Theo đó, khi máy bay đã hạ cánh và di chuyển vào điểm đỗ, hành khách này vẫn yên vị ngủ say trên ghế và phải có người đánh thức. Ra khỏi máy bay, nữ hành khách khóc nước, nhân viên mặt đất đến hỏi thăm nhưng hành khách vẫn không nói lý do. Chỉ đến khi người nhà tới, chị này mới nói lý do bị mất tiền để trong túi xách mang theo người khi ngồi trên máy bay.
Bị chuốc thuốc mê trên trời?
Lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận thông tin vụ việc, xác định hành khách có tên Nguyễn Thị Thắng (28 tuổi, ngụ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, khi được lực lượng an ninh sân bay cùng thân nhân đưa đến trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình thì chị Thắng có thái độ không muốn vào trụ sở.
Ngoài việc khai báo có hai người đàn ông ngồi bên cạnh trên chuyến bay mời uống một chai nước suối, sau khi uống xong không còn biết gì nữa, chị Thắng chỉ khóc lóc, kêu buồn ngủ và ra ô tô nằm.
Làm các kết quả xét nghiệm nước tiểu của “nạn nhân” theo yêu cầu từ phía cơ quan Công an, bệnh viện cấp cứu Trưng Vương đã thông báo không có chất độc, chất gây mê nào trong người của chị Thắng.
Về phía hãng hàng không Jetstar Pacific cũng đã tiến hành kiểm tra lại toàn bộ quy trình phục vụ hành khách, kể cả hành lý xách tay và hành lý ký gửi của khách từ nhân viên mặt đất và tiếp viên trên máy bay. Kết quả, không có một dấu hiệu bất thường nào được phát hiện.
Việc xác minh từ phía các tiếp viên, một số hành khách ngồi cạnh chị cũng không thấy có dấu hiệu nào khác lạ. Chi tiết quan trọng nữa là kết quả soi chiếu hành lý của khách đi trên chuyến bay này cũng không nhìn thấy ai mang số lượng lớn tiền trong hành lý ký gửi.
Từ những kết quả thu thập được, khoảng 20h cùng ngày, “nạn nhân” Thắng đã chính thức thừa nhận mình hoang báo mất số tiền 900 triệu đồng.
Được biết, gia đình “nạn nhân” Thắng dự định mua một ngôi nhà tại Bình Dương với số tiền khoảng 900 triệu đồng. Chị Thắng có khoảng 500 triệu, sau đó vay ngân hàng được khoảng 400 triệu nữa. Khi bị gia đình bắt ép phải đưa số tiền 900 triệu để mua nhà và phải vào Bình Dương sinh sống thì chị Thắng không đồng ý.
Chị Thắng đã đem số tiền nói trên đem gửi vào ngân hàng và sau đó thực hiện màn kịch trên để qua mặt người thân trong gia đình.
Công an cho biết đã làm thủ tục phạt hành chính hành khách nữ này với mức phạt tiền từ 500 ngàn – 1 triệu đồng. Quyết định xử lý này khiến nhiều người băn khoăn phải chăng là quá nhẹ và có đúng luật?
Nguy cơ đối mặt vụ kiện dân sự
Thạc sĩ luật Nguyến Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) nhận định: Chỉ vì mục đích che giấu gia đình, chị Thắng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi cố tình lừa gạt lực lượng an ninh sân bay, cơ quan Công an, thông báo tin không đúng sự thật, vu khống hai hành khách ngồi cùng đã chuốc thuốc mê. Rất may, hành vi vu khống chưa được hai hành khách ngồi bên yêu cầu xử lý.
Còn hành vi hoang báo đã vi phạm quy định về trật tự công công tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, hành vi “báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” của chị Thắng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên rắc rối pháp lý với chị Thắng có thể chưa hết. Ngoài bị phạt tiền, hành vi hoang báo của chị Thắng còn đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ phía hãng hàng không Jetstar Pacific.
Đại diện hàng hàng không Jetstar Pacific cho biết "gây mê trên máy bay là một sự việc hết sức nghiêm trọng”, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hãng. Cho dù đây là một màn kịch, nhưng đã khiến hãng hàng không đã trở thành nạn nhân, không chỉ gây ảnh hưởng đến hình ảnh mà còn đến uy tín của hãng.
Bộ luật Hình sự (BLHS) đã quy định “tội khai báo gian dối”. Nhưng chủ thể của phạm tội danh này là người giám định, người phiên dịch và người làm chứng.
Trước việc BLHS không quy định xử lý người khai báo gian dối về việc bị mất tài sản, sẽ có ý kiến cho rằng không đảm bảo tính răn đe? Người thực hiện hành vi “hoang báo” sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS như “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với hành vi “phao tin, bịa đặt gây hoang mang”; “Tội vu khống” với hành vi “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”; “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi hoang báo nhằm để chiếm đoạt tài sản…
Có e ngại chỉ vì báo tin mà bị xử phạt?
Hành vi “báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị xử phạt sẽ dẫn đến công dân e ngại trong việc báo thông tin đến cơ quan công an. Nếu nếu sau khi xác minh, bị kết luận là thông tin phán ánh sai thì họ có bị xử lý?
Ở đây, tin báo từ nhân dân có hai dạng: Thứ nhất là tin báo có lợi sẽ giúp công an nắm bắt vụ việc từ đầu, không bị chậm trễ, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, củng cố nhân chứng…. Tin báo dạng này được khuyến khích, chứng tỏ người dân có tinh thần tích cực trong phong trào đấu tranh tố giác tội phạm.
Thứ hai là vì động cơ, mục đích nào đó mà dựng chuyện hoặc báo những tin bịa đặt, tin sai đến các cơ quan, tổ chức. Trường hợp này sẽ bị xử lý. Điều lưu ý, người dân khi báo tin cần thận trọng, không đưa ra nhận xét chủ quan, không thêm thắt sự việc để tránh việc làm sai bản chất thông tin. Phần nhận định có hay không hành vi phạm pháp hãy để cho cơ quan có thẩm quyền kết luận./.