Nhầm lẫn Methadone là ma tuý: Tiền lệ vô cùng nguy hiểm với các bác sỹ cai nghiện

(PLO) - Phiên tòa xét xử bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn đã bị hoãn lại bởi lý do các cơ quan chức năng không phân định được “Methadone là thuốc hay là ma túy”?  Chỉ riêng việc đi tìm câu trả lời cho vấn đề này đã khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường đang bày bán công khai hàng loạt loại thuốc có khả năng gây nghiện nhưng lại không bị cơ quan chức năng xử lý. Báo PLVN xin đăng tải thông tin để bạn đọc nắm rõ hơn về thuốc Methadone là thuốc hay ma túy và nhan nhản những loại thuốc được bán công khai trên thị trường có khả năng gây nghiện…
Thuốc Paracetamol bán nhan nhản trên thị trường có chứa chất gây nghiện Codeinne.
Thuốc Paracetamol bán nhan nhản trên thị trường có chứa chất gây nghiện Codeinne.

Nhiều loại thuốc có chứa chất gây nghiện

Như báo PLVN đã thông tin ở những kỳ trước, ngày 06/04/2016, TAND quận Đống Đa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đã phải hoãn lại vì lý lo chưa phân định được Methadone là thuốc hay là ma túy?

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia về nhiều loại  thuốc phóng viên ghi nhận được, có rất nhiều loại thuốc trong đó có loại thuốc gọi là “thuốc điều trị duy trì”, và thuốc Methadone thuộc loại này. Đây là loại thuốc chủ vận mạnh nhưng cho tác dụng kéo dài và được dùng bằng đường uống.

Dùng liều từ 5mg – 10mg, 2 – 3 lần/ ngày và liên tục trong 2-3 ngày. Sau một thời gian thay thế cho heroin, các bác sĩ sẽ ngưng cho dùng Methadone và gây “hội chứng cai thuốc” nhẹ nhàng mà người nghiện chấp nhận được.

Tại Việt Nam, Methadone nằm trong danh mục chất ma túy được dùng hạn chế trong y tế tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013. Bộ Y Tế cũng đã ban hành nhiều quyết định về việc hướng dẫn sử dụng, thực hiện điều trị nghiện bằng Methadone.

Một khi đã coi Methadone là thuốc thì  đương nhiên, việc người sử dụng nó ở đâu cũng được coi là dùng thuốc.

Thực tế cho thấy Methadone (nằm trong danh mục chất ma túy được dùng hạn chế trong y tế tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và nhiều văn bản nhà nước khác) là thuốc, đã và đang sử dụng rộng rãi trong cai nghiện ma túy.

Không thể khẳng định nếu dùng Methadone ở cơ sở khám chữa bệnh thì coi là thuốc nhưng dùng ở ngoài đường thì là ma túy, đấy chính là một kiểu “đánh tráo” khái niệm. 

Trong khám chữa bệnh hiện nay có nhiều loại thuốc tây chứa nhiều hoạt chất gây nghiện và vẫn đang bán công khai trên thị trường, không cần qua đơn bác sĩ. Ví dụ như Codein là một dược chất được sử dụng khá rộng rãi do có tính chất  giảm đau, gây ngủ và giảm ho nên thường được kết hợp với các thuốc giảm như Paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau, kết hợp với thuốc long đờm để trị chứng ho khan.

Tuy nhiên sử dụng Codein kéo dài sẽ gây nên tình trạng nghiện thuốc. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc ho có chứa hoạt chất Codein, có rất nhiều loại biệt dược như Terpin Codein, Calyptin Codein…  

Sự việc xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh khi nhiều em học sinh lạm dụng thuốc ho có hình chữ U với tên gọi Terpin Uphace không theo hướng dẫn của thầy thuốc, sử dụng sai mục đích đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, nhiều học sinh đã trở thành người nghiện Codein và phụ thuộc vào thuốc.

Codein có bản chất hóa học là Methylmorphin, là alkaloid của thuốc phiện, nên có tác dụng giảm đau và giảm ho giống như Morpine, tuy nhiên tác dụng giảm đau và giảm ho của Codein kém Morphin 10 lần. 

Giống với Morphin, Codein cũng gây ức chế hô hấp, ức chế co thắt cơ trơn đường tiêu hóa. Codein hấp thu tốt ở đường uống, trong cơ thể có khoảng 10% Codein được chuyển hóa thành Morphin.

Vì có công thức hóa học giống với Morphine và khi chuyển hóa trong cơ thể 10% Codein chuyển hóa thành Morphine nên khi sử dụng với liều cao có thể gây các triệu chứng tương tự sử dụng ma túy như gây sảng khoái, lâng lâng, ảo giác, hưng phấn, kích thích thần kinh, mất phương hướng… 

Sử dụng Codein có thể có các triệu chứng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón, khô miệng, đái ít, mạch nhanh, hồi hộp, mệt mỏi, hạ huyết áp, vã mồ hôi, đỏ mặt… 

Đáng lưu ý là sau khi vụ việc bị phát giác, không có cơ sở chữa bệnh hay phòng khám, hiệu thuốc nào bị truy tố trách nhiệm hình sự dù rõ ràng họ đã bán thuốc gây nghiện cho người dùng. 

Cần có khái niệm rõ ràng Methadone là thuốc hay ma túy

Có thể khẳng định, nếu là thuốc thì sử dụng bất kì nơi nào, thời điểm nào thì vẫn là thuốc chứ không phải là ma túy.

Rõ ràng, vụ việc bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn bị truy tố là một tiền lệ cực kì nguy hiểm cho giới bác sĩ chuyên điều trị cai nghiện ma túy. Nếu bác sĩ bán thuốc Methadone cho bệnh nhân tức là bác sĩ đó đang mua bán trái phép chất ma túy. Theo tính chất bắc cầu thì phải chăng nhà nước ta đang cho phép mua bán công khai chất gây nghiện (ma túy) tại các cơ sở điều trị?

Theo khái niệm về Thuốc tại Khoản 2 Điều 2 Luật Dược: “Thuốc là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh... bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc;... Thuốc gây nghiện.... được quy định tại danh mục thuốc gây nghiện do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành...;”.

Như vậy, điều quan trọng nhất ở thuốc là chất có mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chứ không phải địa điểm được phép dùng thuốc này hay không. Bên cạnh đó, tiêu chí phân biệt rõ nhất của Thuốc gây nghiện và Chất ma túy:Thuốc gây nghiện là Thuốc có trong danh mục do Bộ Y tế ban hành (dù có chứa chất ma túy).

Đồng thời theo khoản 3.5 mục II Thông tư liên tịch 17 năm 2007 thì vi phạm trong việc mua, bán thuốc gây nghiện cần căn cứ vào mục đích của việc mua, bán thuốc này để xử lý vi phạm chứ không phải địa điểm mua, bán thuốc này. 

Nếu mục đích mua, bán thuốc gây nghiện chỉ là để kinh doanh, để chữa bệnh thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý khác nhưng không phải là tội phạm về ma túy. 

Thêm vào đó, nếu mục đích mua, bán thuốc gây nghiện là để thỏa mãn nhu cầu trái phép chất ma túy thì  thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật). 

Từ những lập luận trên, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung nhiều nội dung. Không ai có tội cho đến khi có bản án của Tòa, đến lúc này bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn cần phải được tôn trọng chứ không thể gọi là tội phạm “mua bán trái phép chất ma túy”.

Trong quá trình liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc của bác sĩ Ấn, khi phóng viên liên hệ hầu hết các cơ quan từ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đều có ý “né” về việc này.

Được biết, phía cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Đống Đa có gửi văn bản hỏi phía Thanh tra Bộ Y tê rằng Methadone là thuốc hay là ma túy?.

Và việc này, Thanh tra Bộ Y tế được Cục phòng chống HIV có văn bản tham mưu để trả lời. Được biết trong văn bản này cũng khẳng định rõ, Methadone là thuốc chứ không phải ma túy. 

Như vậy, khó có cơ sở pháp lý để để xử lý bác sĩ Ấn về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy”, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng để xử lý đúng người đúng tội, tránh để trường hợp xử lý oan sai, không đúng theo quy định pháp luật .

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh./.  

Đọc thêm