Liên tục xuất hiện các hình thức lừa đảo mới trên mạng
Mới đây, anh N.V.T., ngụ đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh đã chia sẻ câu chuyện bị lừa của người thân. Theo đó, người thân của anh T. nhận được một số tin nhắn chào mời dịch vụ mại dâm, tin nhắn có nội dung cụ thể như sau: “Em gai sinh vien tim viec ban thoi gian. Neu anh co nhu cau tinh duc gia phai chang co the lien he Zalo cua em: http://tly.zuu2...”. Tò mò, người thân của anh T. đã bấm vào đường link, sau đó làm theo một số hướng dẫn từ đường link nói trên để thử sử dụng dịch vụ. Sau đó, người dùng đã bị dẫn dụ cung cấp OTP ngân hàng để thanh toán tiền dịch vụ, khi nhận ra bị lừa thì tài khoản ngân hàng đã bị trừ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
|
Một thủ đoạn gửi đường link nhờ bình chọn cuộc thi, khi nạn nhân truy cập vào có thể bị chiếm đoạt tài khoản, tiền bạc. (Ảnh: người dân cung cấp). |
Thời gian gần đây, nhiều thuê bao phản ánh liên tục nhận được những tin nhắn tương tự với các đường link “lạ”. Đáng nói là, một số thuê bao lại nhận tin nhắn hình thức như trên, từ các thuê bao chưa từng lưu trong danh bạ nhưng lại có những cái tên mặc định nghe rất dung tục, như “Len Dinh”, “Tinh duc”, “Dich vu mai dam”... Khi truy cập vào đường link, người dùng có thể bị mời chào các dịch vụ mại dâm, cờ bạc phi pháp, hoặc bị lừa đánh cắp khoản mạng xã hội, bị rút mất tiền trong ngân hàng.
Ngoài ra, nhiều người dùng mạng xã hội cũng thường nhận được đường link lạ từ những người quen (thực chất đã bị đánh cắp tài khoản), yêu cầu truy cập vào đường link để xem hình ảnh, bầu chọn dự thi... Sau đó với thủ đoạn tương tự như trên, chiếm đoạt tài khoản mạng và tiền bạc của nạn nhân.
Một hình thức lừa đảo khác khá phổ biến đang nở rộ thời gian gần đây là giả dạng cán bộ cơ quan chức năng (cán bộ Công an, cơ quan thuế...) để lừa đảo. Các đối tượng đầu tiên là liên lạc với nạn nhân để yêu cầu thực hiện các thủ tục liên quan đến giấy tờ qua mạng, sau đó thực hiện video call với nạn nhân để tạo sự tin tưởng. Trong lúc video call, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... Sau đó, đối tượng sẽ ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử với đứng tên nạn nhân.
|
Gần đây các thuê bao liên tục phản ánh nhận được tin nhắn môi giới mại dâm có chứa đường link độc hại. (Ảnh: người dân cung cấp). |
Đáng sợ hơn, các đối tượng còn dùng những thủ đoạn công nghệ cao như công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói nhằm giả mạo làm người thân của nạn nhân, sau đó dùng video call để mượn tiền.
Theo cơ quan công an, việc thu thập được thông tin định danh cụ thể của nạn nhân không chỉ để các đối tượng tiến hành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân mà còn lợi dụng thông tin ấy để gây ra các chuỗi lừa đảo hay hành vi vi phạm pháp luật khác. Từ một nạn nhân bị chiếm đoạt thông tin, chúng có thể lập ra những tài khoản giả mạo để đi lừa các nạn nhân khác. Hoặc khi chiếm được tài khoản mạng xã hội của nạn nhân này, chúng dùng để mượn tiền, lừa đảo những người quen khác của họ. Mới đây, nhiều tỉnh thành đã ghi nhận sự việc nhiều băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của một số người có uy tín như giáo viên, lãnh đạo địa phương, đăng thông tin kêu gọi quyên góp từ thiện và lừa được tiền của không ít nạn nhân khác.
Còn có thể kể ra nhiều hình thức lừa đảo qua mạng đang nổi cộm trong thời gian gần đây như một số đối tượng sử dụng hình thức tuyển cộng tác viên qua các website và sàn thương mại điện tử lớn trong nước để lôi kéo người dân tham gia thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo bằng cách giả mạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng, giả vờ làm thủ tục cho người dân vay tiền để lấy thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của họ...
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông), trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến
Đánh vào tâm lý thương con, lo cho con của nhiều bạc cha mẹ, nhiều tổ chức lừa đảo đã lên những kịch bản tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Gần đây, đã rộ lên thủ đoạn lừ đảo giả danh “tuyển người mẫu nhí”. Theo đó, các đối tượng đăng quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo... về việc “Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu” sau đó tìm kết bạn với các bậc phụ huynh có con nhỏ ở nhiều thành phố lớn, mời họ cho con tham gia ứng tuyển. Khi phụ huynh đồng ý, các đối tượng sẽ có nhiều cách lừa như dụ dỗ phụ huynh bỏ tiền “mua giải” cho con, hoặc tham gia vào đường dây tiêu thụ sản phẩm của thương hiệu để tăng khả năng con thắng giải... Nhiều phụ huynh đã bị lừa với số tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu từ chiêu lừa này.
Trước đó, cũng nhắm vào đối tượng phụ huynh, nhiều nhóm lừa đảo đã vẽ ra kịch bản giả làm giáo viên thông báo với phụ huynh trẻ đang cấp cứu, cần đóng viện phí gấp. Một số phụ huynh quá sợ hãi, cả tin đã bị lừa số tiền lớn.
Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Các đối tượng lừa đảo nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo,…
Thời gian qua, cơ quan công an đã phát đi nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhắm giúp người dân nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Theo khuyến cáo của cơ quan công an, người dân cần luôn đề cao cảnh giác, tuyên truyền với người thân, bạn bè về các phương thức, thủ đoạn hoạt động về đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Đồng thời, không truy cập vào các đường link lạ gửi đến từ các tài khoản.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo, khi nhận các cuộc gọi có thông tin bất ngờ, người dân nên gọi đến nhiều người quen, người thân liên quen đến sự việc để xác nhận sự việc hay nhận tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra Cẩm nang nhận diện và phòng chống 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam với những tình huống cụ thể như: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).
Còn có các hình thức lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; Lừa đảo tuyển CTV online; Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; Đánh cắp thông tin Căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…