Nhận diện "chiêu trò" giả điên nhằm thoát tội

Từ những người bình thường, sau khi gây án, bị can bị cáo bỗng hóa thành những kẻ điên loạn, gia đình họ cũng ra sức chứng minh con em mình… điên thật nhằm thoát sự trừng trị của pháp luật. Để bóc mẽ những kẻ giả điên, các giám định viên phải tốn không ít công sức…

Từ những người bình thường, sau khi gây án, bị can bị cáo bỗng hóa thành những kẻ điên loạn, gia đình họ cũng ra sức chứng minh con em mình… điên thật nhằm thoát sự trừng trị của pháp luật. Để bóc mẽ những kẻ giả điên, các giám định viên phải tốn không ít công sức…

Gây trọng án rồi bỗng dưng hóa điên
Không quá khi nói rằng, “bệnh” điên sau khi gây án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hiếp dâm, giết người, cướp tài sản… thời gian qua đã trở thành một “trào lưu” đáng báo động. Cứ gây án xong, thậm chí cơ quan pháp luật chưa kịp “sờ” đến thì kẻ phạm tội từ người thường bỗng hóa điên. Rất nhiều người trong số này là người… "điên” lần đầu (vì chưa có tiền sử bệnh tật về bệnh tâm thần hay bị di truyền từ người thân…). 
Điển hình như vụ án của Nguyễn Thị Sánh Em (SN 1965, ngụ ấp 4, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Là đối tượng không nghề nghiệp, không đồng bạc giắt lưng nhưng lại ham mê lô đề, cờ bạc.
Nợ "ngập đầu" nhưng không có tiền trả, Em quyết định thực hiện phi vụ bắt cóc trẻ em. Một ngày tháng 5/2012 lợi dụng lúc bé T (ở xã Phú Ngãi) đang chơi, Em đã bắt cóc bé đem đi bán. Tuy nhiên, với sự cảnh giác cao độ của quần chúng, khi Em đang rao bán bé thì bị lộ. Bị Công an truy đuổi đến sát biên giới, Em đột ngột… quay lại la ó, điên loạn, và cởi bỏ hết quần áo giữa chốn đông người… Nhưng sau đó Em đành cúi đầu nhận tội chỉ giả điên vì không còn “kế” nào khác.
Một vụ án nổi tiếng trong lịch sử tố tụng về giám định pháp y tâm thần có lẽ là vụ án Đồng Đăng Phúc phạm tội giết người ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi bị bắt giam, Phúc có biểu hiện tâm thần. Kết quả giám định cho thấy Phúc bị bệnh tâm thần phân liệt, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và cần đưa đi chữa bệnh một thời gian. Không tin tưởng kết quả này, giám định lần hai, Phúc vẫn phải chữa bệnh. Tuy nhiên, đến lần ba thì kết luận chuyển hướng Phúc bị “rối loạn nhân cách do sử dụng rượu”, Phúc bị tòa tuyên án chung thân (sau khi đã giảm một phần trách nhiệm hình sự).
Tại phiên tòa phúc thẩm, Phúc tỏ ra rất bình thường, không có biểu hiện tâm thần. HĐXX cũng đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong 3 lần giám định và hủy án. Lần thứ 4 giám định, kết quả thật bất ngờ là Phúc hoàn toàn bình thường và hắn phải chịu mức án tử hình.
 “Vạch mặt” kẻ phạm tội
Theo quy định của pháp luật về hình sự, người phạm tội gây án mà bị tâm thần (điên) thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (mà chỉ có thể bị áp dụng các biện pháp chữa bệnh…). Có lẽ vì thông hiểu các quy định này nên gần đây trong rất nhiều vụ án, kẻ gây án đã dùng khổ nhục kế nói trên để tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Về nguyên tắc, khi người phạm tội có dấu hiệu về tâm thần, cơ quan tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định. Tuy nhiên, đây là một loại “bệnh” rất đặc thù nên việc xác định người đó tâm thần thật hay không là một việc không dễ dàng.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp tại báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp,  đến nay, tổng số giám định viên được bổ nhiệm và cấp thẻ là 3115 người, trong đó, có khoảng 722 giám định viên chuyên trách (chủ yếu là giám định viên kỹ thuật hình sự chiếm 582 người, giám định viên pháp y khoảng 100 người, còn lại giám định viên pháp y tâm thần).
Mỗi năm Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương giám định từ 200-300 trường hợp, tổ chức giám định pháp y tâm thần mỗi tỉnh thực hiện giám định khoảng 5 vụ.
Tuy số lượng vụ việc không nhiều nhưng thời gian thực hiện một vụ việc giám định pháp y tâm thần thường phải kéo dài, mất ít nhất từ 10 đến 15 ngày, thậm chí 30 ngày để theo dõi diễn biến tình trạng tâm thần của đối tượng. 

BS Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nguyên giám đốc Trung tâm GĐPYTT TP - từng chia sẻ: Khi giám định các đối tượng phạm tội, nhất là những tội nặng, các ông thường gặp dạng giả tâm thần. “Khi đó, tay nghề vững vàng và lương tâm nghề nghiệp là hai điều rất cần thiết ở người giám định viên”, Bác sỹ Thắng nhấn mạnh.

“Trong nhiều trường hợp, người được giám định sẽ dựng lên các màn kịch điên rất thật, thậm chí sẵn sàng “thoả thuận” với giám định nếu vở kịch bất thành” . Để “bắt bài” các đối tượng này, nhiều khi phải kéo dài thời gian theo dõi.

Thạc sỹ Đoàn Hồng Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng kiêm Phó giám đốc Trung tâm GĐPYTT - cũng cho biết: “Đặc tính của bệnh tâm thần rất phức tạp, tiến triển lâu dài, khó chẩn đoán do không có định lượng tâm thần. Không như các bệnh nội, ngoại khoa có xét nghiệm, chụp, chiếu... để định bệnh tức thì, bệnh tâm thần chỉ được xác định chủ yếu qua hỏi, điều tra, tìm hiểu khách quan... Thế nên, mỗi giám định viên pháp y tâm thần không khác gì một cán bộ điều tra của lực lượng công an”.
Khó khăn của giám định pháp y tâm thần không dừng lại ở chỗ phải kiên trì theo dõi sát bệnh nhân, thời gian theo dõi kéo dài…mà quan trọng hơn là làm thế nào để đưa ra một kết luận giám định chính xác, khách quan. Bởi lẽ, điều này còn liên quan đến thời điểm giám định.
Có những người tại thời điểm gây án không điên, nhưng sau đó thì phát bệnh hoặc ngược lại. Kết luận giám định một mặt vừa tránh xảy ra tình trạng giả điên thoát tội, nhưng mặt khác cũng không “buộc” những người bệnh thật vào lao lý.
Bình An 

Đọc thêm