Người tiêu dùng TP HCM thua thiệt đủ đường

Vừa phải “chống chọi” với tình trạng đội giá hằng ngày của các loại hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng vừa đối mặt với các loại hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng có mặt khắp TP HCM.

Vừa phải “chống chọi” với tình trạng đội giá hằng ngày của các loại hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng vừa đối mặt với các loại hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng có mặt khắp TP HCM.

Gas giả lộng hành

Tại TP HCM, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng vẫn được bày bán công khai ở cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và có đủ chiêu thức để “lấy lòng” người mua.

Công an quận Bình Thạnh mới kiểm tra điểm chứa gas trái phép số 54F - Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh phát hiện nơi đây đang sản xuất gas dởm.  Tại hiện trường có 6 bình gas thành phẩm đều thiếu trọng lượng, loại bình 12 kg nhưng khi kiểm tra chỉ còn 4,5 kg - 6 kg/bình. Ngoài gas thiếu trọng lượng, cơ quan chức năng còn thu giữ 50 kg tờ rơi dùng để thông tin khuyến mại,  gần 1.000 nút nhựa đầu van, màng co, tem chống giả của nhiều nhãn hiệu gas quen thuộc trên thị trường.

Trước đó, Công an quận 12 cũng phát hiện ba vụ vận chuyển, tàng trữ gas trái phép, thu giữ hơn 200 bình gas mang nhãn hiệu của hơn 10 hãng gas khác nhau, hơn 2.000 tem chống giả, 3.000 màng co, hàng trăm ron, nắp nhựa giả. Chi cục QLTT thành phố kiểm tra và phát hiện tại Nhà máy Đông Phương (ở KCN Nhị Xuân, huyện Hóc Môn) khoảng 2.000 vỏ bình gas của hàng chục hãng gas của các hãng khác. Tại hiện trường, nhiều vỏ bình đã bị đốt cháy đen lớp sơn bên ngoài, bị cắt đầu, cắt đế để xóa nhãn hiệu, kiểu dáng.

Cty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vinagas) ước tính, tỷ lệ vỏ bình gas quay về công ty chỉ khoảng 70%, số còn lại bị chiếm dụng. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chi hội Gas Miền Nam xác nhận, các công ty kinh doanh gas hiện đã đưa ra thị trường khoảng hơn 10 triệu vỏ bình, tuy nhiên hơn 3 triệu vỏ bình bị chiếm dụng. Số vỏ bình bị chiếm dụng này hiện đã bị hoán đổi tên tuổi, không được kiểm định trong nhiều năm, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, gas dởm hiện nay chiếm tới 30% thị phần. Không chỉ trốn thuế, các đối tượng kinh doanh gas dởm còn chiếm dụng của người tiêu dùng 10% thuế VAT với doanh số ước tính mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

Thực phẩm nhập lậu "vô tư"

Trước đó, Đội QLTT 5B phát hiện điểm chứa hàng số 47 và số 52 đường Triệu Quang Phục, phường 10 quận 5, tạm giữ 4.642 kg la hán quả, táo khô, mứt khoai lang do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không có hạn sử dụng. Kiểm tra Công ty Vinh Thăng tại số 9 đường số 48B, khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân và kho hàng của công ty tại  phường An Lạc, quận Bình Tân, lực lượng QLTT quận 5 cũng thu giữ 1.272 kg nấm đông cô, nấm mộc nhĩ trắng, hạt dẻ đều do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Thực phẩm nhập lậu chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng hiện lại đang chiếm thị phần rất lớn. Các biện pháp chế tài đối với người vận chuyển hàng nhập lậu còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc kiểm tra, phát hiện thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường chưa phát huy tác dụng do thiếu đồng bộ với hệ thống kiểm định phân tích mẫu, chỉ dựa trên tiêu chuẩn công bố của cơ sở” - ông Phạm Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thừa nhận.

Ngày 1/7, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành, đây là khung pháp lý để xử những hành vi buôn bán thực phẩm dỏm. Tuy nhiên theo giới chức ngành QLTT, cần sớm sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nhằm bổ sung, tăng thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng như chi cục ATVSTP, chi cục QLTT lên mức tối đa như chủ tịch UBND quận, huyện và chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở.

Mị Na

Đọc thêm