Nhà báo Thuận Hữu làm Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN

Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, mới được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN ( CAJ). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng và mong rằng, dưới sự lãnh đạo của nhà báo Thuận Hữu, Liên đoàn sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp chung của ASEAN. 
Sáng 27/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên đoàn các nhà báo ASEAN do Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức. Đại hội đã công bố việc chuyển giao chức Chủ tịch CAJ nhiệm kỳ 2015-2017 cho nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN nhiệm kỳ 2013-2015 Benny Antiporda, đại diện các thành viên trong Liên đoàn, các đoàn đại biểu hội nhà báo các nước liên kết; hội nhà báo khách mời đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc cùng các nhà báo lão thành của Việt Nam... 
Dân trí đưa tin, phát biểu nhậm chức Chủ tịch CAJ, nhà báo Thuận Hữu nhấn mạnh đây là một vinh dự và cũng là trách nhiệm to lớn, không chỉ cho cá nhân ông mà còn cho cả giới báo chí Việt Nam đối với sự phát triển của cộng đồng báo chí ASEAN nói chung.
Tân Chủ tịch CAJ khẳng định sẽ nỗ lực cùng với Ban Giám đốc Liên đoàn, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, trung thành với mục tiêu của CAJ: Thúc đẩy sự nghiệp và phát huy trách nhiệm báo chí; Vun đắp mối quan hệ chuyên môn của các nhà báo trong ASEAN với các tổ chức nhà báo thế giới; Tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc trong ASEAN để đẩy mạnh hợp tác nhằm đạt được sự thịnh vượng, công bằng và hoà bình...
Nhà báo Thuận Hữu cho biết, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tư cách là một quốc gia thành viên, trong 20 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động chung của Liên đoàn.
Báo chí Việt Nam cùng với báo chí các nước ASEAN thực hiện sứ mệnh cao cả, góp phần vào việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Báo chí các nước ASEAN đã thực sự là cầu nối văn hóa, giúp nhân dân các nước trong khu vực gần gũi và hiểu biết nhau hơn. 
Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt với các quốc gia Đông Nam Á, là năm Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Điều này cũng đặt ra cho Liên đoàn các nhà báo trong khu vực trách nhiệm góp phần xây dựng ASEAN thành một thực thể gắn kết về chính trị-an ninh; liên kết về kinh tế, cùng hợp tác và chia sẻ trách nhiệm về văn hóa-xã hội... 
VietNam+ đăng tải, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng nhà báo Thuận Hữu và mong rằng, dưới sự lãnh đạo của nhà báo Thuận Hữu, Liên đoàn sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp chung của ASEAN. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chúc mừng tình đoàn kết và hữu nghị của các thành viên Liên đoàn các nhà báo ASEAN ngày càng củng cố và phát triển mạnh mẽ. Phó thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta rất may mắn và vinh dự được chứng kiến thời khắc đặc biệt trong lịch sử phát triển của ASEAN, đó là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành Liên đoàn các nhà báo ASEAN. 
Đây cũng là dịp để Cộng đồng ASEAN cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển, đóng góp, cống hiến của Liên đoàn cho sự phát triển chung của ASEAN, đồng thời đặt hướng phấn đấu cho một giai đoạn phát triển mới, một giai đoạn để 40 năm sau chúng ta nhìn lại tự hào hơn, vinh dự hơn. 
Hiện nay, bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức đối với hòa bình và phát triển, nhất là về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải. 
Để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển rất cần có vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn các nhà báo ASEAN, của báo chí các nước ASEAN trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cũng như đề cao công lý trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. 
Phó Thủ tướng nêu rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin truyền thông đã mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng đặt báo chí trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải chủ động nắm bắt công nghệ, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng nhanh chóng, và đa dạng. 
Niềm tin của độc giả, khán-thính giả đối với báo chí dựa trên thông tin nhanh, chính xác, khách quan. Đây là điều cốt lõi tạo ra sự khác biệt giữa thông tin báo chí với các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng khác.
Các tổ chức báo chí, truyền thông và nhà báo trong khu vực hãy luôn là “người tiên phong” với trách nhiệm cao cả hướng dư luận tới những giá trị tốt đẹp, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN và thế giới. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng rằng, kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa các đoàn nhà báo tại Lễ kỷ niệm này và Đại hội đồng lần thứ 18 Liên đoàn các nhà báo ASEAN sẽ trở thành chương trình hành động cụ thể cho Liên đoàn các nhà báo ASEAN và của Hội nhà báo mỗi nước, qua đó trách nhiệm của báo chí ngày càng được đề cao vì một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. 
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao giải thưởng ảnh về chủ đề biến đổi khí hậu. 8 tác phẩm xuất sắc được trao tặng giải thưởng, trong đó có một giải Nhất, một giải Nhì, một giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Giải Nhất được trao cho nhà báo Nova Wahyudi của Hội Nhà báo Indonesia. 
Nhà báo Phạm Bằng của Hội Nhà báo Việt Nam được nhận giải Ba.
Liên đoàn các nhà báo ASEAN là một tổ chức nghề nghiệp của các nhà báo trong khu vực, được thành lập tại Indonesia vào năm 1975, đến nay vừa tròn 40 năm. 
Qua bốn thập kỷ hoạt động và phát triển, từ 5 nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, đến nay Liên đoàn các nhà báo ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên, thành một tổ chức mạnh với 7 quốc gia thành viên chính thức, 3 thành viên liên kết và 5 quan sát viên từ các quốc gia ngoài khu vực. 
Tháng 7/1995, Hội Nhà báo Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Liên đoàn các nhà báo ASEAN cùng thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. 

Đọc thêm