Số liệu từ Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 30/31 bệnh viện trực thuộc Sở, 21/23 bệnh viện quận, huyện là có khoa, tổ dinh dưỡng, tiết chế. Riêng khối bệnh viện tư nhân, chỉ có 10/34 bệnh viện thành lập khoa, tổ dinh dưỡng, tiết chế.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết, đối với một số bệnh cần phải can thiệp về chế độ dinh dưỡng từ bệnh viện thì hiện nay việc cung cấp suất ăn cho họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bà Diệp lấy ví dụ: Hiện có nhiều người bệnh mắc bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiêu hóa, ung thư thì phải ăn theo chế độ bệnh lý. Số này chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân nằm viện. Thế nhưng, ngoại trừ một số bệnh viện lớn đã làm tốt công tác dinh dưỡng, còn lại hầu hết các bệnh viện không đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng trong điều trị bệnh tật cho bệnh nhân.
Nguyên nhân được bà Diệp nhìn nhận là do bệnh viện chưa chú trọng đầu tư cho khoa dinh dưỡng. Vì thế, nguồn nhân lực để có thể thực hiện công tác chăm sóc dinh dưỡng tại bệnh viện chưa được chuyên nghiệp.
Thậm chí, tại các cơ sở đào tạo, chuyên ngành về dinh dưỡng, chuyên khoa dinh dưỡng, mà cụ thế ở đây là đào tạo bác sĩ dinh dưỡng, cử nhân dinh dưỡng tại cũng không phải là ngành hấp dẫn đối với sinh viên. Vì thế mà nguồn nhân lực để thực hành công tác dinh dưỡng tại các bệnh viện thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân nhập viện điều trị ở nước ta hiện chiếm khoảng 40-50%. Đại diện cơ quan này cho rằng, trong quá trình điều trị nội trú tại bệnh viện, nếu không bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý, bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng, sẽ dễ dẫn đến biến chứng, thậm chí có thể gây tử vong.
Và, dinh dưỡng cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện mà Bộ Y tế đã ban hành.