Là một khâu trong quy trình chuyển tiếp
Như Báo PLVN đã thông tin, sau khi thường trực HĐND TP Hà Nội cho phép chuyển chỉ tiêu biên chế viên chức đang là nhân viên chăn nuôi thú y tại 177 phường, thị trấn (nhân viên thú y cấp phường) thành chỉ tiêu viên chức làm nhân viên kiểm soát giết mổ và giao số chỉ tiêu biên chế viên chức này về Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và Chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị động vật, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Trạm kiểm dịch giết mổ); Sở NN&PTNT đã tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động đối với 154 nhân viên thú y cấp phường trên địa bàn Hà Nội kể từ ngày 1/1/2021.
Theo đơn kiến nghị của nhiều lao động, là viên chức được tuyển dụng theo đề án được UBND TP phê duyệt, thay vì xét tuyển đặc cách viên chức, bố trí việc làm cho họ sang làm việc tại Trạm kiểm dịch thì Sở NN&PTNT và Chi cục Thú y lại đơn phương chấm dứt hợp đồng và bắt họ phải “thi đấu” với hàng trăm lao động khác ngoài đề án để giành việc làm là việc làm không công bằng, không đúng tinh thần chỉ đạo của HĐND và UBND TP.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi & Thú y Hà Nội cho biết: Để ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển cần phải đưa hệ thống thú y cấp phường xã vào để trưng dụng nên năm 2012 Sở NN&PTNT đã trình TP phê duyệt đề án củng cố hoạt động thú y xã phường. Theo đề án, mỗi xã phường được phép tuyển một trưởng ban thú y, được hưởng lương như viên chức, nhưng chỉ sau khi được TP tuyển dụng chính thức thì mới thành viên chức.
“Đề án bắt đầu thực hiện từ 2013, sở đã đề xuất TP cho tuyển dụng được 13 trường hợp đưa vào viên chức. Tuy nhiên, đến 2016 Luật Thú y ra đời, do luật không quy định viên chức thú y cấp xã mà chỉ quy định lực lượng này hoạt động không chuyên trách nên TP không cho tuyển dụng nữa”, ông Sơn thông tin.
Tuy không được tuyển dụng vào viên chức nhưng số lao động này vẫn được ký hợp đồng và làm việc từ đó cho đến 2020. Theo ông Sơn, sau khi Hà Nội có quy định ở các phường, thị trấn không được phép chăn nuôi, để giải quyết số lao động dôi dư mà đề án để lại, TP cho phép điều chuyển chỉ tiêu biên chế này sang chỉ tiêu biên chế của Trạm kiểm dịch giết mổ.
“Tuy nhiên, việc điều chuyển ở đây là điều chuyển biên chế chứ không phải điều chuyển con người. Và để được biên chế mà UBND TP đã phê duyệt, 154 người vốn là nhân viên thú y cấp phường sẽ phải tham gia kỳ tuyển dụng viên chức theo quy định hiện nay”, ông Sơn giải thích.
Ông Sơn cho biết thêm, kể từ năm 2021, Sở Nội vụ cũng đã không còn giao biên chế thú y cấp phường được hưởng lương từ ngân sách TP. Sở Tài chính cũng không bố trí nguồn kinh phí hoạt động cho đội ngũ này nữa. “Vì thế, Sở NN&PTNT buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với họ. Việc chấm dứt hiểu đúng bản chất chỉ là một khâu trong quy trình chuyển tiếp điều chuyển số chỉ tiêu biên chế sang Trạm kiểm dịch theo các quyết định của HĐND và UBND TP”, ông Sơn nói.
|
Ông Nguyễn Ngọc Sơn |
Đảm bảo xét tuyển công bằng
Theo Sở NN&PTNT, sau khi cho chấm dứt hợp đồng lao động với 154 lao động đến nay, Sở này đang nỗ lực giải quyết một số tồn tại như: Thực hiện đúng chế độ chính sách đối với những người đang nghỉ chế độ thai sản, tai nạn lao động; hoàn thành việc làm sổ bảo hiểm cho người lao động; bố trí việc làm cho các đối tượng đủ điều kiện trong khi chờ đợi thi (xét) tuyển viên chức; tham mưu, đề xuất đưa lực lượng này về theo đúng luật là hoạt động không chuyên trách…
Lãnh đạo Chi Cục Thú y Hà Nội cho hay: Ngày 26/3/2021, UBND TP đã có Quyết định 1437 phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức tại Trạm kiểm dịch. “TP đồng ý việc tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển. Tôi khẳng định không có việc ưu ái ai. Các đối tượng được hưởng ưu tiên thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Hiện Sở đang làm thông báo tuyển dụng và chậm nhất là tháng sau sẽ tiến hành việc xét tuyển vào viên chức ở vị trí việc làm này”, ông Sơn thông tin.
Liên quan đến thông tin nhiều lao động đột nhiên được Chi Cục Thú y điều chỉnh mức tiền công, nâng từ 2-4 bậc lương sau khi đã chấm dứt hợp đồng, ông Sơn lý giải: Do Luật Thú y không quy định biên chế lực lượng này nên việc tăng lương cho họ rất khó khăn. Có những đợt Chi cục đã thực hiện tăng lương nhưng sau đó phải dừng lại do Kiểm toán Nhà nước “tuýt còi”.
Ông Sơn nói, khi chấm dứt hợp đồng lao động, để chốt được sổ bảo hiểm cho người lao động thì phải điều chỉnh tiền công thì phía bảo hiểm mới đồng ý. “Vì thế Sở linh hoạt cho phép điều chỉnh tiền lương nhưng không tăng lương. Việc này là để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động để chốt được sổ và được thanh toán các khoản bảo hiểm xã hội”, ông Sơn nói.