Nhà máy A32: Sáng tạo, tăng niên hạn của máy bay phản lực chiến đấu

(PLVN) - Những năm qua, Nhà máy A32 đã sửa chữa thành công nhiều chủng loại máy bay phản lực chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cho các đơn vị không quân. Từ “bệ phóng” A32, với sức mạnh mới, những máy bay tiêm kích của Không quân Việt Nam đã được tăng tổng niên hạn sử dụng, tiếp tục sứ mệnh bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Cán bộ, kỹ sư Phân xưởng 6, Nhà máy A32 sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27UBK số hiệu 8526.
Cán bộ, kỹ sư Phân xưởng 6, Nhà máy A32 sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27UBK số hiệu 8526.

Dấu ấn A32

Hiện Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) có 3 dòng máy bay phản lực chiến đấu chủ lực gồm: Máy bay tiêm kích bom Su-22M3/UM3K, tiêm kích Su-27SK/UBK và tiêm kích Su-30MK2. Chiến đấu cơ Su-22 được Liên Xô chuyển giao từ đầu những năm 1980.

Đến nay, hầu hết các máy bay tiêm kích này đều đã ở cuối vòng đời sử dụng. Máy bay tiêm kích Su-27SK/UBK được Nga chuyển giao từ năm 1995, đến nay đã có gần 25 năm tuổi. Còn máy bay tiêm kích Su-30MK2 được Nga chuyển giao từ năm 2004.

Tới nay, 2 dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam là tiêm kích bom Su-22 và Su-27 đều đã qua nhiều năm sử dụng, dự trữ giờ bay không còn nhiều, bắt buộc phải đưa vào sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng để tiếp tục sứ mệnh bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Máy bay tiêm kích Su-30MK2 cũng phải tăng niên hạn sử dụng.

Trước đây việc tăng tổng niên hạn, sửa chữa lớn các dòng máy bay Su-27, Su-30 đều phải gửi ra nước ngoài rất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị không quân.

Đứng trước thực trạng đó, năm 2011, lãnh đạo Nhà máy A32 Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ đã đề xuất với trên cho Nhà máy tự nghiên cứu sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30. Được Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư, Dự án tự sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn tiêm kích Su-27 và sửa chữa cục bộ tiêm kích Su-30MK2 đã được giao cho Nhà máy A32. 

Đến nay, Dự án được triển khai thành công và Nhà máy A32 tự hào thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn cho các loại máy bay chiến đấu phản lực Su-22M3/UM3K, Su-27SK/UBK và sửa chữa cục bộ tiêm kích Su-30MK2.

Đại tá Trương Minh Đức - Giám đốc Nhà máy A32 cho biết, trong 3 năm (2017-2019), nhà máy đã sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng các loại máy bay phản lực chiến đấu: Su-22 lên trên 30 năm, Su-27 lên trên 20 năm, kiểm tra, tăng hạn máy bay Su-30MK2 lên 15 năm.

Ngoài ra, Nhà máy đã thay foam thùng dầu (chất chống cháy, nổ thùng dầu của máy bay chiến đấu), sửa chữa tăng cường hệ thống nhiên liệu cho các đơn vị không quân, sửa chữa xe máy đặc chủng kỹ thuật hàng không, nguồn điện, sản xuất các linh kiện thay thế; sửa chữa khí tài, trang bị khác của các đơn vị phòng không, hải quân; bảo hành các sản phẩm sau khi sửa chữa…

Những sản phẩm của Nhà máy A32 đã bổ sung kịp thời máy bay, khí tài cho các đơn vị huấn luyện bay, diễn tập bắn đạn thật, ném bom, SSCĐ, có độ tin cậy cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo sự tin tưởng cho các đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, góp phần nâng cao uy tín, bản lĩnh của những người lính thợ.

Phát huy sáng kiến, đẩy mạnh sáng tạo

Để có những thành công trên, những năm qua, cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy A32 luôn phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, cần cù, sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

Được sự nhất trí của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, đơn vị cử hàng chục cán bộ đi học tập nước ngoài có nhiệm vụ vừa học, vừa làm, tranh thủ thời gian sưu tầm, biên dịch gần 700.000 trang tài liệu tiếng nước ngoài liên quan tới quy trình, công nghệ máy bay phản lực. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy còn chủ động mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, giúp đỡ chuyên sâu về máy bay phản lực; tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, trình độ, tay nghề cho công nhân… 

Từ đó, không chỉ trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngày càng được nâng lên, mà đơn vị còn làm chủ được dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay hiện đại và các máy móc đảm bảo. Đồng thời, A32 giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài và là cơ sở để có thể mở rộng quy mô đầu tư, nâng cấp thực hiện những dự án mang tầm cỡ khu vực.

Phân xưởng 6 là nơi tổng lắp ráp, kiểm thử, bay thử cho máy bay Su-27. Đây còn là nơi sửa chữa cục bộ, tăng hạn sử dụng thay foam và cơ động sửa chữa nắp buồng lái dòng máy bay Su cho các đơn vị. 

Một máy bay có hơn 10.000 linh kiện. Chỉ riêng công đoạn tháo dỡ, tháo rời và tẩy rửa một chiếc máy bay cũng mất 3 tháng trời. Tiếp đến, công đoạn lắp ráp và hiệu chỉnh cũng mất thời gian từ 3 đến 4 tháng. Mỗi máy bay phản lực Su-27 được đưa đến sửa chữa, tăng tổng niên hạn phải qua 11 phân xưởng của nhà máy.

Mỗi công đoạn ở các phân xưởng đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết, bảo đảm tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn rất cao. Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết từ lúc trước khi tháo dỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh. Hồ sơ “bệnh án” của một chiếc Su-27 khi sửa chữa lên đến gần 100 quyển.

Cùng với đó, Nhà máy A32 cũng đã sửa chữa thành công nhiều thiết bị công nghệ cao trên máy bay Su-27, Su-30, tên lửa S300, tàu ngầm, radar… Đây là những thiết bị điện tử công nghệ mới đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao, linh kiện thay thế mới, phương tiện sửa chữa hiện đại.

Với trình độ và khả năng hiện có, lãnh đạo, Ban Giám đốc Nhà máy A32 đã đề xuất với cấp trên 2 dự án: “Sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và Su-30 giai đoạn 3” và “Trung tâm kỹ thuật điện tử công nghệ cao”.