NHCSXH huyện Quế Phong: Phát huy tính ưu việt huy động tiết kiệm trong dân cư

(PLO) - Là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn trong Chương trình 30a, nhưng con số huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quế Phong (Nghệ An) lại ấn tượng ngoài sức mong đợi. Đầu xuân, cùng nghe cán bộ NHCSXH nói về cách làm để có được kết quả này.
Cán bộ NHCSXH Quế Phong tuyên truyền và làm thủ tục nhận tiền gửi tiết kiệm cho người dân ngay trong các buổi giao dịch tại xã
Cán bộ NHCSXH Quế Phong tuyên truyền và làm thủ tục nhận tiền gửi tiết kiệm cho người dân ngay trong các buổi giao dịch tại xã

“Gõ tận nhà, rà tận người”

Quế Phong thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương, cách trung tâm tỉnh hơn 200km, còn điểm giao dịch xã cách trung tâm huyện xa nhất là hơn 250km đường núi. Tháng 11/2016, NHCSXH có chủ trương huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã, phòng giao dịch (PGD) huyện Quế Phong nhanh chóng triển khai kế hoạch.

Chỉ tiêu đặt ra cho PGD Quế Phong là 150 triệu đồng, và con số đó ban đầu đã khiến cán bộ nhân viên lo lắng không ít vì đây là lần đầu tiên NHCSXH triển khai dịch vụ huy động tiết kiệm trong dân cư tại điểm giao dịch xã. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc PGD NHCSXH Quế Phong chia sẻ, địa phương là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhận thức của nhân dân với NHCSXH lâu nay chỉ là vay chứ chưa có khái niệm gửi tiết kiệm. 

Đã thế, trong lĩnh vực huy động tiết kiệm trong dân cư này, “lính mới” NHCSXH còn phải cạnh tranh với một số ngân hàng thương mại trên địa bàn có mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn, linh động hơn, có nhiều chính sách đãi ngộ thu hút khách hàng hơn. Thậm chí, trong tâm lý của nhiều người là khách hàng vay vốn của ngân hàng, họ có tiền nhưng vẫn không dám đến ngân hàng gửi vì sợ bị trừ mất tiền đang vay… Điều này khiến cho việc thu hút nguồn vốn gửi tiết kiệm có phần hạn chế hơn.

“Đơn vị đã quán triệt với tất cả cán bộ nhân viên khi đến địa bàn phải tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con hiểu được chính sách của chương trình tiết kiệm. Để người dân hiểu được việc góp tiền vào NHCSXH vừa tích lũy được có tiền lãi giống như bất kỳ việc gửi tiết kiệm bình thường nào khác, lại vừa có thể cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cơ hội được tiếp cận nguồn vốn, làm kinh tế thoát nghèo…”, ông Hùng nói.

Từ việc tuyên truyền qua những buổi giao dịch tại xã, cán bộ cũng đến từng hộ gia đình có tiền dôi dư để vận động giải thích. Trên hệ thống loa phát thanh phường, xã cũng được địa phương phối hợp tuyên truyền. Một lợi thế là từ khi triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thì lãnh đạo các xã, huyện đều rất quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách.

Điều này thể hiện rõ nhất khi có chủ trương của NHCSXH về tiết kiệm tại điểm giao dịch xã thì thủ trưởng các xã, các đơn vị ủy thác đều làm gương trong việc gửi tiết kiệm. “Chủ tịch các xã như Mường Nọc, Quế Sơn, Thông Thụ… là những người tiên phong trong việc gửi tiết kiệm để cán bộ, nhân dân tin tưởng và làm theo. Người 500 ngàn, người 1 triệu, người vài triệu đã làm cho phong trào gửi tiết kiệm thêm sôi nổi và hiệu quả…”, ông Hùng vui vẻ nói. 

Phát huy tính ưu việt từ “nguồn lực” lòng dân

Từ đó, các hội ủy thác, các tổ trưởng tổ vay vốn cũng tích cực gửi tiết kiệm, tuyên truyền sâu rộng đến từng cá nhân, từng hộ gia đình về chương trình này. Những khách hàng đầu tiên tìm đến NHCSXH với ý định “thăm dò” với số tiền ít, và gửi lãi suất trong vòng 1 tháng đã tìm đến gửi số tiền lớn hơn kéo theo nhiều khách hàng khác.

“Nhiều hộ gia đình nghèo cũng có những nguồn tiền nhàn rỗi từ việc bán được con trâu, con bò hoặc tiền con cái đi làm ăn xa gửi về. Để nguồn tiền phát huy hiệu quả lại an toàn, cán bộ ngân hàng sẽ tư vấn cho khách hàng hiểu được mục đích, ý nghĩa của số tiền gửi tiết kiệm, từ đó nhiều người ủng hộ nhiệt tình. Thủ tục gửi tiết kiệm nhanh gọn, được cán bộ ngân hàng làm ngay tại điểm giao dịch, an toàn, bí mật, có hiệu quả kinh tế…”, ông Nguyễn Khoa Văn, Phó Giám đốc PGD NHCSXH Quế Phong kể. 

Trong vòng 2 tháng thực hiện (tính đến 31/12/2016), PGD NHCSXH Quế Phong có số tiền huy động tiết kiệm trong dân cư tại điểm giao dịch xã đạt thứ 4 toàn tỉnh với 1,005 tỷ đồng trong tổng số 13,250 tỷ đồng huy động của toàn tỉnh đạt được. Ba địa phương khác có số tiền huy động lớn hơn là thành phố Vinh với 1,402 tỷ đồng, Diễn Châu với 1,013 tỷ đồng và Thanh Chương là 1,021 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Nghệ An -  đánh giá: “Một trong những sự ưu việt của tiết kiệm tiền gửi tại điểm giao dịch xã là cán bộ ngân hàng đến tận từng thôn, bản, thậm chí từng hộ gia đình để nhận tiền và làm thủ tục gửi tiết kiệm. Người dân sẽ không phải mất thời gian, đường sá xa xôi ra tận trung tâm huyện để gửi tiền tiết kiệm như các ngân hàng thương mại, lại rất an toàn… Dù là huyện nghèo, chương trình mới triển khai trong vòng khoảng 2 tháng nhưng Quế Phong là một điểm sáng trong hoạt động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã mà các đơn vị khác cần học tập…”. 

Đọc thêm