Pháp luật "xây hành lang" cho “oshin”

(PLO) - Năm 1994, bộ phim “Oshin” kể về chuyện đời cơ cực của một người giúp việc nhà được chiếu tại Việt Nam đã tạo nên một “từ vay mượn” mới. Câu chuyện người giúp việc cùng những rắc rối pháp lý nảy sinh trên thực tế do không có luật điều chỉnh cụ thể đã tròn 20 năm. 
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Lần đầu tiên quyền lợi của người giúp việc về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động đã được hiện thực hóa bằng Nghị định 27/2014/NĐ-CP mới được ban hành ngày 7/4. 
Văn bản có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2014 tới đây được xem như cuốn sổ tay pháp lý dành cho người giúp việc. Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông pháp luật Việt Nam) sẽ giúp bạn đọc cùng tìm hiểu.

Thưa ông, khái niệm người giúp việc gia đình?

Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”.
Thế nào được coi là “làm thường xuyên các công việc trong gia đình”?
“Làm thường xuyên các công việc gia đình là các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định (hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng”.
Bộ phim “Oshin” kể về chuyện đời cơ cực của một người giúp việc nhà
 Bộ phim “Oshin” kể về chuyện đời cơ cực của một người giúp việc nhà
Luật có cho phép hợp đồng miệng với người giúp việc gia đình?
Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
Khi thỏa thuận về giúp việc, các bên có quyền quy định thời gian thử việc?
- Hai bên có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ trong thời gian thử việc; Tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó; Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
- Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. 
- Thời gian thử việc không quá 6 ngày làm việc.
Những hành vi bị nghiêm cấm đối với bên thuê giúp việc? 
1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình. 
2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động 
Quy định về tiền lương của người giúp việc?
Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.
Bên thuê có phải chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi người giúp việc bị ốm đau?
1. Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
2. Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh.
Trường hợp nào bên thuê được khấu trừ tiền lương của người giúp việc?
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động theo nội dung của hợp đồng lao động.
2. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động.
3. Khi khấu trừ tiền lương người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết.
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động sống cùng gia đình chủ?
1. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.
2. Thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 163 của BLLĐ.
- Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. 
- Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. 
- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết.
- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.
Bên thuê phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người giúp việc trong trường hợp nào?
1. Hết hạn hợp đồng lao động.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động chết.
5. Người sử dụng lao động là cá nhân chết.
6. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng 
7. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp: Chấm dứt hợp đồng đã báo trước 15 ngày; Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 30 ngày liên tục; Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!