Nhiều cách làm mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

(PLVN) - Với nhiều cách làm mới, sáng tạo của các địa phương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai qua 13 năm liên tục và mang lại nhiều kết quả tích cực. 
Các nhà sáng tạo nội dung livestream bán sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La trên các nền tảng số. Ảnh: TTXVN

Sau 13 năm Cuộc vận động và sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới, nhiều hiệu quả rất tích cực đã đạt được. Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng các thương hiệu Việt, được sản xuất bởi chính người Việt.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỉ lệ này chiếm từ 60 - 96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Điều đặc biệt, kể từ sau dịch COVID-19, hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

Có 56/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 130.269 cuộc tuyên truyền với trên 6,9 triệu lượt người tham dự; tổ chức được 1.219 nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 2.955 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 2.002 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”, “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”…

Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các địa phương triển khai sâu, rộng. Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động. Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trải qua 13 năm thực hiện là điểm nhấn sáng tạo trong triển khai cuộc vận động của TP, qua đó quảng bá các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị… tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và kinh doanh. Đáng chú ý, Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống về lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Sau khi phát động, các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh đã triển khai Cuộc thi và thu hút sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân. Thống kê có 16.564 người đăng ký tài khoản với 68.181 lượt người tham gia dự thi. Số lượng lượt người trả lời đúng cả 10 câu hỏi là 40.531 người (chiếm gần 60% số lượt người tham gia). Số lượt người tham gia cuộc thi và số lượt thi trả lời đúng cả 10 câu hỏi tăng nhanh sau mỗi tuần...

Tỉnh An Giang đã tổ chức lễ phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình đưa 100 chuyến hàng Việt về nông thôn năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Cuộc vận động đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Tại TP HCM, bên cạnh các sự kiện, hội chợ, nhiều cuộc thi diễn ra đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động như: Cuộc thi ảnh “Người Việt tin dùng hàng Việt”; Hội thi “Quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng hàng Việt”; Cuộc thi thiết kế sản phẩm tuyên truyền Cuộc vận động;...

Các cuộc thi nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời phát huy hơn nữa lòng tự tôn dân tộc, qua đó tự giác hành động tích cực góp phần thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn.

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Thời gian qua, đã có nhiều địa phương trên cả nước như Lâm Đồng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Ninh Bình... đưa sản phẩm của tỉnh mình lên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng...

Từ khi triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, trên cả nước đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu, với tổng giá trị đạt 217,1 tỉ đồng.

Đọc thêm