Điểm hẹn là cái quán sau lưng Nhạc viện Hà Nội, để Hồ Hoài Anh có thể tiện đi bộ từ nhà lúc đã muộn. Có một con ngõ nhỏ, trời thì tối, thế mà anh liên tục phải chào người quen. Bấy nhiêu cũng đủ thấy anh gắn bó với nơi chốn ấy đến mức nào, khi trước là mẹ anh, sau là anh đã cùng cây đàn bầu bao năm nay làm “người của Nhạc viện”. Anh bảo, cũng vì sự gắn bó ấy mà anh không thể rời Hà Nội để “Nam tiến”, dù vẫn biết điều đó tốt hơn cho công việc của anh và bà xã Lưu Hương Giang.
Không muốn làm “ngôi sao giấy”
Từ khi còn là một cậu nhóc gầy còm, Hồ Hoài Anh đã nghĩ cuộc đời mình gắn bó thân thiết với âm nhạc trong cái nôi khu tập thể Nhạc viện Hà Nội. 5 tuổi, cậu được mẹ, giảng viên đàn bầu, dắt tới lớp học đàn violon. Sau một thời gian ngắn, linh cảm người mẹ mách bảo, violon không phù hợp với con trai, Hồ Hoài Anh được chuyển sang lớp đàn piano. Cậu bé có vẻ rất thích thú và say sưa với cây đàn khổng lồ này. Nhưng chỉ được một năm, nhà nghèo không đủ tiền mua đàn, mà mỗi lần đến phòng tập nhờ lại phải xếp hàng vì quá đông nên mẹ đã quyết định để con trai theo học đàn bầu. 8 tuổi, Hồ Hoài Anh trở thành học sinh chính thức của Nhạc viện Hà Nội, rồi cả tuổi thơ của cậu gắn với cây đàn bầu.
Cũng nhờ cây đàn bầu, chưa đầy 20 tuổi, Hồ Hoài Anh đã có dịp đi trình diễn nhiều nơi trên thế giới, có dịp tham gia nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế, mà tại đó mỗi dòng nhạc Hồ Hoài Anh nghe được đều trở thành tư liệu và kiến thức làm nghề về sau. “Chuyến đi biểu diễn nước ngoài lần đầu tiên của tôi là vào năm 13 tuổi, khi tham gia Festival âm nhạc châu Á tại Nhật Bản. Tất nhiên là tôi độc tấu đàn bầu. Sang đó nhìn cái gì cũng choáng ngợp, nhất là với một cậu bé như tôi. Nhưng ngồi vào đàn rồi thì mọi thứ cũng bình thường thôi, chỉ có mình với cây đàn là quan trọng”, anh chia sẻ.
Khi ấy, Hoài Anh còn là thành viên của ban nhạc Redto Webers Percusion Band, một ban nhạc “đa quốc gia” với các nhạc sĩ từ Iran, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Việt Nam, thường tập hợp vào mỗi dịp hè tại Thụy Sĩ để chơi nhạc theo phong cách jazzy hay world music.
Hát tốt, có khả năng dựng ca, dựng bè, và hát cũng là công việc đầu tiên khi Hoài Anh bước vào làng giải trí. Thời sinh viên, Hoài Anh theo Anh Tú, Hoàng Hiệp và Thành “Big Toe” lập nhóm Giao Thời đi hát vòng quanh Hà Nội. Nhưng không quen lên sân khấu trình diễn tay chân quá nhiều, Hoài Anh bỏ nhóm đi đánh piano và hát những bài hát quốc tế tại quán bar, khách sạn cao cấp. Chàng nhạc sĩ nhớ lại: “Ngày đó, bên cạnh đàn bầu tôi còn có một đam mê khác là làm phòng thu và đi hát nhạc tiếng Anh ở các khách sạn. Tối nào tôi cũng cùng mấy người bạn Philippines đến khách sạn Melia, Sofitel Plaza chơi piano hát nhạc Tây”.
Hoài Anh chấm dứt công việc “ca sĩ quán” khi ngày càng bận rộn hơn với nhiều lời mời sáng tác, hòa âm ca khúc và giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội. Không quen làm “màu mè” cho mình, Hoài Anh mang cả nét xuề xòa khi vào lớp. Khi dạy sinh viên học đàn bầu, Hoài Anh rất chú trọng việc để mỗi sinh viên thể hiện bài hát theo cách riêng của mình, không áp đặt.
“Vào lớp thì tôi với sinh viên như là bạn. Cứ “anh em” cho thoải mái. Mà đã học nghệ thuật thì cần phải thoải mái. Khi thoải mái với nhau rồi thì việc truyền đạt và tiếp thu những kinh nghiệm cũng dễ dàng hơn”, Hoài Anh tâm sự. Vì anh hiểu, sinh viên Nhạc viện là những sinh viên học nghệ thuật, vấn đề cảm xúc cũng quan trọng không kém kỹ thuật thể hiện trong trình diễn. Hoài Anh luôn muốn truyền cho sinh viên cái hồn, cái gọi là phong cách riêng.
Nhiều người vẫn tiếc là Hoài Anh có giọng nhưng lại nhất quyết không nghĩ tới chuyện phát hành một album mà anh là ca sĩ. Nhạc sĩ Anh Quân từng nhắc đến vài lần chuyện này trong các cuộc họp báo: “Tôi rất thích giọng Hồ Hoài Anh và quả thực là tôi đang nghĩ đến việc làm một album với giọng hát rất đặc biệt này”.
Nói riêng về ca khúc nhạc nhẹ, Hoài Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1989 khi đang là thành viên của nhóm Giao Thời. Hoài Anh sáng tác nhạc chẳng phải vì nhiều tham vọng mà chỉ để nhóm có bài riêng và sau này tặng người yêu. “Tình yêu muôn màu”, “Giao thời”, “Giọt sương và lá cây”, “Mùa thu đã hết”, “Chân trời em mơ”, “Yêu anh một đời”... đã ra đời như vậy.
Thói quen sáng tác của Hồ Hoài Anh gắn liền với cảm xúc. Phần nhiều những bài hát đóng mác Hồ Hoài Anh thường được sáng tác phần nhạc trước, sau đó anh thêm thắt phần lời rồi mới nghĩ đến tên sau cùng. Thế nhưng, càng ngày anh càng viết đều tay và đa dạng về phong cách. Sở trường vốn dĩ là ballad, nay chuyển sang viết rock, sáng tác cả R&B và punk... anh đã tìm được cách chuyển những cảm xúc riêng thành một nguồn cảm hứng sáng tác nói chung.
Ngoài những hoạt động trên thị trường âm nhạc, Hồ Hoài Anh cũng là một nhạc sĩ rất chăm chỉ “săn” các giải thưởng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các chương trình truyền hình. Là một trong 4 huấn luyện viên của chương trình “Giọng hát Việt nhí” (2 mùa liên tiếp), anh muốn bằng cách này hay cách khác mình vẫn có những đóng góp cho nghề nghiệp. Có thể ít sáng tác, nhưng việc phát hiện và đào tạo nhân tài nhí với Hồ Hoài Anh cũng quan trọng không kém. Anh coi nó cũng là “cú hích” cần thiết cho việc phát triển âm nhạc, bằng việc tìm ra những tài năng tiềm ẩn. “Tôi muốn được nhìn nhận thêm ở những khía cạnh khác và thực sự không muốn làm một “ngôi sao giấy”, anh nói.
“Thỉnh thoảng bốc đồng nhưng về cơ bản là ngoan”
Sống giữa lòng Hà Nội nhưng Hoài Anh tự nhận mình như một người dân quê thực thụ. Không có “món” gì mà anh không làm được, từ câu cá câu lươn đến mò trai, mò ốc... Đó cũng là thú vui của anh mỗi khi có được chút thời gian rảnh rỗi.
Ngày trước, đất quanh trường Nhạc viện Hà Nội còn trũng chứ không cao như bây giờ. Mỗi lần trời mưa là nước lại ngập đến 3-4 ngày mới rút. Sân trường tự dưng thành một cái ao. Cá ở sông tràn lên và Hoài Anh lại bì bõm lội trong cái “ao trường” ấy để “chộp” cá.
Những chiến tích câu lươn cũng được Hồ Hoài Anh tả rất hỉ hả, say sưa: “Đi câu lươn sướng lắm. Quanh bờ mương có rất nhiều lỗ. Nhưng lỗ cua thì ngang còn lỗ lươn thì thẳng. Tìm được lỗ lươn là mình thả mồi giun xuống. Khi nào nghe thấy lươn cắn mồi kêu “choạp” một cái thì kéo lên. Nhưng lươn bám rất khoẻ nên phải lôi một lúc mới được”.
Đến bây giờ, mỗi khi có thời gian là Hoài Anh lại vù về ngoại thành Hà Nội. Nhà anh có một mảnh đất ở đó, cũng gần hồ, đầm nên anh thỏa chí mà mò cua bắt ốc. Về đến nơi là Hoài Anh xắn quần xắn áo, nhảy ngay xuống hồ để... mò trai. “Mình cứ nhảy xuống, lấy chân giẫm giẫm, chỗ nào thấy cong cong giống lưng con trai, thò tay xuống là chính xác. Trong hồ thỉnh thoảng có những cái hố sâu do người ta đào để lấy đất sét làm gạch, thụt vào những chỗ đó là ngập đầu nhưng sướng lắm vì rất nhiều trai. Bắt thích tay thì thôi”, Hoài Anh kể đầy hào hứng.
Có lẽ vì thế chăng mà Hoài Anh không phải tuýp người đỏm dáng và quan tâm đến việc ăn mặc của mình. Anh tự nhận mình lúc nào cũng... lôi thôi, có bao nhiều tiền anh đắp hết vào máy móc, đồ đạc, nhạc cụ trong phòng thu, còn quần áo thì mặc thế nào chẳng được. Nhìn chung, Hoài Anh sống đơn giản và nội tâm.
Bề ngoài mạnh mẽ nhưng nhạc sĩ họ Hồ lại rất lãng mạn. Phim “Cuốn theo chiều gió” anh xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, đọc truyện cũng đến nỗi nhàu nát. Một thời từng ảnh hưởng phim tình cảm lãng mạn nên anh viết ca khúc nào cũng bị bạn bè chê là ủy mị, buồn khổ. Anh thổ lộ: “Nhìn bề ngoài tưởng tôi là dân ăn chơi, nhưng ai biết tôi mới thấy tính tôi rất hiền. Tôi đặc biệt ghét sàn nhảy và tránh xa chốn đông người. Tất nhiên nghệ sĩ có chút dở hơi, thỉnh thoảng bốc đồng nhưng về cơ bản là ngoan”.
Hồ Hoài Anh mộc mạc cả trong cách ăn uống cho đến cách vui chơi giải trí. Anh tiết lộ kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong những chuyến đi lưu diễn của mình là lần tham dự Liên hoan nhạc jazz tại Đan Mạch. “Đợt đó, tôi nhớ đến nao lòng bát canh rau muống mà mẹ thường nấu nên đã mượn xe đạp của bạn đi tìm mua khắp các siêu thị”. Cuối cùng thì cũng tìm thấy, anh chàng về nhà hì hụi nhặt rau rồi vừa xào vừa luộc và ăn với cảm giác chưa bao giờ ngon đến thế.
Dù đã lập gia đình nhưng hàng tuần, Hồ Hoài Anh vẫn đều đặn đi xe máy từ Nhạc viện ra tận khu vực sân vận động Mỹ Đình chơi bóng, sau đó, về uống bia cùng anh em, bạn bè một cách dân dã. Với đặc thù công việc thường phải ngồi phòng kín, nên bóng đá là liều thuốc giúp Hoài Anh cân bằng cuộc sống. Với anh, đây là môn thể thao có tính đồng đội cao, nhiều bất ngờ, lại được chơi cùng anh em bạn bè nên rất thoải mái, xả được stress.
Tuy nhiên, chất thể thao của Hoài Anh thể hiện rõ nhất lại ở môn cầu lông với trình độ có thể sánh ngang chuyên nghiệp. Thường xuyên luyện tập với đội tuyển trẻ, anh chàng đã vài lần giành ngôi Á quân của giải trẻ không chuyên.
Con người và sở thích của Hoài Anh giản dị là thế nhưng mơ ước lại rất nhiều, nhất là làm sao cho tiếng đàn bầu của Việt Nam không chỉ là nhạc cụ dân tộc đơn thuần như nó vốn thế mà còn là loại âm nhạc chơi theo phong cách hiện đại đầy ngẫu hứng và phóng khoáng.
Bấy lâu nay, Hồ Hoài Anh luôn ấp ủ làm một đĩa nhạc đàn bầu với những sáng tác của chính mình. Những bản nhạc mang đậm âm hưởng Á Đông và theo trường phái của riêng anh. Sẽ có sự kết hợp giữa đàn bầu và dàn nhạc điện tử, có cả hát và những đoạn vocal ngẫu hứng. Anh muốn tạo ra một hình tượng khác hẳn và thể hiện được cảm nhận riêng của bản thân.
Dù được biết đến nhiều hơn với vai trò một nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ, nhưng đam mê lớn nhất của Hoài Anh vẫn là đàn bầu. Anh nói rằng không có chuyện một ngày nào đó anh phải lựa chọn hoặc đàn bầu, hoặc nhạc nhẹ. Nhưng nếu cho một chữ “giả sử” thì anh sẽ chọn đàn bầu. Đó là nghiệp của anh, “phản bội lại đàn bầu giống như phản bội lại chính bản thân mình”.
Còn nữa...