Theo tìm hiểu của PV báo Pháp luật Việt Nam, các bãi cát tự phát này đã tự ý thuê đất ven sông của hộ dân, chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tự ý san gạt làm nơi tập kết vật liệu.
Đáng lo ngại, vị trí bến bãi tập kết nằm sát mép sông, gần sát chân đê, các công trình trọng yếu, cạnh nhà dân với diện tích lớn đến hàng nghìn m2. Cá biệt, nhiều chủ bến còn đổ đất, đổ bê tông đắp nền vi phạm Luật Đê điều, lấn đường giao thông khiến cho lòng sông đang dần bị thu hẹp, cản trở dòng chảy, uy hiếp sự an toàn của đê điều nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Chính quyền lúng túng xử lý bến bãi. Ảnh: Xuân Hồng. |
Nhiều người dân xã Nghinh Xuyên, huyện Đoan Hùng cho biết, cách đây vài tháng, xe chở cát từ xã Đông Khê chạy qua tuyến đường trục chính của xã đã làm cả tuyến đường bụi mù, cát sỏi rơi vãi bay tung tóe khắp đường rồi len lỏi vào nhà. Hiện nay, đường đang được đầu tư nâng cấp nên lượng xe giảm rất nhiều.
“Nếu xong đường, các phương tiện vận tải cát sỏi chắc chắn sẽ nhiều, đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường khói bụi, cũng như đường bị ảnh hưởng là khó tránh khỏi”, một người dân xã Nghinh Xuyên chia sẻ.
Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê khẳng định, trên địa bàn xã đang có 3 bến bãi gồm bến Cầu Úa của hộ ông Nguyễn Văn An; bến Công ty Cổ phần xây dựng đô thị Phú Thọ do ông Lê Quý Hùng đại diện quản lý và bến Đông Khê của hộ bà Nguyễn Thị Lan đều hoạt động không phép, có nhiều sai phạm như: không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không có quyết định xây dựng các hạng mục công trình trên bến; không có kế hoạch bảo vệ môi trường; vi phạm hành lang an toàn các công trình; không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất.
“Thẩm quyền của xã Đông Khê phát hiện, đôn đốc kiểm tra, nhắc nhở và báo cáo gửi cơ quan thẩm quyền cao hơn để xử lý. Mặc dù, các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử lý hành chính nhưng đến nay bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động, chính quyền chưa có biện pháp hay chế tài mạnh để xử lý những vi phạm cụ thể”, ông Tuấn cho biết.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê trao đổi với PV. Ảnh: Xuân Hồng. |
Ông Nguyễn Hùng Luân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng cho hay, vài năm trở lại đây, các bến bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng không phép mọc lên rất nhiều, rất khó kiểm soát.
Cá nhân, tổ chức hoạt động bến bãi không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, làm thất thu một khoản cho ngân sách. Thực tế hoạt động bến bãi đang có rất nhiều vi phạm, có bến bãi không có bất cứ một giấy phép nào nhưng vẫn hoạt động nhiều năm mà không bị kiểm soát, di dời hoặc cấm hoạt động.
“Huyện Đoan Hùng có sông Lô và sông Chảy với 51 bến thủy nội địa đang hoạt động. Trong đó, rất ít bến được cấp phép hoạt động; 37 bến hoạt động không phép, nhiều bến đã hết hạn giấy phép nhưng không hoặc chưa được gia hạn vẫn vô tư hoạt động. Những bến bãi này đã hoạt động đã nhiều năm nay”, ông Luân chia sẻ.
Ông Nguyễn Hùng Luân cho biết thêm, theo kế hoạch đến hết tháng 6/2018 sẽ xử lý dứt điểm các bến bãi trái pháp luật đang hoạt động trên địa bàn huyện. Những bến bãi đã được tỉnh phê duyệt vào quy hoạch sẽ cho tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết trình tỉnh quyết định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyện chưa thể hoàn thành kế hoạch này và sẽ có báo cáo gửi tỉnh về việc xin “kéo dài” thời gian xử lý”.
Trên thực tế, dù đã được quy hoạch nhưng tình trạng bến bãi hoạt động không phép vẫn ngang nhiên do có sự bất cập công tác quản lý. Về nguyên tắc, bến thủy nội địa chỉ được hoạt động khi hoàn tất các thủ tục quy định, gồm: Giấy phép hoạt động bến bãi do Sở Giao thông Vận tải của tỉnh cấp; quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế có bất cập về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
“Nhiều tổ chức, doanh nghiệp khi gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động đến Sở giao thông Vận tải đã bị yêu cầu phải có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép hoạt động bến thủy. Trong khi đó, xét về mặt thực tế, về phía địa phương phải có quyết định cấp phép bến bãi từ Sở Giao thông Vận tải, huyện mới tiến hành rà soát quỹ đất và giao cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện hoạt động được. Chính vì chưa thống nhất được quan điểm giữa Sở Giao thông và các địa phương nói chung, huyện Đoan Hùng nói riêng, do vậy, chính quyền địa phương đang lúng túng trong thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa", ông Luân nói.
Để thực hiện theo đúng quy hoạch bến bãi của tỉnh Phú Thọ, trước mắt, huyện Đoan Hùng sớm xử lý dứt điểm bến bãi đang hoạt động phải đưa ra khỏi quy hoạch vì không phù hợp với tiêu chí quy hoạch bến mới, nằm trong hành lang bảo vệ đê, kè, sát miệng cống thủy lợi, công trình thủy lợi…
Theo quyết định số 2657/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Đoan Hùng sẽ có 37 bến đang hoạt động đưa vào quy hoạch, 14 bến đang hoạt động đưa ra khỏi quy hoạch, 3 bến quy hoạch mới.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin.