Như Báo PLVN đã thông tin ở kỳ trước về những khó hiểu quanh chuyện một chuyên gia cai nghiện bị bắt vì bán thuốc cai nghiện liên quan đến Bác sĩ Nguyễn Trọng Ấn (SN 1964, hộ khẩu thường trú tại 38 Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Bác sĩ Ấn đã có một thời gian công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, thuộc nhóm nghiên cứu, khám, chữa bệnh nghiện ma túy của Hội Chữ thập đỏ, Viện hóa học.
Mọi việc bắt đầu từ khi ông Ấn tham gia tư vấn khám chữa bệnh ma túy cho Tổng đài 1080 thông qua các cuộc gọi đến. Ông Ấn đã tư vấn cho nhiều người trong đó có đối tượng Nguyễn Trung (sinh năm 1977, ngụ tại Đống Đa, Hà Nội).
Ngày 27/7/2015, Trung có gọi cho ông Ấn đề cập việc muốn nhờ ông mua thuốc Methadone là thuốc chữa bệnh để cai nghiện ma túy. Ông Ấn đã đi mua một lọ nhựa màu trắng cao 8cm, đường kính 4cm đựng 7ml Methadone, nồng độ 0,674 dạng dung dịch màu hồng.
Khi hai bên đang giao dịch tại khu vực phố Đặng Văn Ngữ (Quận Đống Đa) thì bị Đội CSĐTTP về ma túy, Công an Quận Đống Đa bắt quả tang. Thu trong túi quần ông Ấn số tiền 1 triệu đồng, ông Ấn khai là tiền vừa bán dung dịch Methadone cho Trung.
Hoãn xét xử vì các tình tiết chưa đủ căn cứ?
Phiên tòa được mở dưới sự “chủ trì” của Thẩm phán Lê Thanh Bình. Bị cáo Ấn xuất hiện tại Tòa với vẻ mặt tiều tụy nhưng ánh mắt của ông vẫn giữ được sự bình thản, kiên quyết của người không có tội.
Đã từng là một chuyên gia điều trị cai nghiện ma túy có tiếng, là khách mời thường xuyên của các Hội thảo về điều trị cai nghiện, đã đi nhiều nước trên thế giới, nên ông Ấn bình tĩnh trả lời các câu hỏi của Thẩm phán, của Viện kiểm sát.
Ông Ấn khẳng định: Chất mà ông đưa cho Nguyễn Trung mặc dù có chứa chất Methadone (nằm trong danh mục chất ma túy được dùng hạn chế trong y tế tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013), nhưng dùng để chữa bệnh và có trong danh mục thuốc gây nghiện do Bộ Y tế ban hành, được quản lý theo quy chế của Bộ Y tế (Thông tư 19/2014/TT-BYT ngày 2/6/2014 v/v quản lý thuốc gây nghiện, Thông tư 14/TT-BYT/2015 ngày 25/6/2015 v/v quản lý thuốc Methadone…) thì gọi là thuốc Methadone chứ không gọi là ma túy Methadone.
Ông cũng viện dẫn một số văn bản đặc biệt là Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 31/10/2014 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành đẩy mạnh việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
Khi bị bắt, ông hết sức ngỡ ngàng vì trong văn bản nhà nước, với kinh nghiệm điều trị cai nghiện ma túy của ông thì Methadone chưa bao giờ là ma túy.
Sau khi kết thúc phần tranh tụng, Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung nhiều nội dung. Trong đó phần quan trọng nhất là: xác định 07ml Methadone, nồng độ 0,674 mà Ấn bán cho Trung là thuốc Methadone hay là ma túy?.
Hội đồng xét xử cũng yêu cầu xác định chính xác bằng văn bản Nguyễn Trọng Ấn có chứng chỉ hành nghề, có được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành cai nghiện ma túy hay không?. Xác định rõ tác hại của Methadone đối với người chưa nghiện ma túy, người đã và đang nghiện ma túy như thế nào?.
Trước những tình tiết và qua các bước xét xử như trên, dư luận bức xúc, nếu thực sự Methadone là thuốc chứ không phải ma túy thì ai sẽ chịu trách nhiệm về việc chuyên gia Nguyễn Trọng Ấn bị bắt oan sai?
Ý kiến của các chuyên gia về thuốc Methadone
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y Tế cho biết, năm 2015, bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tăng 214% so với năm 2014, bằng 78% so với giai đoạn 2008 – 2014.
Thực tế qua hơn 5 năm triển khai Chương trình điều trị Methadone ở nước ta đã chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cho gia đình người bệnh và xã hội. Người bệnh tham gia điều trị đã giảm đáng kể cả về tần suất và liều sử dụng hê-rô-in, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tình trạng về sức khỏe thể chất và tinh thần cải thiện rõ rệt (sống vui vẻ, có ích, chất lượng cuộc sống tăng lên). Tình hình trật tự, an ninh xã hội và an toàn của cộng đồng dân cư nơi có người nghiện chích ma túy cũng được cải thiện đáng kể (tỷ lệ người bệnh có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia điều trị).
Tại TP Hải Phòng, theo báo cáo của Công an quận Lê Chân, chỉ sau sáu tháng triển khai Chương trình điều trị Methadone, số vụ trộm cắp vặt liên quan đến nhóm nghiện chích ma túy tại khu vực Bệnh viện Việt Tiệp giảm từ 60 đến 70%, số vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy, tại khu vực chợ Sắt cũng giảm hơn 70%.
Theo Nghị định số 96/2012/NÐ-CP của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Thông tư số 12/2013/TT-BYT của Bộ Y tế thì, trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình điều trị Methadone có thể được mở rộng với tốc độ nhanh hơn, cứ mỗi quận/huyện có hơn 250 người nghiện chích ma túy thì UBND tỉnh, thành phố phải thành lập cơ sở điều trị Methadone.
Với tốc độ mở rộng chương trình Methadone như nêu trên, mô hình toàn diện đang được triển khai chắc chắn sẽ không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điều trị của người bệnh cũng như ngân sách của Chính phủ sẽ không thể bảo đảm để bao cấp cho toàn bộ bệnh nhân. Do đó việc triển khai mô hình xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ là giải pháp giúp mở rộng và duy trì hiệu quả của chương trình này.
Cần lưu ý, Methadone được Bộ Y tế chọn làm chất thay thế cai nghiện nhờ các ưu điểm: Hấp thu qua đường uống nên giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác; ít gây nghiện hơn ma túy và không đòi hỏi phải tăng liều, chỉ phải dùng 1 lần/ngày. Liệu pháp Methadone đã được áp dụng trên thế giới 40 năm nay và chứng tỏ có hiệu quả tốt.
Chất này đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh mục thuốc thiết yếu. Methadone có tên gọi hóa học là 6 - (Dimethyl lamino) - 4,4 diphenylheptan-3-one với công thức phân tử C21H27NO. Ðây là một chất opioid tổng hợp. Cơ chế tác dụng của thuốc: Do Methadone có tác dụng lên các thụ thể trong não tương tự như morphin và heroin cho nên trong y khoa người ta dùng Methadone để điều trị các chứng đau mạn tính và cai nghiện ma túy.
Ðiều trị thay thế Methadone nhằm làm cho người nghiện không lệ thuộc vào việc dùng chất ma túy bất hợp pháp, giảm tử vong liên quan ma túy và nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tiêm chích như HIV, viêm gan B, C. Ðáng chú ý, điều trị Methadone giúp cải thiện tình trạng sức khỏe; tạo điều kiện cho người nghiện có việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống và có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Lợi ích của điều trị bằng Methadone là sau một thời gian sử dụng, người nghiện ma túy có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng Methadone.
Theo bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một cơ hội rất lớn cho những người nghiện heroin, cho cả gia đình và xã hội. Bộ Y tế đã khảo sát trên 1 ngàn người được điều trị bằng Methadone, kết quả cho thấy sau 6 tháng điều trị, số người tiếp tục sử dụng heroin chỉ còn 14%, sau 12 tháng còn 9%.
Sau 2 năm điều trị, hầu như số người tiếp tục chích heroin chỉ còn chưa tới 4%. Về tần suất sử dụng heroin, trước điều trị, phần lớn đối tượng sử dụng từ 2-3 lần, thậm chí có người dùng đến 5 lần/ngày. Nhưng qua 12 tháng điều trị bằng Methadone, không còn bệnh nhân nào sử dụng quá 2 lần/ngày. Và tần suất này giảm đáng kể sau 24 tháng điều trị, có đến 80% số người nghiện chỉ còn sử dụng 2-3 lần/tháng; số vụ vi phạm pháp luật trong nhóm đối tượng tiêm chích cũng giảm đến 70% do bệnh nhân không còn “bức bối” chuyện kiếm tiền “chơi” thuốc.
Hy vọng những dẫn chứng phong phú, đầy đủ về thuốc Methadone trên sẽ giúp cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa và các cơ quan chức năng xem xét, giải oan cho chuyên gia điều trị cai nghiện ma túy Nguyễn Trọng Ấn.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin, phản ánh về vụ việc ở các bài tiếp theo.