa hàng gạo còn tạo ra những thương hiệu sản phẩm mới với những cái tên mỹ miều và những lời quảng cáo có cánh về tác dụng bằng cách trộn hai loại gạo quen thuộc với nhau.

Tại một cửa hàng gạo ở chợ Nghĩa Đô, Cầu Giấy, người bán hàng ra sức quảng cáo, ăn gạo lứt huyết rồng ngoài việc giúp phòng chống các bệnh về tim mạch, đường ruột thì loại gạo này còn có tác dụng chống lại các bệnh xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

Trong khi đó, gạo hữu cơ Hoa Sữa được một chủ cửa hàng kinh doanh gạo tại chợ Bưởi (Tây Hồ) quảng cáo với những công dụng thần kỳ như: “Gạo có tác dụng phòng chống và hỗ trợ điều trị bệnh, như hạ chỉ số đường huyết, chỉ số mỡ máu…”, dù trên bao bì sản phẩm không hề nêu công dụng như vậy.

Thậm chí, người này còn “mách nước”, nếu mua gạo với nhu cầu chữa bệnh thì có thể nói qua về sức khỏe của người nhà, sẽ được giới thiệu loại gạo phù hợp với người bệnh.

Tại một cửa hàng trong ngõ nhỏ phố Thái Hà, Hà Nội, chủ cửa hàng khẳng định gạo lứt chữa được nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Cô cho biết, mẹ chồng cô mắc rất nhiều bệnh như ung thư, đau khớp.. Khi chúng tôi đề nghị được gặp bà cụ thì cô chủ lảng tránh, nói rằng bà cụ ít tiếp xúc với người lạ và việc đi lại của bà cụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được một số chủ cửa hàng quảng cáo một loại gạo có xuất xứ từ Nhật Bản, được gọi với cái tên gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch!

Đắt gấp nhiều lần gạo bình thường

Tiếp tục trong vai người mua gạo, chúng tôi liên hệ với một chủ cửa hàng kinh doanh gạo trên mạng trong ngõ của phố Thái Thịnh. Anh này cho biết, gạo lứt mà cửa hàng này bán được đưa từ Thái Bình lên, được chế biến thành các sản phẩm như gạo lứt rang, trà gạo lứt, dấm gạo lứt… Người này còn quảng cáo đã có rất nhiều người đến cửa hàng mua gạo lứt và đã chữa khỏi nhiều bệnh.

Các sản phẩm từ gạo lứt được nhiều người bán rao trên mạng với lời mời chào hấp dẫn dành cho các chị em mong muốn giảm cân, đẹp dáng như “sau 1 tháng ăn gạo lứt có thể giảm từ 3 đến 6 kg”.

Trên một số diễn đàn mạng, phóng viên cũng đã liên hệ với một vài số điện thoại đường dây nóng rao bán sản phẩm gạo lứt đỏ, “gạo chữa bách bệnh” thì đều được tư vấn về công dụng “trên trời”. Theo công dụng từ lời quảng cáo của người bán gạo, không ít người đã đặt hàng mua sản phẩm này.

Nhiều người bán nhiệt tình giới thiệu, gạo mầm là một loại thực phẩm chức năng mới xuất hiện tại Việt Nam. Ngoài các công dụng làm đẹp da, giảm cân thì gạo mầm có thể chữa được rất nhiều bệnh như huyết áp, đái tháo đường, đau dạ dày, phòng, chữa ung thư… Cũng theo người bán, hiện cửa hàng có bán nhiều loại gạo mầm như gạo mầm Vinataba, gạo mầm đỏ omegaba An Giang, gạo mầm Nutigaba…

Đáng chú ý, trang web gaophuongnam.vn của Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam còn quảng cáo về công dụng thần kỳ gạo tím than Sóc Trăng như: “Theo kết quả phân tích của phòng thí nghiệm FDC, Canada và viện Thực phẩm quốc gia Nhật Bản do TS. Lê Văn Tố ở Trung tâm Công nghệ sau thu hoạch TP.HCM công bố thì gạo Tím Sóc Trăng giàu Anthocyanin phòng chống ung thư, giàu canxi, phòng chống bệnh suy giảm trí nhớ…”.

Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Trung tâm Công nghệ sau thu hoạch TP.HCM thì nhân viên ở đây cho biết “không có ai là TS. Lê Văn Tố cả”.

Đặc biệt, một số chuyên gia về nông nghiệp khi được hỏi cũng chưa hề biết đến sự tồn tại của loại gạo nói trên. PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng viện Cây lương thực và cây thực phẩm tỏ ra bất ngờ trước thông tin mà phóng viên cung cấp: “Lần đầu tiên tôi nghe nói đến gạo mầm nên chưa nắm được thông tin về nó. Trước đây chúng tôi có dùng gạo mầm để làm men đường mạch nha, chứ chưa bao giờ nghiên cứu để đưa vào sử dụng trong thực phẩm”.

Tuy chưa rõ công dụng thực hư nhưng gạo thảo dược đã được thổi giá cao gấp nhiều lần so với các loại gạo thường trên thị trường. Theo khảo sát, giá một kg gạo thường trên thị trường có giá 10.000-26.000đ/kg thì gạo mầm có giá từ 65.000-200.000đ/kg tùy loại, tùy cửa hàng.

Để làm rõ hơn về nguyên nhân khiến các loại gạo thảo dược được bán giá tới hàng trăm nghìn/kg. Và chuyện đắt có “xắt ra miếng” với khả năng “thần dược” chữa bệnh của loại gạo này, chúng tôi đã chủ động liên hệ với một số đầu mối chuyên trồng lúa “dược liệu” để cung cấp cho thị trường. Qua tìm hiểu được biết, gạo này có giá “chát” như vậy một phần cũng vì lúa “dược liệu” đòi hỏi rất khắt khe về quy trình chăm sóc và thu hoạch.

Khi chúng tôi đề cập về vấn đề giá cả, một người mua chia sẻ: “Đắt nhưng yên tâm thì cũng được. Lâu nay tôi vẫn nghe nói ngay cả gạo cũng dùng hóa chất để bảo quản nên không còn giữ được hương vị, mùi thơm như trước đây. Hơn nữa, chuyện ăn uống bây giờ không còn như ngày xưa, ăn no đẫy bụng mà ăn lấy chất lượng là chính nên chuyện đắt hay rẻ không còn là vấn đề quá quan trọng”.

Các nhà khoa học khuyên thận trọng 

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ khoa học công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, từ trước đến nay, gạo lứt luôn được coi là một loại thực phẩm tốt và được nhiều người tin dùng.

Lợi dụng niềm tin ấy, nhiều người đã tung ra thị trường những loại sản phẩm khác như gạo mầm, gạo thảo dược với lời quảng cáo đầy hoa mỹ về tác dụng thần kì của nó. Đây là một chiêu thức đánh lừa lòng tin của người dân, biến gạo mầm trở thành một thứ xa xỉ để bán đắt hơn so với giá trị thực của chúng.

Mặt khác, TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo, gạo mầm nếu được ủ từ những loại gạo lứt kém chất lượng, nhiễm độc tố còn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

GS.TS sinh học, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi không hề tin vào những tác dụng thần kỳ của gạo thảo dược. Đó chỉ là một chiếc bánh vẽ do người bán tự sáng tạo ra chứ chưa có một tổ chức khoa học nào đứng ra thẩm định”.

Đồng quan điểm trên, GS Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, nói gạo thảo dược tốt cho sức khỏe là đúng vì dòng gạo này chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên việc nhiều người quảng cáo gạo “dược liệu” chữa ung thư, tiểu đường… là nói quá và không đúng bản chất.

Theo ông, thông thường, để khẳng định tác dụng thực sự của một loại thuốc, một loại thực phẩm nào đó, nhất là tác dụng chữa bệnh thì phải dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Cho tới thời điểm này chưa có đơn vị nào công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng tác dụng của gạo thảo dược.

“Đôi khi, người tiêu dùng bị tác động tâm lý, nghe người sản xuất quảng cáo nhiều, nghĩ là tốt, sau đó ăn sản phẩm và tự cho rằng nó có tác dụng chứ thực tế có thể không phải vậy”, GS Xuân nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo cũng cho biết thêm, bản chất, gạo lứt là loại không đánh bóng, có lớp vỏ cám bọc ngoài chứa một số vitamin tốt cho sức khỏe. Về màu gạo lứt, GS Xuân cho biết, đây cũng là “mẹo” để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Hiện, tại ngân hàng giống lúa của trường ĐH Cần Thơ có trên 3.000 loại với đủ các màu như đen, tím, đỏ… nên việc tạo màu cho gạo không khó.

Bác sĩ Trần Nhật Trường, bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội khẳng định: “Gạo không phải là thuốc, không thể chữa bệnh. Thậm chí một số loại gạo thảo dược nếu dùng thường xuyên sẽ bị thiếu chất trầm trọng, dẫn đến trí lực, thể lực suy giảm do gạo không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.

Hay như gạo “huyết rồng”, gạo này có chỉ số đường thuộc nhóm cao, không phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Nếu cứ tin quảng cáo có bệnh là chọn những loại gạo này ăn mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa thì rất dễ mang họa vào thân”.

Ông Cường khuyến cáo, người tiêu dùng không nên nhẹ dạ cả tin theo lời quảng cáo phi thực tế, chỉ ăn các loại “siêu” gạo này mà bỏ qua việc trị bệnh khiến bệnh càng thêm nặng và nguy hiểm đến tình mạng.

Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để sản xuất được gạo hữu cơ đạt chuẩn, nhà sản xuất phải sử dụng vùng đất chưa bị tác động bởi bất cứ yếu tố canh tác hóa học nào.

Sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng yêu cầu không chứa các loại hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, trừ cỏ, phân bón hóa học, biến đổi gen, phẩm màu, chất bảo quản… Những yêu cầu này sẽ được tổ chức cấp chứng nhận giám sát.

Hiện Bộ NN&PTNT chưa có quy chuẩn về chứng nhận hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn VietGAP, tức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn. “Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối rao bán gạo hữu cơ là không đúng, sản phẩm của họ mới dừng ở mức độ sản xuất theo hướng hữu cơ. Đó là hành vi không trung thực với người tiêu dùng, tuy nhiên, ngành nông nghiệp rất khó xử lý vì cũng chưa có bộ tiêu chuẩn hữu cơ để áp dụng”, ông Phạm Văn Dư nhìn nhận.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, có thể nhiều tiểu thương cố tình đồn thổi những tác dụng “thần thánh” của gạo thảo dược với mục đích đẩy giá lên cao để trục lợi. Do vậy, người dùng nên tìm hiểu kỹ về loại gạo này nếu có nhu cầu sử dụng, cũng như mua ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận và kiểm soát của tổ chức quốc tế.

Đọc thêm