Sống lam lũ, chết khổ sở
Lò bánh mì Phúc Phượng nằm ngay giữa chợ Phước Long thuộc khu phố 3, phường Thác Mơ, TX. Phước Long (tỉnh Bình Phước) là nơi anh Phạm Ngọc Ánh (SN 1981, ngụ khu Bình Giang 1, phường Sơn Giang) tử vong. Theo lời kể của gia đình chủ lò bánh mì, ngày 18/8, trong giờ nghỉ, anh Ánh nằm ngủ ngay ở võng ở hiên.
Trưa cùng ngày, bà chủ đi ăn đám giỗ của một người quen, để lò và quán bán bánh mì cho bà ngoại trông nom. Lúc bà lão ra đằng sau thì phát hiện anh Ánh nằm bất tỉnh trong nhà vệ sinh, chân còn gác lên bồn cầu. Bà vô cùng hoảng hốt, la toáng lên nhờ những người đang buôn bán trong chợ chạy đến giúp đỡ, tuy nhiên anh Ánh đã tử vong.
Công an TX. Phước Long phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, kết luận anh Ánh mắc chứng tai biến, đột quỵ dẫn đến tử vong.
Mẹ người xấu số cho hay, lúc xảy ra sự việc, bà đang ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để lấy thuốc trị bệnh. Khi được người thân báo tin về gấp, bà vẫn không biết rằng đứa con đã mất.
Cảnh sát kết luận anh Ánh đột tử vì tai biến mạch máu não |
“Vừa về tới nhà nghe mọi người thông báo con trai tôi đang chờ cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, chưa hiểu đầu đuôi sự việc, tôi ngất xỉu đi rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thì mọi việc đã xong xuôi, gia đình đã đưa thi thể cháu về làm tang lễ”, người mẹ nói.
Nhiều năm ròng quần quật làm lụng, kiếm kế mưu sinh nên đã hơn 30 tuổi, nạn nhân vẫn chưa có vợ con. “Từ nhỏ nó đã chịu cực khổ, lam lũ suốt ngày, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ. Đến lúc chết cũng vẫn chết khổ”, mẹ nạn nhân sụt sùi.
Mẹ nạn nhân kể, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn, chồng mất sớm, bản thân bà mắc nhiều chứng bệnh, phải bán ngôi nhà để lấy tiền chạy chữa. Kể về đứa con trai, bà nói trong nước mắt: “Nhiều lần động viên lấy vợ, nhưng nó chần chừ. Bởi mẹ già yếu, em trai thì còn bé nên không nỡ cưới vợ rồi tách ra ở riêng. Nó tâm sự khi nào kiếm được số tiền kha khá gửi tiết kiệm để mẹ lấy cái tiêu xài, lúc đó mới yên tâm lo chuyện gia đình”.
Năm năm về trước, anh định nên duyên với một người con gái kém vài tuổi, cách nhà không xa. Đã hỏi cưới, nhưng cuối cùng anh lại từ chối, lý do anh đưa ra là nhà vừa quá nghèo, lại thêm lấy vợ thì không có ai chăm lo cho mẹ ốm yêu. Ai ngờ đó chỉ là cái cớ.
Mẹ con cùng giai đoạn cuối bạo bệnh
“Có ai ngờ rằng, thời điểm này nó biết mình mắc bạo bệnh. Chuyện sợ khổ, lo cho mẹ là một phần, còn có lý do lấy vợ sẽ khổ cho người ta, nó đành ở vậy, chuyện tình duyên đành dang dở”, người mẹ kể lại.
Biết mình mắc bạo bệnh, dù chưa biết bệnh gì, nhưng anh Ánh chỉ âm thầm chịu đựng, không một lần than thở, nói chuyện với ai. Anh vẫn quần quật lao động kiếm sống, mặc căn bệnh “bí ẩn” ngày ngày hành hạ.
Mẹ anh Ánh: “Chỉ vì mong muốn có tiền chữa trị cho mẹ mà nó quên đi cả bệnh tật, tính mạng của mình” |
Nhiều lần thấy con khó chịu, tỏ vẻ đau đớn, mẹ gặng hỏi thì anh bảo là “bị viêm xoang chỉ khó chịu một chút thôi”. Khuyên Ánh đi đến bệnh viện thăm khám, anh nhất quyết chỉ tự mua thuốc về uống. “Về sau cứ mỗi lần nhắc chuyện, lại gạt đi: “Bệnh nhẹ, không cần thăm khám””, bà mẹ nhớ lại.
Có lẽ suốt quãng thời gian dài, chàng trai sống trong lo âu, buồn bã. Vì giấu kín nên không ai biết chính xác anh Ánh mắc chứng bệnh gì. Những lúc trái gió trở trời chỉ thấy anh đi một nơi khác uống rượu giải sầu.
Chủ lò bánh mì xác nhận: Ánh là người chăm chỉ trong công việc, sống hiền lành không gây sự với bất kì ai, chỉ có điều tính tình khép kín và không hiểu vì lý do gì mà thường uống rượu trong vẻ u sầu buồn bã.
Tháng 9/2013 người mẹ bàng hoàng hay mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Căn bệnh “tử thần” khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề. Điều này càng khiến anh Ánh buồn bã, đôi lúc suy nghĩ tiêu cực.
Nửa tháng trước ngày qua đời, gia đình phát hiện Ánh có biểu hiện lạ. “Con trai tôi thấy đầu đau nhức, thường hay xoa đầu bứt trán. Hai tuần trước đó, nó đập vào tai một cái thì máu mủ trong tai chảy ra. Lúc này nó mới nói mắc chứng bệnh nặng. Chỉ vì mong muốn có tiền chữa trị cho mẹ mà nó quên đi cả bệnh tật, tính mạng của mình. Càng nghĩ lòng tôi như xát muối”, người mẹ nức nở.
Hôm chúng tôi đến, chỉ một mình người mẹ lặng lẽ làm cơm thắp nhang cho đứa con xấu số trong căn nhà trống huơ trống hoác. Người mẹ sụt sùi: “Tôi giờ đang sống những giờ phút cuối đời. Buồn một nỗi cả đời lam lũ mà cũng không có một căn nhà để an nghỉ, phải ở nhờ người ta. Đứa con út đang trẻ người non dạ, không biết khi mẹ qua đời cuộc sống sẽ ra sao”. Nước mắt bà giàn giụa./.