Nguy cơ oan án vụ “lừa bán căn nhà đang chia thừa kế”: Ai mới là “nạn nhân” trong sự việc?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, sau khi Cơ quan CSĐT (PC01) Công an Đà Nẵng khởi tố bà Huỳnh Thị Châu (46 tuổi, ngụ 48 Nguyễn Văn Huyên, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ đây là một vụ việc “hình sự hóa quan hệ dân sự”.

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định trong sự việc này CQĐT có thể đã vội vàng khi chưa xem xét quy định về chia thừa kế theo BLDS.

Luật sư: “Bà Châu mới là nạn nhân”

Luật sư: “Các bên phải cảm ơn bà Châu mới đúng, chứ không thể quy chụp bà Châu “lừa bán tài sản thừa kế”.

Luật sư: “Các bên phải cảm ơn bà Châu mới đúng, chứ không thể quy chụp bà Châu “lừa bán tài sản thừa kế”.

Nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu) có đồng sở hữu là hai cụ già đều đã qua đời. Trước khi mất, người nữ di chúc để lại phần tài sản của mình cho con Nguyễn Hoài Nam (SN 1962). Người nam di chúc để lại phần của mình cho con Nguyễn Tấn Vĩnh (SN 1954).

Ông Nam nhờ bà Châu làm thủ tục khai di sản thừa kế. Rồi hai bên thỏa thuận ông Nam sẽ mua lại nửa căn nhà của ông Vĩnh và bán lại cho bà Châu cả căn nhà với giá 6,6 tỷ. Ngày 21/10/2019, ông Nam hoàn tất thủ tục nhận thừa kế, được cập nhật tên trong sổ đỏ. Bà Châu đặt cọc cho ông Nam 3 tỷ. Ông Nam làm ủy quyền cho bà Châu có toàn quyền định đoạt với tài sản đứng tên mình, được quyền thúc đẩy ông Vĩnh thực hiện thủ tục mở thừa kế.

Tuy nhiên, khi niêm yết văn bản tìm người thừa kế của cha ông Vĩnh, phát hiện ông Vĩnh còn có một người chị cùng cha khác mẹ. Xuất hiện tình tiết mới nên việc mở thừa kế với nửa căn nhà bị tạm ngưng.

Rắc rối hơn ở chỗ trước đó cứ nghĩ mọi chuyện sẽ suôn sẻ, nên bà Châu lập hợp đồng “lướt cọc” với bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982). Bà Châu nói rõ tình trạng pháp lý căn nhà là đang khai di sản thừa kế, bà mới đặt cọc. Bà Luận vẫn chấp nhận, đặt cọc cho bà Châu 2,5 tỷ. Nhưng xảy ra việc nửa căn nhà chưa mở thừa kế. Dù bà Châu xin trả lại cọc, hủy hợp đồng, bà Luận vẫn “tố cáo” đến PC01 Công an Đà Nẵng. CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Châu.

Trong sự việc này, do bà Châu một mực kêu oan, từ chối nhận các quyết định tố tụng; và CQĐT cũng như VKSND Đà Nẵng chưa cung cấp các văn bản này theo đề nghị của Báo PLVN; nên chưa rõ CQĐT cho rằng ai là “nạn nhân” trong vụ này, bà Luận hay ông Vĩnh?

Về phía bà Luận, do bà Châu không có sự gian dối gì, luôn muốn trả lại tiền cọc; nên các chuyên gia pháp lý nhận định không thể có vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về phía ông Vĩnh, cho đến nay, thủ tục mở thừa kế chưa xong; nên theo Điều 614 BLDS, ông Vĩnh chưa có quyền với tài sản này và cũng không thể là “nạn nhân” của vụ án.

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho rằng, trong sự việc này, cơ quan tố tụng cần phải nhìn nhận ông Nam và bà Châu mới là nạn nhân của sự việc dây dưa trì hoãn mở thừa kế.

LS Hiệp giải thích, theo Điều 111 BLDS, nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy là dạng tài sản “không chia được”. Căn nhà nếu bị xẻ ra làm nhiều phần thì sẽ không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, nên cần phải tính ra trị giá thành tiền. Ông Nam một nửa, ông Vĩnh và chị gái ông Vĩnh một nửa.

Thế nhưng, khổ nỗi khi ông Nam đã mở thừa kế xong thì ông Vĩnh vẫn không chịu mở thừa kế. Theo Điều 616 BLDS, lúc này ông Nam là người quản lý di sản của chị em ông Vĩnh trong khối tài sản “không chia được”. Vì vậy, đề nghị của ông Nam muốn chị em ông Vĩnh bán lại nửa căn nhà cho mình là hoàn toàn phù hợp luật pháp.

Hai năm nay, PC01 Công an Đà Nẵng hàng chục lần triệu tập bà Châu lấy lời khai.

Hai năm nay, PC01 Công an Đà Nẵng hàng chục lần triệu tập bà Châu lấy lời khai.

Ai mới là người vi phạm quy định thừa kế?

Thực tế cũng cho thấy ban đầu ông Vĩnh đã hợp tác với đề nghị này, cung cấp giấy tờ thông tin cho bà Châu là người được ông Nam ủy quyền, để làm thủ tục khai di sản thừa kế và Văn phòng Công chứng đã niêm yết văn bản thông báo. Thế nhưng “đùng một cái”, không rõ vì nguyên nhân nào, tới nay trả lời PLVN, ông Vĩnh lại cho rằng “chờ mãn tang cha”.

LS Hiệp cho biết, theo Điều 656 BLDS, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế, những người thừa kế phải họp mặt để thỏa thuận cử người quản lý di sản, cách thức phân chia di sản. “Nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy do ông Nam và chị em ông Vĩnh không muốn gặp mặt nhau, nên ông Nam mới ủy quyền cho bà Châu lặn lội vào Bình Định thực hiện việc này. Các bên phải cảm ơn bà Châu mới đúng, chứ không thể quy chụp bà Châu “lừa bán tài sản thừa kế”. Di sản của chị em ông Vĩnh là nửa căn nhà vẫn còn nguyên, là tài sản đang trong tình trạng “không chia được” thì không ai có thể chiếm đoạt được, không thể có vụ án lừa đảo ở đây”, LS Hiệp nhận xét.

LS Hiệp cho biết thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Theo điều 661 BLDS luật này, chỉ trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, rằng di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì mới được phép chờ một thời gian nhất định.

Trong sự việc này, cha ông Vĩnh không di chúc như vậy và ông Nam thì muốn ông Vĩnh mở thừa kế ngay để quyền lợi của ông Nam trong khối tài sản “không chia được” không bị ảnh hưởng nên ông Vĩnh không có quyền dây dưa, không có quyền tự ý đặt ra thời hạn. “Thậm chí ông Nam, bà Châu có quyền kiện ông Vĩnh ra tòa yêu cầu mở thừa kế”, LS Hiệp giải thích.

LS Hiệp đánh giá, hồ sơ cho thấy rõ ràng trong sự việc này không hề có bất cứ yếu tố nào thỏa mãn tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tội lừa đảo phải có 2 yếu tố cơ bản là gian dối và chiếm đoạt. Hợp đồng “lượt cọc” với bà Luận đổ bể vì lý do bất khả kháng thì đơn giản là bà Châu trả cọc.

“Như tôi đã phân tích ở trên, nửa căn nhà chị em ông Vĩnh được hưởng thừa kế, theo luật phải ưu tiên ông Nam mua lại. Bà Châu đã đặt cọc mua nửa căn nhà là tài sản của ông Nam, nên đương nhiên có quyền thúc đẩy xúc tiến việc mở thừa kế với nửa căn nhà còn lại, để bà thực hiện hợp đồng với ông Nam là mua toàn bộ căn nhà. Bà Châu mới chỉ cho bà Luận đặt cọc tiến tới thỏa thuận mua bán tài sản hình thành trong tương lai, nên không thể quy kết bà Châu “lừa đảo bán di sản thừa kế của người khác””, LS Hiệp nói.

Theo LS Hiệp, lĩnh vực chia thừa kế theo quy định của BLDS không đơn giản, cơ quan tố tụng hình sự cần cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tình trạng “nhầm một ly, đi một dặm”, quy kết sai vấn đề.

Đọc thêm